Sài Gòn FC đã thất bại toàn tập trong trận "chung kết ngược" tại vòng 25 V-League 2022 và tỷ số 0-3 như là đòn bẩy đưa đội bóng này đến gần với suất rớt hạng duy nhất hơn bao giờ hết. Không ngoa khi nói rằng vào lúc này, chỉ có "thuốc tiên" mới cứu được đoàn quân của HLV Phùng Thanh Phương.
Thật ra, việc Sài Gòn FC gia nhập cuộc đua trụ hạng và nổi lên là "ứng cử viên" nặng ký cho tấm vé xuống hạng ở mùa giải 2022 đã được biết đến từ lâu.
Nhưng ở vào những thời khắc sinh tử quyết định của mùa giải, Ban huấn luyện cũng như các cầu thủ Sài Gòn FC không biết lấy động lực và niềm tin ở đâu để tiếp tục cuộc đua trụ hạng khi họ luôn sống, tập luyện và thi đấu trong bối cảnh tâm lý bất ổn, tương lai bơ vơ không biết đi về đâu sau khi mùa giải năm nay kết thúc.
Thành tích thi đấu không tốt, lương thưởng, lót tay bị nợ đọng kéo dài, lãnh đạo CLB thì bỏ bê vì lý do ai cũng hiểu là khó khăn tài chính. Những bài học nhãn tiền tại V-League về việc những ông chủ các CLB "đem con, bỏ chợ", dứt tình giữa đường đã từng có không ít, gần nhất là chuyện của Than Quảng Ninh.
Thế nên, cầu thủ Sài Gòn FC, cho dù là nội hay ngoại binh không lo cũng không được. Bởi vậy, dù có siết tay nhau lại cùng nhau hô quyết tâm thì họ cũng không đấu lại các đối thủ cạnh tranh như Nam Định, tinh thần thi đấu tốt hơn hẳn, CĐV ủng hộ, điểm tựa sân nhà và hơn tất cả là khoản tiền thưởng "nóng" 3 tỷ đồng ngang bằng đội vô địch V-League được treo ngay trước thềm trận "chung kết ngược".
Với hai điểm ít hơn Hồng Lĩnh Hà Tĩnh khi giải chỉ còn 1 vòng đấu nữa kết thúc, trên lý thuyết, Sài Gòn FC vẫn còn có thể trụ hạng nếu thắng B.Bình Dương ở vòng đấu cuối trong khi đối thủ cạnh tranh không vượt qua được Đông Á Thanh Hóa.
Nhưng như chính HLV trưởng Phùng Thanh Phương thừa nhận, khả năng trụ hạng của Sài Gòn FC còn rất thấp. Chính ông Phùng Thanh Phương ở buổi họp báo sau trận thua Nam Định 0-3 cuối tuần qua đã không ngần ngại chê trách cầu thủ đội nhà thiếu chuyên nghiệp, hết lấy lý do chấn thương để không cùng đội thi đấu hoặc chuyển qua đá giải phủi.
Ý kiến chủ quan cho rằng những cầu thủ đó không xứng đáng là cầu thủ chuyên nghiệp của HLV Phùng Thanh Phương ngay lập tức nhận phản ứng trái chiều từ người trong cuộc lẫn dư luận.
Chính hậu vệ Quốc Long, người bị nêu trong câu chuyện "lùm xùm", đá phủi trong ngày đội nhà thi đấu V-League cũng không ngần ngại đăng đàn phản ứng dữ dội vì khẳng định mình không được đăng ký thi đấu tại V-League thì chọn cách không đi cùng đội và chuyển sang thi đấu ở sân phủi cũng đâu có gì sai.
Ai đúng, ai sai hạ hồi phân giải nhưng đúng là Sài Gòn FC là đội bóng có quá nhiều vấn đề chứ không đơn thuần chỉ là yếu kém về chuyên môn. Đến HLV trưởng còn phải lên tiếng về việc nợ, lương thưởng, giải đáp những thắc mắc về tài chính thì làm sao tập trung vào làm công tác chuyên môn được.
Hơn nữa, khi đội bóng thất bại mà chê trách cầu thủ ngay, lấy học trò ra đổ lỗi cũng không phải là cách làm của bóng đá chuyên nghiệp.
Nhưng không chỉ Sài Gòn FC, đội bóng cho đến lúc này nhiều khả năng xuống hạng nhất có vấn đề mà còn những câu chuyện khác khiến chúng ta phải băn khoăn, như việc dùng tiền tỷ treo thưởng cho suất trụ hạng hay cả mùa giải mua bán, thay đổi tổng cộng 8 ngoại binh nhưng rốt cuộc nội binh phải còng lưng ra gánh.
V-League là xương sống, bộ khung làm nên sức mạnh cho đội tuyển quốc gia nhưng khi thành tích của đội tuyển Việt Nam hay U23 Việt Nam liên tục thăng tiến thì sự phát triển của V-League cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đồng đều.
Trách nhiệm của VFF, VPF là quản lý, điều hành và tổ chức giải đấu, giám sát, cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, VPF không thể làm thay việc CLB là trả lương cho cầu thủ được.
Chỉ khi nào có sự chuyên nghiệp đồng bộ thì V-League mới phát triển vững mạnh được.