Kể từ ngày 8/4, đội tuyển cầu lông Việt Nam với 8 tay vợt chính thức ra quân tại giải vô địch châu Á 2025 diễn ra tại Ninh Ba, Trung Quốc, với mục tiêu vượt khó.
Thùy Linh sớm gặp đối thủ nặng ký
Nguyễn Thùy Linh với hạng 27 thế giới nội dung đơn nữ là niềm hy vọng lớn nhất của đội tuyển quốc gia cầu lông khi đến với sân chơi châu lục, đồng thời, cũng là tay vợt duy nhất được vào thẳng vòng đấu chính mà không phải thi đấu vòng sơ loại. Dù vậy, rất nhiều thử thách đang chờ đợi khi lá thăm may rủi khiến cô gái Phú Thọ sớm tái ngộ với Akane Yamaguchi (Nhật Bản) ngay trận đầu tiên ở vòng đấu chính (vòng 32).
Cách thời điểm này hơn 3 tuần (ngày 11/3), Thùy Linh từng thất bại 0-2 (19/21, 12/21) trước đối thủ Nhật Bản cũng ở vòng 32 đơn nữ giải cầu lông toàn Anh diễn ra tại Birmingham. Trận đấu kéo dài 35 phút trong sự áp đảo của tay vợt hiện đang xếp hạng 4 thế giới. Theo nhận định của giới chuyên môn, Thùy Linh sẽ đối diện với nhiều thử thách và mục tiêu dành cho tay vợt Việt Nam là thắng từng trận tại giải.
"Giữa 2 tay vợt có sự chênh lệch đáng kể về thứ hạng cá nhân trên bảng xếp hạng thế giới. Thùy Linh hiện đứng thứ 27 và mới đây đã thua Akane Yamaguchi. Nếu như muốn giành quyền đi tiếp, Thùy Linh sẽ phải nỗ lực vượt khó.
Thời gian qua, kế hoạch chuẩn bị chuyên môn của Thùy Linh cho giải vô địch châu Á diễn ra khá kỹ lưỡng. Ngoài việc tập trung cùng đội tuyển quốc gia, tay vợt này cũng được tạo điều kiện để thi đấu quốc tế với 6 giải đấu từ đầu năm 2025", ông Khoa Trung Kiên, Bộ môn Cầu lông, Cục TDTT, cho biết.
Áp lực với niềm hy vọng số 1 của cầu lông Việt Nam là không nhỏ song từ sự chuẩn bị tích cực, Thùy Linh đang tự nhen nhóm lên cơ hội cho chính mình. Đặc biệt, kinh nghiệm từ cuộc đọ sức cách đây ít ngày có thể giúp tay vợt sinh năm 1997 đảo ngược tình thế trước đối thủ được đánh giá cao hơn.

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh sớm gặp thử thách ngay vòng 1 giải vô địch cầu lông châu Á. Ảnh: Hoàng Linh
Chờ đợi bất ngờ
Trong số các đại diện còn lại góp mặt tại giải vô địch châu Á, Lê Đức Phát (đơn nam) và bộ đôi Đình Hoàng/Đình Mạnh được kỳ vọng sẽ tạo nên bất ngờ. Nhiệm vụ trước mắt là vượt qua vòng sơ loại để giành quyền vào vòng đấu chính, tiếp theo, tìm kiếm từng trận thắng để mở ra hy vọng tiến xa.
Trước khi lên đường tới Trung Quốc, bộ đôi Đình Hoàng/Đình Mạnh vừa giành chức vô địch nội dung đôi nam tại giải Vietnam International Challenge 2025 diễn ra vào cuối tháng 3 tại Hà Nội. Đây là tấm huy chương duy nhất mà các tay vợt chủ nhà giành được ở giải đấu này và cũng là thành tích đáng chú ý nhất của 2 tay vợt trong lần đầu góp mặt. Trong tương lai gần, Đình Hoàng/Đình Mạnh được coi như hy vọng tranh chấp huy chương cho cầu lông Việt Nam tại SEA Games 33.
Với Lê Đức Phát, đối thủ ở vòng bảng sơ loại gồm có Viren Nettasinghe (Sri Lanka) và Kah Kit Kan (Brunei). Đây là bảng đấu không quá khó khăn và cơ hội đi tiếp cho Đức Phát là không nhỏ. Thử thách chỉ thực sự đến với tay vợt sinh năm 1998 kể từ vòng đấu chính khi sớm đụng hạt giống số 4 - Li Shifeng (Trung Quốc).
"Giải vô địch châu Á quy tụ toàn bộ các tay vợt xuất sắc nhất của châu lục và đa phần trong số đó đều đã đạt tới đẳng cấp hàng đầu thế giới. Vì thế, với các VĐV Việt Nam, dù mỗi người đều có chỉ tiêu chuyên môn riêng song sẽ rất khó nếu nói tới khả năng tranh chấp huy chương. Tùy theo lộ trình, ban huấn luyện sẽ đưa ra đấu pháp và mục tiêu cho từng trận", ông Khoa Trung Kiên chia sẻ.
Cầu lông Việt Nam dự 5 nội dung tại giải vô địch châu Á 2025
Đội tuyển cầu lông Việt Nam với 8 tay vợt gồm Nguyễn Thùy Linh, Phạm Thị Khánh, Phạm Thị Diệu Ly, Lê Đức Phát, Phạm Văn Hải, Thân Vân Anh, Nguyễn Đình Hoàng, Trần Đình Mạnh do HLV Ngô Trung Dũng và chuyên gia Hariawan (Indonesia) dẫn dắt sẽ thi đấu 5 nội dung gồm đơn nữ, đơn nam, đôi nữ, đôi nam, đôi nam nữ tại giải. Trong lịch sử góp mặt sân chơi này, ngoại trừ tấm HCĐ đơn nam mà Nguyễn Tiến Minh giành được vào năm 2019, chưa có tay vợt Việt Nam nào gây được tiếng vang. Giải vô địch cầu lông châu Á diễn ra từ ngày 8 đến 13/4 tại Ninh Ba, Trung Quốc, và đội tuyển cầu lông Việt Nam đã có mặt từ ngày 5/4 để làm quen với điều kiện khách quan.
Tags