(Thethaovanhoa.vn) - Chừng 3 thập niên qua đi, nhưng những người làm bóng đá Việt Nam chưa từng quên câu nói nổi tiếng của ông Sáu Thành, nguyên Giám đốc Sở TDTT Đồng Tháp (cũ), khi ông cho rằng: "Tiền đạo không bằng... tiền mặt". Đó là giai đoạn bóng đá Việt Nam còn bao cấp và kết quả trận đấu đôi khi được quyết trên bàn, chứ không phải trên sân.
Trong quá khứ, Đồng Tháp từng 2 lần giành chức vô địch quốc gia, vào các năm 1989 và 1996. Chức vô địch đầu tiên là khi giải đấu mới tách hạng (giống như V-League và hạng Nhất quốc gia bây giờ), còn lần lên ngôi thứ 2, sau trận đấu đầy tai tiếng với Công an TP.HCM trên sân Cao Lãnh. Lời ong tiếng ve, giới thạo tin cho rằng, không chỉ có cố trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng bị mua, mà ngay cả phân nửa đội hình đá chính của Công an TP.HCM cũng đã "nằm"!
Đó cũng là khoảng thời gian mà bóng đá xứ bưng biền sản sinh ra rất nhiều anh tài, cung ứng cho ĐTQG, ví như Huỳnh Quốc Cường, Trần Công Minh, Nguyễn Thanh Nhạc, Tấn Thành… Với đầy đủ tính kế thừa của một địa phương giàu truyền thống bóng đá, ở kỷ nguyên lên chuyên, Đồng Tháp cũng từng chơi rất thăng hoa và tiếp tục sản sinh ra "thế hệ 85" đầy tài năng như Việt Cường, Quý Sửu, Tấn Trường, Châu Phong Hòa, Phan Thanh Bình…
Vàng son một thuở, bây giờ bóng đá Đồng Tháp đang ở đâu? Không theo được cơ chế chuyên nghiệp, bóng đá xứ bưng biền xuôi về giải hạng Nhất từ nhiều năm qua và tất cả những gì người ta nhớ đến đội bóng này là những scandal tiêu cực, bán độ, dàn xếp tỷ số của một nhóm hơn chục cầu thủ trẻ, từ các trận đấu Vòng loại U21 quốc gia - Báo Thanh Niên, đến giải hạng Nhì quốc gia.
11 cầu thủ vửa nhận án của VFF, nhẹ là phạt tiền và cấm thi đấu vài tháng, người nặng chịu đến 5 năm treo giò. Tuy nhiên, đó vẫn chưa là mức án cuối cùng. Người ta còn đợi cơ quan điều tra vào cuộc, để có thể đưa ra ánh sáng cả một đường dây cá cược bất hợp pháp, mà các cầu thủ trẻ, bị xem là những nạn nhân nhiều hơn là thủ phạm.
"Bé không vin, cả gãy cành" - Bóng đá cũng chẳng là ngoại lệ. Chỉ có điều ở đây - Ai là người vin? Không chỉ đơn thuần là việc buông lỏng quản lý của BHL, khi ngay cả HLV đội trẻ Đồng Tháp cũng không phải vô can, quãng thời gian anh cùng một số cầu thủ U19 Đồng Tháp được cho một đội hạng Nhì của TP.HCM mượn mùa giải năm ngoái.
Như Thể thao & Văn hóa từng đề cập, ánh đèn đô thị đã khiến cho người trẻ hoa mắt. Họ muốn "chơi", muốn được "lên mây" và quen với lối sống ảo giác ấy lúc nào không hay, dẫn đến các hành vi làm độ hoặc bị dụ dỗ làm độ, trong cả một đường dây thao túng. Những người này cần phải bị loại vĩnh viễn khỏi đời sống bóng đá, không thể dung túng.
Bóng đá Việt Nam mới hừng trở lại từ đôi ba năm qua, đặc biệt là với bóng đá trẻ gặt hái rất nhiều thành tích. Đó là những tín hiệu tích cực, là gói kích cầu hoàn hảo để thu hút nguồn lực đầu tư, hướng đến một nền bóng đá tự cường, với chân đế là hệ thống đào tạo trẻ. Cầu thủ trẻ là hiện tại và tương lai của nền bóng đá. Trong số 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp, một vài cái tên được cho là rất sáng nước và từng khoác áo các đội tuyển trẻ quốc gia.
Nhưng thật bẽ bàng. Giờ thì hết thật rồi. Cánh cửa như đóng sập trước mặt họ, bất kể án kỷ luật chỉ là vài tháng, thì vết nhơ sẽ vẫn còn mãi, sẽ theo đuổi họ suốt cả cuộc đời. Nghề nào cũng có tổ nghiệp, phản lại tổ nghiệp thì coi như xác định là triệt luôn đường mưu sinh. Buồn cho bóng đá Đồng Tháp một, thì buồn cho cả nền bóng đá mười, với sự dung túng, giơ cao đánh khẽ.
Mà đời sống bóng đá Việt Nam, đâu phải thiếu những tấm gương vướng vào lao lý! Bệnh nào cũng có thể chữa được, trừ khi… lờn thuốc!
Tùy Phong
Tags