(Thethaovanhoa.vn) - Sinh thời, họa sĩ Tuman Zhumabaev từng "tổng kết" với người bạn thân thiết của mình ở Việt Nam – bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, chủ nhân của Lilac Gallery - rằng, trong vòng 18 năm, ông đã 24 lần sang Việt Nam. Không đất nước nào ông đi nhiều đến thế.
Hầu như năm nào Tuman cũng sang Việt Nam, ít nhất 1 lần, có năm sang 2-3 lần, thường là vào mùa Hè và mùa Xuân. Tâm sự với bạn của mình, Tuma bày tỏ: “Hễ không sang Việt Nam là thấy buồn nhớ, rất lạ lùng như thế”.
Rong ruổi và vẽ
Nhớ lại quãng thời gian Tuman ở Việt Nam, bà Hoàng Lan cho biết, chính bà là người đưa Tuman rong ruổi khắp nơi để thăm thú cảnh vật, con người trên đất nước.
“Tôi dẫn Tuman đi suốt, nhưng cũng có những chuyến ông đi một mình như đi Mai Châu, đi Hạ Long... Lên đường với 1 cái ba lô và 1 cái máy ảnh. Ông chụp mọi lúc, mọi nơi. Có khi đang đi xe máy trên đường, thấy một cô bé tóc bay bay là ngay lập tức ông dừng lại chụp" - bà kể.
Rồi bà Lan nói thêm: "Có thời điểm tôi đưa Tuman đi khắp miền Trung. Tuman rất thích Huế. Tôi nhớ ở Huế khoảng 3 hôm, sáng ngày ra đã không thấy ông đâu. Thì ra, từ 3h sáng, Tuman đã thuê xe ôm ra ngoại thành chờ sen nở. Ông ở đấy chờ sen nở để chụp ảnh. Và sau này, Tuman có hẳn một triển lãm tranh về hoa sen, làm nức lòng giới họa sĩ bên Nga, vì họ không bao giờ được biết hoa sen một cách tường tận như ông. Ông vẽ đủ loại sen: Sen hồng, sen trắng, sen tím...”.
Tuman là một người nhạy cảm trong quan sát, ông luôn chụp lại những khoảnh khắc, bắt được cái chớp nhoáng đắt giá của cảnh vật, con người để làm nguồn cảm hứng cho những bức họa của mình. Tuman thích bụi tre, con trâu, những ngôi nhà lá… Những thứ đặc sắc “rất Việt Nam” này đều dễ thấy trong những họa phẩm về Việt Nam của Tuman Zhumabaev.
Sự quan sát nhạy bén là điều kiện cần của bất cứ người họa sĩ nào. Nhưng cái riêng của Tuman chính là cảm giác về âm thanh. Tuman rất thích ngồi nghe tiếng còi xe máy, thích tiếng mọi người nói chuyện râm ran quanh mình. “Tiếng Việt nghe cứ như hát ấy” - Tuman từng lý giải như vậy. "Qua sự lắng nghe như thế, thậm chí, ông còn đoán được tính cách, cảm xúc của người nói” - bà Hoàng Lan kể. “Khi mới sang Việt Nam, Tuman bị thu hút bởi cảnh sắc, nhưng sau lại là con người. Ông có những nhận xét tinh tế, khiến tôi phải giật nảy mình. Có lần, ông bảo: Lan này, tôi thấy phụ nữ Việt Nam khổ lắm. Tôi đi trên đường, ở nông thôn toàn thấy phụ nữ ra ngoài đồng ruộng làm thôi, đàn ông đâu? Ở thành phố cũng thế...”.
Tuman cũng đi Pháp, Nhật, Trung Quốc… nhưng chưa ở đâu mà ông có cảm xúc nhiều như ở Việt Nam. Tuman nghĩ đây như Tổ quốc thứ hai của mình, sinh thời ông từng nói: “Đến Việt Nam, tôi như được trở về nhà”. Còn nói như họa sĩ Ngô Xuân Khôi thì Tuman yêu Việt Nam “như bị bỏ bùa”.
Vẽ Việt Nam qua nhạc Trịnh
Tuman Zhumabaev rất thích nhạc Trịnh Công Sơn. “Khi về Nga, Tuman xin tôi 2 đĩa nhạc là: Nhạc không lời của Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung hát Trịnh Công Sơn" - bà Hoàng Lan kể tiếp. "Về Nga, ông thường mở to đĩa nhạc, ngồi một mình trong xưởng để vẽ về Việt Nam qua nhạc Trịnh”.
Mọi thứ ông tiếp xúc và quan sát ở Việt Nam đều được đưa vào trong tác phẩm của mình với đầy tính ẩn dụ. Ví như bức tranh chân dung vẽ cô con gái 10 tuổi của một người bạn Việt Nam. Cô bé mặc áo dài đỏ, đầu đội nón lá, có nét mắt buồn buồn, phía xa xa là hình ảnh con trâu và mái lá. Nói về bức tranh này, chủ của Lilac Gallery chia sẻ: “Khi về Nga rồi, có một hôm Tuman gọi điện cho tôi, ông nói: Xin lỗi Lan! Rất xin lỗi cô, tôi muốn vẽ con gái phải rất vui tươi như đúng tuổi của nó. Thế nhưng vì tôi thấy người phụ nữ Việt Nam rất vất vả, nên thành ra như thế”.
Tranh Tuman có độ sâu hun hút, tầng tầng, lớp lớp, chứ không chỉ nhìn thấy một bề mặt. Bởi vậy, khi xem tranh của Tuman, người ta buộc phải nhìn đi nhìn lại, nhìn mãi, để mỗi lần nhìn, lại thấy một cảm xúc khác.
Khi vẽ, Tuman rơi vào trạng thái “thiền”. “Được chứng kiến Tuman vẽ thì bất cứ ai cũng phải ngạc nhiên. Với một cục màu đen chẳng hạn, vào tay Tuman, ông hí hoáy một lúc là có thể thành một màu tím, ông dùng tay vỗ lên toan ngoặc ngoặc một lúc ra một bức tranh. Thực sự là thiên tài” - bà Hoàng Lan bày tỏ.
Như lời bà Lan, những năm cuối đời mình, khi có tuổi, Tuman luôn mong về Việt Nam để ở. Tuman nói với bạn bè rằng dần dần ông sẽ chuyển về Việt Nam. Cứ ngỡ là 1- 2 năm tới, Tuman sẽ sang Việt Nam ở, nhưng chưa kịp thực hiện ước nguyện thì đã vội vàng ra đi…
Tuman Zhumabaev vẽ nhiều tranh về Bác Hồ. 3 bức tranh ông vẽ Bác Hồ đã được Nhà nước Nga lựa chọn để tặng các đoàn cấp cao của Việt Nam sang thăm Liên bang Nga, trong đó có bức "Nguyễn Ái Quốc đến Saint Petersburg năm 1923" được chính quyền thành phố S.Petersburg trao tặng TP.HCM và hiện được trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM. Để vẽ về Bác Hồ, “ở đâu có di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh là Tuman đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu. Về nhà, Tuman còn dành thời gian xem phim tư liệu về Bác Hồ. Từ đó, Tuman bắt tay vào vẽ...” – bà Hoàng Lan kể. |
Công Bắc
Tags