Tiền tác quyền nhạc số: Ca sĩ phải mạnh tay “đòi” quyền lợi!

Thứ Ba, 25/09/2012 08:23 GMT+7

Google News

Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực nhạc số vẫn đang là vấn đề “nóng”, khi quyền lợi ca sĩ liên tục bị phớt lờ, nhà sản xuất băng đĩa kêu than vì ế... đang đẩy nền công nghiệp ghi âm trong tình trạng “báo động”. Ngày càng nhiều các ca sĩ đứng ra đòi tác quyền từ các trang mạng trực tuyến là tín hiệu vui dẫu biết đó là một quãng đường còn dài...

Giọt nước đã tràn ly

Trường hợp ca sĩ Lệ Quyên lên tiếng tố cáo 9 trang mạng như Mp3. Zing.vn; nhaccuatui.com, music. go.vn, musicmusic.vn... vi phạm trắng trợn bản quyền toàn bộ hai album Khúc tình xưa 2 (tháng 12.2011) và Tình khúc yêu thương (tháng 5.2012) gồm 23 ca khúc như một giọt nước làm tràn ly. Ngay sau khi hai album phát hành, lập tức các trang mạng chia sẻ nhạc trực tuyến, trang mạng dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ đã đăng tải 23 ca khúc này mà không được sự đồng ý của ca sĩ Lệ Quyên.

Trước đây, rất nhiều ca sĩ như Mỹ Tâm, Mỹ Linh, Thái Thùy Linh, Lê Cát Trọng Lý... và hàng loạt các ca sĩ chưa lên tiếng đều gặp phải vấn đề này khi vừa phát hành album qua sản phẩm băng đĩa. Tình trạng vi phạm bản quyền nhạc số đã trở thành chuyện cơm bữa đáng báo động.


Điều đáng nói những vi phạm này dù đã bị chủ nhân “bắt tận tay, day tận mặt” nhưng để đòi lại quyền lợi cho mình không phải là chuyện dễ dàng nếu các ca sĩ tay không “bắt giặc”. Tháng 8.2009, ca sĩ Mỹ Tâm đã tiên phong đi “đòi” tiền tác quyền từ các công ty dịch vụ viễn thông, mạng di động MobiFone, Viettel, VinaPhone...

Việc ca sĩ này “đòi” được 1 tỷ đồng từ các dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ đã trở thành “động lực” cho các ca sĩ khác tiếp tục con đường đòi tác quyền cho mình. Nếu như ca sĩ Mỹ Tâm “tay không bắt giặc” thì Thái Thùy Linh nhờ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam can thiệp sau khi album Bộ đội của cô cũng bị “xơi tái”, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Nửa năm sau khi phát hành, album Bộ đội của Thái Thùy Linh chỉ bán được vài trăm bản, trong khi đó lượng nghe/tải lên đến gần 700.000 lượt. Đây là sự thiệt thòi quá lớn đối với sự lao động miệt mài của nghệ sĩ khi họ dốc sức làm nên sản phẩm của mình.

Đến tháng 12.2011, website music.go.vn đã bồi thường cho Thái Thùy Linh gần 5 triệu đồng cho 8.500 lượt tải album Bộ đội và quyết tâm theo đuổi vụ kiện với mức đòi bồi thường lên tới 400 triệu đồng. Album Tóc ngắn Acoustic- Một ngày (tháng 7.2011) của ca sĩ Mỹ Linh cũng từng bị đánh cắp ngay sau một ngày họp báo ra mắt...

Còn rất nhiều các trường hợp các ca sĩ khác rơi vào tình trạng như thế sau khi sản phẩm đĩa nhạc của mình mới hoàn thành thậm chí chưa ra thị trường đã bị đánh cắp. Tuy nhiên, với tâm lý ngại kiện tụng, các ca sĩ đành “ngậm bồ hòn” ít ai muốn đi kiện như Mỹ Tâm, Thái Thùy Linh, Lệ Quyên...

Đây chính là nguyên nhân khiến các “ông mạng” nhạc số làm tới. Sản phẩm của ca sĩ làm ra dù kĩ đến mấy thì các trang mạng này cũng chỉ cần một động tác nhẹ, ngay ngày hôm sau đã tràn lan trên mạng. Và dù biết đích xác, chỉ tận mặt, nhưng hầu hết các trang mạng vẫn “ngoan cố” nếu không kiện nhau ra tòa.

Một ca sĩ bức xúc: “Hiện nay tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam ngày càng nhiều. Album mới phát hành chưa bao lâu thì trên mạng đã tràn lan cho nghe và tải miễn phí thì sản phẩm băng đĩa của chúng tôi làm sao bán được. Vừa phải cạnh tranh với băng đĩa lậu, giờ đây nghệ sĩ còn phải cảnh giác với những trò đánh cắp của nhạc số thì thật bất công”.

Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio cho biết: “Vấn đề đánh cắp bản quyền của các trang mạng hiện nay khiến tình hình sản xuất băng đĩa chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Gần đây, album Tình đẹp như mơ, gồm 10 ca khúc của Lam Phương, do 2 ca sĩ Cẩm Ly- Quốc Đại trình bày đã bị nhiều trang mạng âm nhạc sử dụng nhưng không xin phép.

Bộ album gồm 7 đĩa -Tuyển tập những ca khúc trữ tình Cẩm Ly - Quốc vừa ra mắt cũng bị “xơi tái”. Với tình trạng xâm phạm bản quyền trắng trợn như thế, các hãng băng đĩa khó lòng trụ nổi nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng đánh cắp ngang nhiên này”.

“Cuộc chiến” giữa ca sĩ Lệ Quyên nói riêng và các ca sĩ nói chung với các trang nhạc trực tuyến có lẽ cũng phải có quá trình dài. Theo người quản lý của ca sĩ Lệ Quyên cho biết ngày 27.8, Công ty luật TNHH Việt Long Thăng đã gửi văn bản yêu cầu 9 trang mạng dừng việc sử dụng các ca khúc trong 2 CD, thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thù lao (tổng cộng gần 8 tỉ đồng) cho chủ thể quyền liên quan người biểu diễn, chậm nhất đến 15.9. Hiện mới chỉ có 5 trang mạng đề nghị gặp mặt để đàm phán, 4 trang còn lại sẽ tiếp tục bị kiện ra tòa nếu không có phản hồi.

Hợp sức để tự cứu mình

Từ lâu nay, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Việt Nam mới chỉ đại diện bảo vệ quyền cho các nhạc sĩ, riêng quyền của người biểu diễn vẫn đang bỏ ngỏ. Hầu hết các ca sĩ muốn “đòi” quyền lợi vẫn phải tự mình là chính.

Trường hợp của ca sĩ Mỹ Tâm là người đầu tiên đòi được quyền của người biểu diễn từ các công ty kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ, được xem là một động thái tích cực, tín hiệu vui cho giới ca sĩ chân chính đang và sẽ phát hành album. Và ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam cũng sẽ không phải chịu cảnh thụt giảm 80% doanh thu.

Trong khi đó, nguồn lợi từ việc kinh doanh nhạc số lại rất lớn. Số người nghe nhạc trên website ở Việt Nam lên tới 25 triệu lượt người nghe... Con số các trang mạng chịu chi tác quyền còn quá khiêm tốn 5/150 trang web vi phạm bản quyền.

Nhiều ý kiến cho rằng, các ca sĩ phải “đồng tâm hợp lực” trong việc đòi quyền lợi cho mình thì mới mong việc “xài chùa” giảm bớt. Và tất nhiên một Trung tâm tác quyền bảo vệ quyền lợi cho ca sĩ trong lúc nhạc số đang tung hoành như hiện nay là điều rất cần thiết.

Theo Báo Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›