Theo nguồn tin từ trang TechUnWrapped, sau thất bại trong việc thâu tóm hãng thiết kế chip ARM, nhà sản xuất card đồ họa nổi tiếng Nvidia đang dồn tiền cho một thương vụ còn tham vọng hơn nữa: thâu tóm đối thủ trực tiếp AMD với số tiền khổng lồ lên tới 200 tỷ USD.
Tin đồn cho rằng, thương vụ này sẽ giúp Nvidia tiến vào thị trường bộ xử lý cũng như sẵn sàng để đối đầu với Intel khi người khổng lồ sản xuất chip này đang bắt đầu bước chân vào thị trường chip đồ họa máy tính và có thể trở thành mối đe dọa cho Nvidia. Liệu một thương vụ như vậy có thể trở thành sự thật?
Đầu tiên là năng lực tài chính của Nvidia
Nguồn tin của TechUnWrapped cho biết, Nvidia đang chuẩn bị đến 200 tỷ USD để dành cho thương vụ này. Nếu thành sự thật, đây sẽ là thương vụ sáp nhập khổng lồ, không chỉ trong ngành công nghệ mà còn trong bất kỳ lĩnh vực nào khác, nhưng liệu Nvidia có đủ tài chính cho một thương vụ như vậy.
Theo báo cáo từ Wall Street Journal, hiện Nvidia đang nắm giữ khoảng 21,2 tỷ USD tiền mặt và các tài sản tương đương tiền mặt – trong đó có gần 2 tỷ USD tiền mặt. Dường như con số này có được là nhờ vào một năm kinh doanh phát đạt của Nvidia khi lượng tiền mặt và tài sản tương đương tiền mặt năm 2022 đã tăng gần gấp đôi so với con số 11,5 tỷ USD của năm 2021.
Ngoài tiền mặt, Nvidia cũng còn nhiều tài sản khác nằm ở lượng hàng tồn kho, trang thiết bị máy móc, phần mềm, nhà xưởng, dùng cho việc thiết kế và sản xuất chip đồ họa …, cũng như nhiều khoản đầu tư khác của công ty. Theo báo cáo của WSJ, tổng cộng các tài sản này cùng với lượng tiền mặt ở trên, Nvidia hiện đang có hơn 44 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây – có lúc lên đến 60% so với năm trước, tổng tài sản hiện tại của Nvidia đã gấp hơn 3 lần so với năm 2019.
Tuy nhiên, hơn 20 tỷ USD tiền mặt cùng với hơn 44 tỷ USD tổng tài sản mà Nvidia hiện có vẫn quá nhỏ bé so với con số 200 tỷ USD mà công ty dự định huy động theo tin đồn để thâu tóm AMD. Điều đó bắt buộc công ty phải đi vay mượn bên ngoài nếu muốn hoàn tất thương vụ này. Vay được một số tiền gấp 10 lần lượng tiền mặt cũng như gấp gần 5 lần lượng tài sản hiện có là điều không tưởng.
Trở ngại pháp lý
Ngay cả khi huy động được số tiền không tưởng như vậy, khả năng thương vụ này trở thành sự thật vẫn rất nhỏ. Đó là do các trở ngại pháp lý do những quy định về chống độc quyền – đây cũng là chướng ngại chính khiến thương vụ thâu tóm ARM của Nvidia thất bài vào đầu năm 2022.
Là nhà thiết kế chip đang cấp phép cho hơn 22 tỷ bộ vi xử lý được sản xuất mỗi năm, ARM gần như là người thống trị thị trường bản quyền thiết kế chip hiện nay. Đó cũng là lý do các nhà quản lý không tán đồng việc để một công ty quan trọng đến như vậy lọt vào tay một nhà sản xuất bán dẫn tham vọng như Nvidia.
Điều tương tự cũng có thể sẽ xảy ra nếu Nvidia có dự định thâu tóm AMD – hai công ty đang chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường card đồ họa máy tính hiện nay. Không chỉ quan trọng đối với các máy tính hiện nay, linh kiện này còn đang được ứng dụng rộng rãi trong việc xây dựng các hệ thống xử lý thuật toán trí tuệ nhân tạo.
Trong bối cảnh Intel còn đang chân ướt, chân ráo bước chân vào lĩnh vực này với thị phần không đáng kể, khả năng một thương vụ thâu tóm sáp nhập giữa Nvidia và AMD trở thành hiện thực cũng không tưởng không kém so với khả năng huy động số tiền 200 tỷ USD nói trên. Nvidia chắc chắn hiểu hơn ai hết điều này khi họ vừa thất bại trong thương vụ thâu tóm ARM do các e ngại về tình trạng độc quyền trên thị trường.
Với các điều kiện bất khả thi cả về tài chính và pháp lý như thấy ở trên, thật khó có thể tin Nvidia lại định đề ra một kế hoạch thâu tóm sáp nhập tham vọng đến như vậy.