Tỉ phú Trung Quốc đầu tư cho bóng đá, nhưng có đáng tiền?

Thứ Sáu, 05/02/2016 20:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa,vn) - Một số những người giàu nhất Trung Quốc, Jack Ma (Mã Vân) của Alibaba, Jia Yueting (Cổ Dược Đình) của LeEco và Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm) của Wanda, đang tiến vào thị trường thể thao, cụ thể là bóng đá, nhưng có đáng tiền?

Những tỉ phú Trung Quốc đang mua lại các kênh thể thao và CLB bóng đá, cả trong và ngoài nước, trong bối cảnh ngành kinh doanh thể thao ở Trung Quốc được ước tính sẽ đạt mức giá trị 800 tỉ USD và chiếm 1% GDP nước này.

Sẵn sàng vung tiền

Nổi bật nhất có lẽ là thỏa thuận 52 triệu USD của Vương Kiện Lâm mua lại 20% cổ phần CLB bóng đá TBN Atletico Madrid và thương vụ 400 triệu USD của China Media Capital (CMC) mua lại 13% cổ phần City Football Group (CFG), doanh nghiệp sở hữu Manchester City và New York City FC. Li Ruigang (Lê Thụy Cương) của CMC cũng sẽ gia nhập hội đồng quản trị CFG.

Hơn thế, các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng trả những khoản phí chuyển nhượng phá kỷ lục để lôi kéo các cầu thủ giỏi nhất cho đội bóng của họ. Hôm thứ Tư, CLB do Alibaba bảo trợ Guangzhou Evergrande Taobao đã ký hợp đồng với tiền đạo đang khoác áo Atletico Madrid Jackson Martinez với giá 42 triệu euro (46 triệu USD).

Tân binh Jackson Martinez của Guangzhou Evergrande

Những khoản đầu tư lớn này cũng giúp mang các chuyên gia bóng đá về cho Trung Quốc và tạo điều kiện cho các tài năng trẻ Trung Quốc ra tập huấn ở nước ngoài. Hiện giờ, giá tài sản ở châu Âu đang hấp dẫn do cuộc khủng hoảng kinh tế hoành hành.

Sự háo hức của các nhà đầu tư đã nhanh chóng đẩy giá tài sản lên mức cao kỷ lục. Hồi tháng 10 CMC đã trả khoản tiền khó tin 1,3 tỉ USD để mua quyền bản quyền trong 5 năm tới cho giải vô địch Trung Quốc Chinese Super League, vượt xa những đối thủ cạnh tranh, bao gồm đài truyền hình nhà nước CCTV. Cái giá đó là khó tin bởi lẽ tiền bản quyền truyền hình cho giải này năm 2015 chỉ vỏn vẹn là 50 triệu nhân dân tệ (7,6 triệu USD).

Chưa thấy lợi nhuận đâu

Lợi nhuận sẽ là chưa rõ ràng trong tương lai gần, dù là doanh thu từ quảng cáo, truyền hình hay các hoạt động thương mại khác. Là một quốc gia và nền kinh tế khổng lồ, nhưng thị trường thể thao chuyên nghiệp Trung Quốc còn khá nhỏ bé. Hãng tư vấn PwC ước tính năm 2011 rằng tổng doanh thu từ bán vé, thương mại và quảng cáo thể thao ở Trung Quốc chỉ là 3,4 tỉ USD, so với 63,6 tỉ USD ở Mỹ.

Guangzhou Evergrande Taobao là một ví dụ. Alibaba đã đầu tư vào đó 192 triệu USD trong năm 2014 để mua 50% cổ phần, và đội bóng này thua lỗ 517 triệu nhân dân tệ (78,5 triệu USD) trong nửa đầu năm 2015.

Tuy nhiên, lợi nhuận không phải là ưu tiên lúc này của những công ty như Alibaba hay Le Sports (thuộc tập đoàn LeEco). Những nhà đầu tư cũng đang khám phá những cách mới để kiếm tiền từ đầu tư thể thao, bao gồm du lịch thể thao và hoạt động cá cược trên mạng.


Chủ tịch Tập Cận Bình rất mê bóng đá

Chính quyền Trung Quốc cũng đang khuyến khích lĩnh vực tư nhân đầu tư vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe khi nhà chức trách đang muốn cải cách lĩnh vực thể thao để tăng cường sự tham gia của người dân. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một CĐV bóng đá cuồng nhiệt và ông đã bổ nhiệm Phó thủ tướng Liu Yandong (Lưu Diên Đông) đứng đầu tổ chuyên trách phát triển bóng đá.

Bộ giáo dục Trung Quốc thì đang đầu tư xây dựng 20.000 trường dạy bóng đá tới năm 2017 với mục tiêu tăng lên thành 50.000 vào năm 2025.

Trần Trọng
Theo Forbes

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›