Khán giả không ít lần phải rưng rưng nghẹn ngào trước cuộc đời đầy những gian truân, khổ hạnh của nữ chính này.
Vẫn là cuộc sống nơi thị thành phồn hoa náo nhiệt nhưng Cuộc đời vẫn đẹp sao khác hẳn những bộ phim gần đây của VFC. Phim đưa khán giả lui về một góc nhỏ nơi xóm chợ tồi tàn dưới chân cầu lụp xụp cạnh bờ sông Hồng, nơi không hề có hoa mà chỉ toàn lệ dành cho người nghèo. Ở đó, Luyến (Thanh Hương) có muốn sống như một đóa hoa thì cuộc đời cũng chẳng cho phép bởi dường như mọi sự khốn khổ trên cõi đời này đều lũ lượt gõ cửa tìm tới cô.
Cô con gái thiếu thốn tình thương cha mẹ
Có lẽ chẳng phải nghiễm nhiên mà Luyến lại hết lòng chăm sóc mẹ chồng - bà Tình (NSƯT Thanh Quý). Người mẹ chồng khốn khổ này cho cô cảm giác được yêu thương như máu mủ, điều mà cô luôn thiếu. Dù câu chuyện về Luyến và cha mẹ ruột không được nhắc đến nhiều trong phim nhưng chỉ bằng phát nét phác họa, khán giả cũng đủ hiểu cô là "nạn nhân" của chính cha mẹ mình. Khi những người trọng nam khinh nữ kia chưa từng một lần thực sự yêu thương Luyến như máu mủ.
Năm đó, khi nghe tin chồng Luyến chết ngoài biển, cô và mẹ chồng mất cả căn nhà, phải gánh khoản nợ khổng lồ do Sơn để lại, bố mẹ đẻ lập tức viết giấy từ con, bắt Luyến ký rồi phát khắp làng xóm để không bị liên lụỵ. Suốt 5 năm, Luyến phải sống khổ sở nơi xóm chợ, chưa một ngày được nghỉ ngơi, cha mẹ không hề có lấy một lời hỏi han. Thế nhưng khi Luyến về quê lo chuyện, hai người lại ngọt nhạt đòi Luyến đưa tiền trả nợ cờ bạc cho em trai. Xin không được thì họ chuyển sang hạch sách, mắng mỏ, thậm chí là đánh Luyến, không cần biết con gái tổn thương đến thế nào. Khi Luyến chất vấn họ sao lại từ mặt mình mà không từ người con trai lêu lổng, cờ bạc, hai người trả lời mà không mảy may nghĩ ngợi: "Vì nó là con trai, là độc đinh của dòng họ".
Cuối cùng, Luyến sinh ra với thân phận con gái đã là một lỗi sai trong mắt chính người đem cô tới thế giới này.
Hết lòng vì gia đình chồng để nhận về tủi hờn, đau đớn
Ngày hay tin chồng chết mất xác ngoài biển, Luyến còn tương lai rộng mở, cũng được mẹ chồng ủng hộ đi bước nữa nhưng cô chưa một lần nghĩ cho bản thân. Luyến quyết định ở lại với bà Tình, hai mẹ con lưu lạc đến xóm chợ nghèo cạnh bờ đê để mưu sinh, trả nợ và cũng nuôi hi vọng rằng có ngày nghe ngóng được tin tức của Sơn. Suốt 5 năm, cô làm việc quần quật như một người đàn ông, chắt bóp chi tiêu để trả món nợ vốn chẳng phải của mình. Cô chăm lo cho bà Tình như mẹ ruột, yêu thương gia đình này, kể cả khi không còn Sơn ở cạnh, mà không hề toan tính thiệt hơn.
Ngày Sơn trở về, Luyến hạnh phúc vỡ òa, thậm chí có cả sự bẽn lẽn, ngại ngùng như thể người phụ nữ mới lần đầu biết yêu. Nghe bà Tình dạy mình cách "bào tiền" con trai, nghe Sơn nói về việc sẽ hoàn lại số tiền mà Luyến thay mình trả nợ, cô Luyến vốn nổi tiếng khôn lanh thường ngày nay lại chẳng hề nhận ra điểm nào khác lạ. Cô vẫn vô tư tận hưởng thứ hạnh phúc bao năm mới có lại được, như một đứa trẻ được thưởng cho thức quà yêu thích.
Bi kịch đến vội, ngay khi vừa được Sơn mua cho chiếc áo mới, Luyến đã phải chứng kiến cảnh một cô bé lao tới gọi Sơn là bố, bối rối đối diện với người phụ nữ mới của Sơn. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, người có hôn thú đàng hoàng, được cùng Sơn nên vợ nên chồng trước bàn thờ gia tiên nay lại như kẻ thứ ba chen chân vào một gia đình đang hạnh phúc. Thế rồi Sơn hèn hạ bế con gái chạy đi, để Luyến ở lại đối diện với ánh mắt nghi kỵ từ người vợ mới, Luyến muốn khóc cũng chẳng khóc nổi. Ấm ức, tủi hờn nhưng chẳng biết trút vào đâu càng không biết mình sai chỗ nào mà phải ra nông nỗi này.
Đau đớn nhân đôi khi Luyến nhận ra bà Tình vốn đã biết về gia đình mới của Sơn. Người mà Luyến coi như máu mủ, bao năm chăm sóc chẳng than trách nửa lời nay lại đâm cho cô một nhát dao quá đau. Bà Tình sai không? Có lẽ là không. Bởi bà cũng đang bàng hoàng với sự thật trước mắt, cũng đau đớn thương cho cô con dâu khốn khổ của mình. Nhưng bên dâu, bên con, bà chẳng thể chọn được. Và Luyến cũng không thể hiểu được, với cô lúc này, cả thế giới đã bỏ rơi cô mất rồi.
Đến khi nào cuộc đời mới đẹp đây?
Trong mắt Lưu và có lẽ là cả đám đàn ông làm nghề cửu vạn, Luyến là cô gái có phần dễ dàng. Cô giỏi đong đưa cánh đàn ông, ánh mắt lúc nào cũng lúng liếng khiến hiếm ai có thể từ chối những lời đề nghị. Nhưng Luyến đâu có muốn vậy, cô cũng muốn sống như một người bình thường, có lòng tự trọng và được tôn trọng. Bởi "phận đàn bà góa, mưu sinh vất vả, nếu không đong đưa một chút thì khó sống lắm"... Luyến buộc bản thân phải trở thành người đàn bà "lươn lẹo", đôi khi bị người đời nhìn với sự rẻ rúng, khinh miệt, miễn sao cuộc sống của hai mẹ con có thể dễ thở hơn đôi chút.
Trong mắt đám đàn ông làm nghề cửu vạn, Luyến là một người đàn bà đẹp. Và quả thật, cô rất đẹp, đẹp đến tội nghiệp. Dù có gồng mình trở nên xấu xí, xù xì thì bản chất của Luyến vẫn là một kẻ lương thiện. Cô trao yêu thương mà chẳng đòi hỏi sự hồi đáp. Ngay cả với Điền, kẻ đã lấy cắp của mẹ con cô một chỉ vàng, Luyến cũng chẳng nỡ đòi khi biết anh ta còn khốn khổ hơn mình. Luyến đẹp như vậy nhưng cuộc đời lại chẳng chịu đẹp với cô. Còn nhớ trong những ngày đầu khi chồng mới mất, Luyến xuất hiện với dáng vẻ dịu dàng cùng mái tóc dài thướt tha và chiếc áo sơ mi nhẹ nhàng. Còn hiện tại, đến mái tóc dài cũng chẳng còn ở lại, bởi cô phải biến bản thân trở thành dáng vẻ gai góc nhất, để gánh gồng những khó nhọc trên đời. Ấy thế mà sau bao năm gồng gánh, Luyến lại phải đối diện với cảnh chẳng còn một ai ở bên. Cha mẹ ruồng rẫy, chồng phản bội, chiếc phao cứu sinh cuối cùng là bà Tình cũng đã vụt mất. Thử hỏi bao giờ cuộc đời của Luyến mới đẹp đây?
Nguồn ảnh: VTV
Tags