Đôi khi tấm bằng loại Giỏi không thể quyết định được đích đến của một sinh viên vừa ra trường sẽ "hạ cánh" ở doanh nghiệp nào.
Ai cũng nói ngày nay cơ hội việc làm rộng mở, nếu có năng lực thì không lo bị thất nghiệp, nhưng “năng lực” ở đây là gì vẫn là một khái niệm mơ hồ đối với các bạn trẻ, nhất là những sinh viên sắp hay vừa ra trường. Không như ngày còn đi học, có bảng học lực tốt, xuất sắc thì sẽ được ưu tiên xét học trường chuyên, lớp chọn, tình trạng sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi trên tay phải đi bán hàng ở shop quần áo, chạy xe ôm công nghệ… vì không nơi nào nhận vẫn khá phổ biến.
Thực tế, theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, số lượng người lao động thất nghiệp ở quý II năm 2023 tăng so với quý trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi lao động cũng tăng thêm 2,25 điểm phần trăm với khu vực thành thị là 2,75% và nông thôn là 2,01%.
Trong khi các trường đại học thống kê con số đẹp như mơ về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, thì gần đây nhất là khóa 2018 ra trường vào năm 2022, báo cáo phân tích về giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổng hợp số liệu từ 181 trường đại học và 40 trường cao đẳng đã cho thấy “hiện thực phũ phàng”. Báo cáo chỉ ra tỷ lệ sinh viên đại học có việc làm sau khi tốt nghiệp khóa 2018 chỉ đạt khoảng 65%, đặc biệt nhiều sinh viên dù đạt loại giỏi nhưng lại phải xin việc làm bán hàng ở shop quần áo, mỹ phẩm hay chạy xe ôm công nghệ vì không nơi nào tuyển dụng.
Có bằng Giỏi là tốt, nhưng không phải là tất cả
Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Tiến Đạt bày tỏ: “Tôi không lạ khi thấy em gái tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng giờ vẫn lông bông, khó xin việc. Chứng kiến quá trình học tập nỗ lực của em, tôi ghi nhận sự cố gắng nhưng luôn nhắc nhở em điểm số là chưa đủ. Ngồi trên ghế nhà trường, học những môn lý thuyết, đại cương, chỉ cần chăm chỉ hơn các bạn, vùi đầu vào học thuộc lý thuyết, luyện đi luyện lại bài tập thì việc đạt điểm cao và được thầy cô ưu ái là không khó. Nhưng em lại quá tập trung vào các môn học ở trường mà không chịu bồi dưỡng thêm nhiều kỹ năng khác”.
Dù biết rằng những môn học ở trường đại học sẽ là nền tảng, cơ sở để sinh viên phát triển nhưng lý thuyết sẽ mãi nằm trên sách vở nếu không đem đi vận dụng hoặc được nâng cấp hơn. Anh Đạt tiếp lời: “Học tiếng Anh cơ bản nhưng không thi chứng chỉ TOEIC hay IELTS, học Tin nhưng chỉ dừng ở mức đủ xài để ra trường, học về Marketing nhưng cũng chỉ thuộc bài hoặc cùng lắm là thực hành bài tập nhóm, không đi làm thêm, không va chạm thực tế thì chẳng nơi nào dám nhận em vào làm là đúng”.
Sinh viên cố gắng có một bảng điểm đẹp là một điều rất tốt và đáng hoan nghênh, đây sẽ là điểm cộng để các doanh nghiệp thấy sự cố gắng khi còn đi học nhưng nếu chỉ làm “mọt sách” thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bên tuyển dụng. Nhiều người chỉ đạt loại khá, trung bình hoặc thậm chí không đi học đại học nhưng vẫn xin được việc làm ngon lành, điều này cho thấy tốt nghiệp bằng đỏ là lợi thế nhưng chưa đủ để doanh nghiệp săn đón, mời vào làm việc vì cái họ cần là người biết làm, không phải người chỉ biết học.
Giỏi lý thuyết, dở thực hành thì chẳng nơi nào dám nhận
Một độc giả, anh Nguyễn Tuấn Phương nhận định: “Không có kinh nghiệm, chứng chỉ nghiệp vụ khi đi xin việc sẽ rất bất lợi, cậy bằng Giỏi mà đòi hỏi công việc lương cao, đãi ngộ tốt thì càng sai lầm. Có thể lúc học bạn rất giỏi lý thuyết nhưng đi làm thì lóng ngóng, kỹ năng giao tiếp hay teamwork chưa tốt, kinh nghiệm chuyên môn yếu vì chưa từng đi làm thêm, phải đào tạo từ con số 0 thì các doanh nghiệp cũng rất ngại nhận vào làm, đó là chưa kể có vượt qua được thời gian thử việc hay không”.
Bạn đọc Nguyễn Minh Hạnh ý kiến: “Chẳng phải kinh nghiệm làm việc là một mục cố định trong CV xin việc sao? Nếu trống trơn thì chắc gì bạn đã qua vòng chọn lựa hồ sơ, nói gì đến phỏng vấn. Trường đại học chỉ cung cấp kiến thức nền tảng và tư duy học tập, giải quyết vấn đề, còn để vận dụng chuyên môn thì phải trau dồi kỹ năng. Nếu chỉ chăm chăm học bài, tư duy trên giấy, phụ thuộc vào những gì được thầy cô dạy thì dù điểm cao nhưng chưa chắc bạn đã thực sự am hiểu những gì được học”.
Tự đặt câu hỏi cho chính mình
Nếu cầm bằng giỏi trên tay mà chẳng nơi nào tuyển dụng thì điều đầu tiên sinh viên cần trăn trở là bản thân mình đã giỏi thật sự hay chưa, đã nỗ lực đúng hướng chưa, có làm được việc hay chỉ là ảo tưởng sức mạnh. Đặt ra câu hỏi “Tại sao mình thất nghiệp trong khi người khác điểm thấp hơn mà vẫn được tuyển dụng?”
Bằng Giỏi không đi đôi với công việc xịn, lương cao, đãi ngộ tốt. Hàng năm vẫn có hàng trăm ngàn doanh nghiệp cần người làm và cái họ cần ở một nhân sự là kỹ năng phù hợp chuyên môn, sự linh hoạt, khéo léo, tư duy mở, có kinh nghiệm thì càng tốt. Đồng thời, việc học không chỉ dừng trên ghế nhà trường mà ngay cả khi làm việc, thái độ cầu tiến, chủ động quan sát, học hỏi chứ không ngồi yên chờ “thầy cô” ở công ty chỉ bảo từng chút cũng là ưu điểm khi đánh giá nhân sự.
Tóm lại, cố gắng có bằng Giỏi là tốt, nhưng sinh viên cần nhiều hơn như thế nếu không muốn thất nghiệp hay lông bông, làm những công việc tạm bợ sau khi ra trường. Cũng đừng vì có chiếc bằng Giỏi mà tự tin quá đà, thiếu khiêm tốn khi đi phỏng vấn xin việc vì doanh nghiệp cần người biết làm, không phải chỉ biết học. Hãy trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, học thêm khóa học liên quan chuyên ngành và đừng ngại bỏ thời gian đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, bởi học giỏi mà không làm giỏi thì sẽ sớm bị đào thải mà thôi.
Tags