(Thethaovanhoa.vn) - Sau cùng, chưa có người phụ nữ nào ở làng Đông tìm được cho mình niềm hạnh phúc trọn vẹn. Và, chiều 4/3, bộ phim truyền hình Thương nhớ ở ai có một kết thúc mở, không quá bi thương nhưng đầy day dứt và khắc khoải…
- Tranh cãi kết phim ‘Thương nhớ ở ai’: ‘Vạn phải tự tử mới đúng’
- Xem 2 tập cuối ‘Thương nhớ ở ai’: Thân phận người phụ nữ đầy đau đớn, ly biệt, bi thương
- ‘Thương nhớ ở ai’ tập 22: Trai làng Đông đi bộ đội, Hạnh cầu xin được phụng dưỡng bố mẹ chồng
Trong vài tháng phát sóng, dù lên sóng khung giờ phim Rubic 8 (14h20 thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần), thay vì khung giờ vàng nhưng 34 tập phim Thương nhớ ở ai của đạo diễn Lưu Trọng Ninh vẫn gây chú ý với nhiều khán giả truyền hình.
Nhớ thương, day dứt
Phim được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng và khai thác câu chuyện về thân phận bi kịch của người phụ nữ thời hậu chiến tại một làng quê Bắc Bộ đầy biến động trong những năm 1954 - 1975. Đó là làng Đông, ngôi làng chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh: vắng bóng đàn ông. Bến nước của làng trở thành nơi những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập.
Thông qua các nhân vật Nhân, Hơn, Nương… và sau này là các con cái của họ, Thương nhớ ở ai tái hiện cuộc sống đau khổ của những người phụ nữ nông thôn. Họ phải chịu đựng nỗi đau mất mát người thân hy sinh ở chiến trường, trong khi người đàn ông còn sống trở về cũng không đem lại hạnh phúc cho người phụ nữ chờ đợi họ suốt nhiều năm dài đằng đẵng. Dường như cả cuộc đời, những người phụ nữ làng Đông luôn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến hủ tục hà khắc, phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân.
Nhân là một phụ nữ nông thôn điển hình luôn phải hy sinh, nhẫn nhịn. Vạn với Nhân dù yêu nhưng không thể đến được với nhau, anh phải bỏ làng ra đi. Đến khi chiến tranh kết thúc, Vạn phục viên trở về làng, Nhân lúc này là vợ liệt sỹ, hai người vẫn yêu nhau nhưng không thể vượt qua định kiến của dân làng để theo đuổi hạnh phúc.
Bi kịch xảy đến ở phần cuối bộ phim khi Hạnh - con gái của Nhân và Vạn qua đêm và có con với nhau trong lúc cả hai cùng cảm thấy bế tắc. Khi Hạnh chuẩn bị chạm tới hạnh phúc với một ông chủ xưởng thêu giàu có, thương yêu cô trên thành phố, đó cũng là lúc Hạnh phát hiện ra thực tại phũ phàng. Hạnh quyết định sinh con rồi sau đó đưa con gái trở về làng tìm Vạn. Bởi, cô quan niệm, hạnh phúc là phải vượt qua số phận của mình, gắn với làng quê nơi mình sinh ra, gắn với tuổi thơ buồn vui, cơ cực.
Sau cùng, Hạnh không có được hạnh phúc trọn vẹn, những người con gái khác của làng Đông như: Liễu, Cúc, Thắm, Thìn… vẫn đang trên con đường đi tìm hạnh phúc của riêng mình, nhưng kết phim Thương nhớ ở ai được nhiều khán giả đồng cảm. Phim kết thúc không quá bi thương, ai oán như trong tiểu thuyết Bến không chồng, Vạn không chết mà một lần nữa bỏ đi, để lại cho Hạnh và Hơn niềm hy vọng, rằng có thể sau này, anh đủ dũng cảm và mạnh mẽ để sống thật với những khao khát của bản thân.
Dấu ấn mới từ đề tài cũ
Năm 1991, tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn. Năm 1999, đạo diễn Lưu Trọng Ninh làm phim điện ảnh Bến không chồng, được đánh giá cao vì có sức ám ảnh dai dẳng về số phận người lính thời hậu chiến.
Trong phiên bản truyền hình lần này của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh, chuyện phim được khai thác chi tiết hơn với nhiều cảnh đời éo le, ngang trái… Thân phận người phụ nữ thời chiến chịu nhiều kìm kẹp bởi lề thói xã hội được khắc hoạ rõ nét và chân thực, để lại nhiều cảm xúc và sự ám ảnh cho người xem.
Nhân vật nam chính, Vạn được đạo diễn Lưu Trọng Ninh giao cho Lâm Vissay, một nam diễn viên là Việt kiều Đức, từng được đào tạo chuyên nghiệp về diễn xuất. Lâm Vissay đã diễn hết mình, hóa thân vào nhân vật Vạn và anh đã thực sự lột tả được gánh nặng đè nén lên vai người lính thời hậu chiến. Để giữ hình ảnh, Vạn không thể vượt qua những hủ tục, những lề thói đã tồn tại cả trăm năm để được yêu, được sống như một người bình thường với mưu cầu bình thường nhất về hạnh phúc.
Các nhân vật nữ đều thể hiện khá tốt vai trò của mình, tạo được dấu ấn riêng như: Nhân (do Ngọc Anh đảm nhiệm), Hơn (Hồng Kim Hạnh đóng), Nương (Thanh Hương đóng), "cán bộ xã" Tí Hin (Trương Phương đóng), Hạnh (Trà My đóng)… Đặc biệt, một vài vai diễn có sự biến tấu so với truyện gốc, như vai Hơn từ người đàn bà lẳng lơ trở thành cô gái hiền thục, vai Nương có giọng hát khiến người làng Đông mê mẩn… cũng tạo được sự mới mẻ cho bộ phim.
Thêm một điểm đáng ghi nhận trong phim Thương nhớ ở ai là ê kíp làm phim cố gắng tái hiện hình ảnh làng quê Bắc Bộ thuần khiết trong những năm 1954 – 1975. Sự đầu tư kỳ công của ê kíp sản xuất với gần 2.000 cảnh phim được dùng kỹ xảo, nhằm phục dựng những bối cảnh nông thôn không còn nguyên vẹn sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa... giúp bộ phim tạo được ấn tượng tốt với khán giả.
Tuy nhiên, dù được yêu mến nhưng bộ phim cũng gây tranh cãi bởi trang phục áo yếm của các diễn viên nữ trong những tập đầu, và ở gần cuối, cảnh ân ái của Vạn với Hạnh - con gái của Nhân - cũng nhận những ý kiến trái chiều. Nhiều khán giả cũng góp ý rằng, bộ phim còn nhiều đoạn dài dòng, đôi chỗ phần lời thoại được lồng tiếng không khớp nên thiếu cảm xúc… Dù vậy, Thương nhớ ở ai được đánh giá là giàu cảm xúc và là một bộ phim đáng xem.
Tiểu Phong
Tags