"Thượng kinh ký sự" của Lê Hữu Trác: Du ký văn học đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam

Thứ Tư, 11/12/2024 18:31 GMT+7

Google News

Nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh đại danh y, danh nhân văn hóa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791), UNESCO đã thông qua nghị quyết vinh danh ông, ghi nhận những đóng góp to lớn cho nền y học và văn học của Việt Nam cũng như nhân loại. Nhân dịp này, Nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt tác phẩm Thượng kinh ký sự.

"Tập Thượng kinh ký sự có giá trị tolớn đối với văn học và sử học, là tác phẩm du ký văn học điển hình, đỉnh cao của thể ký trong văn học cổ điển trung đại Việt Nam và trong khu vực văn hóa Đông Á", đây là đánh giá của PGS-TS Đoàn Lê Giang tại buổi tọa đàm khoa học về Lê Hữu Trác tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) hôm 9/12.

Vượt trội về hình tượng nghệ thuật

PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn đồng tình với nhận định trên và nhấn mạnh rằng Thượng kinh ký sự là tác phẩm du ký đỉnh cao trong văn học trung đại Việt Nam. So với Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ thì Thượng kinh ký sự vượt trội hơn trong tính hình tượng nghệ thuật phong phú, vai trò chủ thể của tác giả thể hiện một cách sống động, đạt đến chuẩn mực nghệ thuật của thể loại du ký.

"Thượng kinh ký sự" của Lê Hữu Trác: Du ký văn học đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam - Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn phát biểu tại tọa đàm

Tác phẩm thể hiện sự nhuần nhuyễn tính văn học, với sự giao thoa tinh tế và đan xen giữa tư duy nghệ thuật tự sự và trữ tình, văn xuôi và thi ca, kể sự và ngụ tình, kể chuyện và đối thoại, tự thuật và ngoại đề, ghi chép thực tại và hồi cố... Tất cả những yếu tố này cùng hiện diện hài hòa trong một tác phẩm duy nhất.

Tác phẩm Thượng kinh ký sự đã kiến tạo và mở rộng biên độ thể loại văn xuôi chữ Hán thời trung đại, thu nạp vào trong nó những phong cách thể loại khác nhau, góp phần phát triển thể tài du ký thế kỷ 18-19 đạt trình độ cổ điển, chuẩn mực cả về nội dung và hình thức nghệ thuật

Bởi thế, Thượng kinh ký sự có thể xem là điển phạm trong thể loại du ký. Điển phạm là những tác phẩm bất ngờ xuất hiện trong văn đàn, trước đó chưa từng có tác phẩm báo tín hiệu và sau đó cũng không có tác phẩm kế thừa, giống như trường hợp Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi trong thể thất ngôn xen lục ngôn, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ trong thể loại truyện truyền kỳ.

"Thượng kinh ký sự" của Lê Hữu Trác: Du ký văn học đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam - Ảnh 2.

PGS-TS Đoàn Lê Giang phát biểu

Trong khu vực Đông Á, du ký cổ điển phân thành 3 loại: Du ký văn học trường thiên, du ký văn học đoản thiên, du ký mang tính học thuật thiên về sử hoặc địa chí. Thượng kinh ký sự (1783) của Lê Hữu Trác thuộc thể loại du ký văn học trường thiên, tương tự các tác phẩm Chân Lạp phong thổ ký của Châu Đạt Quan (Trung Quốc), Áo chi tế đạo của Matsuo Basho (Nhật Bản)… Đây là các tập du ký dài ghi chép chuyến đi nhưng tâm thế "chơi" thể hiện rõ nét người viết đi thưởng ngoạn thong thả và suy ngẫm cá nhân về thế sự.

Nhưng, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác có phong cách rất riêng. Chủ thể tác giả "tôi" vừa là người dẫn truyện và tạo dựng cốt truyện theo định hướng thống nhất thể hiện cái "tôi" thanh cao, cứng cỏi, đa tài. Con người thực Lê Hữu Trác vừa tự tin vừa hoài nghi, vừa rất mực ý thức về dòng dõi, tài năng của mình vừa như gián cách nhún nhường.

"Thượng kinh ký sự" của Lê Hữu Trác: Du ký văn học đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam - Ảnh 3.

Tập “Thượng kinh ký sự” vừa phát hành

Có lúc ông dùng lối nói khiêm xưng "tôi là kẻ hèn mọn nơi thảo dã", bảo thơ mình là "lời lẽ quê mùa" song có khi khác ông lại tỏ thái độ cao đạo, ý thức sâu sắc vị trí, vai trò con người cá nhân như qua lời của giáo quan ở An Việt: "Tôi vẫn nghe tiếng cụ như sấm động bên tai", quan thị nội nói: "Cụ nức tiếng ở kinh đô"…

Du ký của Hải Thượng Lãn Ông tương đồng "Áo chi tế đạo" của Matsuo Basho-cuốn du ký hàng đầu của văn học cổ điển Nhật Bản- ở cái hào mại tiêu sái, cái thanh sạch tự nhiên…

Cảm hứng đi, thấy và viết

Đây là tiếng nói chủ đạo trong toàn bộ thiên du ký. Trên đường đi, những gì tác giả mắt thấy tai nghe đều ghi chép cẩn thận theo lối tả thực của sử liệu, cảnh vật đan xen hồi ức, suy tưởng. Những thắng tích tuyệt đẹp trên đường lên kinh đô năm 1781 được Lê Hữu Trác miêu tả sinh động các địa danh Cấm Sơn, Kênh Sắt, đèo Ba Dội…từng chữ vẽ lại phong cảnh thiên nhiên trác tuyệt như cảnh núi Cấm, kênh Sắt văn thơ lồng vào nhau quấn quít như mây gió thể hiện tâm sự tác giả như đoạn trích sau:

"Đường đi qua Cấm Sơn, sang đò Cấm Giang, tới bến Thiết Cảng (Kênh Sắt). Lúc đó hơi mặt bể, khói đầu non bốc lên nghi ngút, thực như câu: "Núi này trăm sáu ngọn cao/ Chẳng hay sư cụ nẻo nào ra vô".

"Thượng kinh ký sự" của Lê Hữu Trác: Du ký văn học đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam - Ảnh 5.

Độ trong vài bước mà không ai trông thấy ai, chỉ nghe tiếng chim kêu vượn hót ở trên tầng mây, nhác xem cái thú sơn lâm ấy, hình như có ý khiến cho tôi phải đổi cảnh sinh tình mà có điều cảm xúc thầm ở trong bụng rằng: Ba mươi năm nay, cái đám lợi danh kia, mình đã buông theo với dòng lưu thủy, để cho được ưu du trong cái chỗ suối rừng, lấy một chữ "nhàn" làm đắc sách…".

Cuộc đời Lê Hữu Trác dù trải qua 3 giai đoạn lớn - văn nhân, chiến sĩ, lương y - vẫn luôn nhất quán với quan niệm nhân sinh phụng sự thế gian, như chính tâm sự của ông được thể hiện qua câu thơ: "Cầm ngôn tư nhất lạc/ Tranh nại vị nhân ưu" (Những muốn vui thú đàn rượu/ Nhưng còn phải vì người mà ưu lo).

Chúng ta cần nhìn vào tính lịch sử, tính thời đại, các tương quan điều kiện hoàn cảnh lịch sử để soi rọi tầm vóc, bản lĩnh tính cách của danh Nho Lê Hữu Trác qua nhiều tầng bậc. Mỗi giai đoạn ông xoay chuyển cách sống hợp thời thế để tiếp tục sứ mệnh cứu nhân độ thế như người đời ca tụng và ngưỡng mộ.

Dịch giả Phan Võ đã nhấn mạnh: Con người Lãn Ông trước hết là một con người kiên nghị…Con người Lãn Ông là một nhà thơ ẩn dật…Con người Lãn Ông lại là một nhà văn có giá trị. Văn của Lãn Ông là một lối văn tinh tế… Đối với đời sau, nó lại còn quý giá ở chỗ vẽ lại những sự thực của lịch sử.

Du ký của Hải Thượng Lãn Ông tương đồng Áo chi tế đạo của Matsuo Basho-cuốn du ký hàng đầu của văn học cổ điển Nhật Bản- ở cái hào mại tiêu sái, cái thanh sạch tự nhiên, nói chung là cái chất văn chương, và cả hình thức du ký xen lẫn thơ.

Bản in biên khảo

TậpThượng kinh ký sự vừa phát hành bao gồm bản dịch của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật cùng văn bản Hán văn gốc, kèm theo 13 bài phụ lục phân tích giá trị tác phẩm. Các bài viết được thực hiện bởi các tác giả uy tín như Phan Võ, Ứng Nhạc Vũ Văn Đĩnh, Nguyễn Tùng Lĩnh, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Hữu Sơn, Biện Minh Điền...làm nổi bật giá trị văn hóa, nghệ thuật và tư tưởng của tác phẩm. Đây là bản in đầy đủ bậc nhất từ trước đến nay.

Lê Ngọc Hân

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›