"Đi ăn hàng, ai trả tiền?" là câu hỏi "hack não" của tất cả chúng ta.
"Team building" là chuỗi các hoạt động bao gồm nghỉ dưỡng, du lịch, trò chơi tập thể, gala dinner tổng kết,… của các công ty, doanh nghiệp. Thông thường mỗi năm, các doanh nghiệp/công ty sẽ tổ chức 1-2 lần "team building" để đổi mới không khí, tạo động lực làm việc cho mọi thành viên.
Một chương trình không thể thiếu của "team building" là tiệc tối. Đây là khoảng thời gian để mọi người gần gũi, gắn kết với nhau. Mọi người thường vừa ăn uống, vừa trò chuyện hoặc tổ chức những trò chơi nho nhỏ. Thông thường, bữa tiệc sẽ do công ty chi trả hoặc sếp hào phóng mời.
Thế nhưng mới đây, Xiao Wang (32 tuổi, Trung Quốc) đã rơi vào tình huống "dở khóc dở cười". Sau một năm làm việc, nhận thấy mọi người trong phòng Kinh doanh đạt doanh số cao nên sếp Xiao Wang quyết định tổ chức chuyến đi chơi xa.
Ngay trong buổi tối đầu tiên, sếp Xiao Wang đã mời tất cả mọi người đến một nhà hàng sang trọng dùng bữa. Ai cũng vui vẻ, hào hứng, cùng nâng ly chúc mừng, hy vọng năm mới doanh số sẽ tăng vượt bậc.
Cuối buổi tiệc, rất nhiều người uống say, bao gồm cả vị sếp. Nhiều người đứng lên bỏ về trong trạng thái nửa tỉnh nửa say. Đến khi nhân viên phục vụ nhà hàng mang hoá đơn ra chờ thanh toán, các đồng nghiệp bắt đầu giả ngơ, người đi vệ sinh, người đứng lên bỏ về.
Dĩ nhiên lúc đó Xiao Wang cũng có mặt. Trong tình huống tiến thoái lưỡng nan, anh đành rút "hầu bao" thanh toán bữa ăn. Anh cũng nghĩ rằng chắc sếp cũng không nhớ chi phí bữa tiệc nữa.
Nhưng ngay sau chuyến đi, sếp gọi Xiao Wang vào phòng và đưa cho anh số tiền của bữa tối hôm trước. Đồng thời sếp còn thưởng thêm cho anh 3000 NDT (khoảng hơn 10 triệu đồng). Sếp đã dành lời khen cho sự khéo léo, tinh tế của anh. Xiao Wang rất vui mừng và hãnh diện trước những lời khen ấy. Chẳng những không mất tiền, anh còn nhận được khoản thưởng hậu hĩnh từ sếp.
Biết câu chuyện, nhiều người nhận xét Xiao Wang rất may mắn khi có một người sếp tốt. Đây là một vị sếp hào phóng, quan tâm và biết nghĩ cho nhân viên của mình.
Đi ăn với đồng nghiệp và sếp, ai sẽ là người trả tiền?
Từ câu chuyện Xiao Wang, nhiều người đặt ra câu hỏi: Vậy khi đi ăn cùng đồng nghiệp, cùng sếp thì ai sẽ là người trả tiền?
Tất nhiên chẳng có công thức chung có thể áp dụng cho mọi tình huống. Trước vấn đề này, bạn cần là người khéo léo ứng xử để đảm bảo sự hài hoà nhưng cũng không khiến mình phải chịu thiệt thòi. Đây là vấn đề rất tế nhị!
Nhiều công ty sẵn sàng "móc hầu bao" để trả cho phần của bạn hoặc chí là ít là hoàn tiền nếu bạn phải chi trả tiền ăn cho mọi người trong bữa tiệc. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có những bữa ăn mang tính chất công việc thường không có ranh giới rõ ràng.
Khi đi ăn với đồng nghiệp, thông thường sẽ là "tiền ai nấy trả". Còn nếu bạn đi ăn với sếp, cho dù chỉ là bữa ăn trưa và chẳng liên quan gì đến việc công, khả năng cao, sếp sẽ trả tiền. Tuy nhiên, không phải lúc nào sếp cũng là người trả. Cho nên bạn đừng "hy vọng" quá mà hãy yêu cầu chia hoá đơn sau bữa ăn.
Giành trả hoá đơn như nào là hợp lý?
Nếu cả hai bên hay nhiều bên giành trả tiền thì người phục vụ sẽ rất khó xử. Họ chỉ biết đứng nhìn rồi loay hoay không biết nên nhận tiền mặt hay thẻ tín dụng từ ai. Thế nên, nếu có ai đó dành trả hết phần của bạn nhưng bạn không muốn thì có thể từ chối dứt khoát.
Còn nếu họ vẫn muốn được thanh toán hoá đơn cho bạn thì hãy nở nụ cười lịch sự, nhẹ nhàng hỏi lại: "Bạn chắc chứ?". Đừng biến đây thành một cuộc chiến. Sau đó, bạn hãy thuận theo ý họ và đừng quên cảm ơn vì họ đã mời mình.
Tags