(Thethaovanhoa.vn) - Đối với giới ca sĩ, nhạc sĩ và nhà tổ chức showbiz, sau những ngày Tết Nguyên đán tất bật luôn là những ngày tương đối thảnh thơi, giống như quãng thời gian nghỉ ngơi để nạp “năng lượng” chuẩn bị cho hành trình hoạt động của năm mới. Đó cũng là thời gian nhiều nghệ sĩ nao nức chờ đón giải Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Nếu liveshow, album, MV được xem là minh chứng cho những hoạt động phấn đấu nghệ thuật của ca sĩ, nhạc sĩ ngoài những show diễn kiếm tiền có khi trở thành đơn điệu, thì năm 2018 vừa qua là một năm sôi nổi của thị trường âm nhạc ở cả 3 lĩnh vực nói trên.
Tưng bừng liveshow
Ở lĩnh vực liveshow (chưa tính những liveshow tổ chức kinh doanh), nhiều gương mặt được xem là hàng đầu ở những dòng nhạc đã tổ chức liveshow cho mình. Nhạc pop/rock có Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương; nhạc đỏ/thính phòng có Lan Anh, bộ ba Đăng Dương - Việt Hoàn - Trọng Tấn; dòng nhạc dân gian có Phạm Phương Thảo…
Điểm đặc biệt là năm nay có khá nhiều liveshow kỷ niệm chặng đường ca hát của ca sĩ. “Trẻ” nhất là kỷ niệm 5 năm ca hát - Vũ Cát Tường với liveshow Stardom tổ chức ở sân khấu Lan Anh (TP.HCM), liveshow này đồng thời cũng trình diễn những ca khúc trong album cùng tên mới phát hành, album được xem là có phong cách âm nhạc khác hẳn với những gì mà mọi người đã biết về Vũ Cát Tường trước đây.
Kỷ niệm 10 năm ca hát có Vũ Thắng Lợi và Đông Nhi. Vũ Thắng Lợi được xem là giọng ca nhạc đỏ với sự thể hiện mới mẻ - uyển chuyển, mượt mà - phù hợp với tâm thế giới trẻ ngày nay. Liveshow Khát vọng của anh được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
Còn Đông Nhi với liveshow Ten On Ten tổ chức tại sân vận động Quân Khu 7 (TP.HCM) được xem là một liveshow giải trí hiện đại, đẳng cấp với khoảng 30 ngàn khán giả tham dự.
Những gương mặt được xem là gạo cội kỷ niệm chặng đường 20 năm ca hát của mình thì có Thanh Lam (Bình minh), Mỹ Linh (Thời gian), Phạm Phương Thảo (Mơ duyên), Lan Anh (Ánh trăng tình yêu) và tam ca nhạc đỏ Đăng Dương - Việt Hoàn - Trọng Tấn (Đường chúng ta đi). Những liveshow này đều diễn ra tại Hà Nội, riêng Mỹ Linh thì tổ chức xuyên Việt (Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM).
Các liveshow này được xem là những gì tinh túy nhất của chủ nhân trong hành trình âm nhạc chinh phục khán giả và những đỉnh cao nghệ thuật trong 20 năm qua. Riêng Thanh Lam, đặc biệt hơn cô phải tiết chế cảm xúc vì… quá nhiều năng lượng dù đã ở tuổi 48.
Đáng chú ý, trong loạt liveshow kỷ niệm có liveshow Hãy đến với anh, kỷ niệm 50 năm ca hát của NSND Quang Thọ tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), liveshow được xem như nhật ký âm nhạc của thời kháng chiến chống Mỹ cách đây nửa thế kỷ.
Ngoài ra còn 2 liveshow đáng chú ý khác là Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng (của Tùng Dương) và Ronmance - Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái của Hà Anh Tuấn. Hai liveshow này đều diễn ra tại Hà Nội và nhận được nhiều lời ngợi khen của công luận.
Hà Anh Tuấn cũng được xem là người “đóng” lại liveshow 2018 nhộn nhịp, đa sắc với show diễn See Sing Share của dự án cùng tên, diễn ra tại TP Đà Lạt hôm 23/12 - liveshow mà đông đảo khán giả hào hứng đội mưa xem anh hát.
Muôn màu album
Album và MV có lẽ là 2 lĩnh vực có những “tương phản” rõ nét: một số lớn ca sĩ phát hành album thì thường không làm MV và ngược lại. Album thường được xem là dự án khẳng định “đẳng cấp” của ca sĩ, đa phần nó gây chú ý cho một lượng khán giả nhất định, còn MV được xem như sự “nóng - lạnh” của thị trường âm nhạc thu hút đông đảo công chúng, có MV đạt đến trăm triệu lượt xem trên YouTube.
Và quan trọng hơn, đã có thời điểm sự cường thịnh của MV được xem là sự “suy tàn” của album. Nhưng năm 2018 album tình hình đã đổi khác. Dù mất rất nhiều thời gian, công sức, nhất là không thể thu hồi vốn khá lớn đã bỏ ra, nhưng năm 2018 đã có rất nhiều album trình làng, đây là điều đáng mừng, vì bên cạnh một số người xem ca hát như một “nghề” thì vẫn còn nhiều người xem nó là “nghiệp” miệt mài phấn đấu để đem đến những mới lạ nghệ thuật cho công chúng.
Những nghệ sĩ trẻ, tưởng chừng không đủ tiềm lực về nghệ thuật cũng như kinh tế để thực hiện album, thì năm qua có vẫn có những album đầu tay đáng nâng niu, trân trọng. Tiêu biểu có thể kể đến 2 album của Lê Khoa và Bùi Lan Hương.
Lê Khoa, một gương mặt trẻ và hoàn toàn xa lạ với showbiz “nhảy” từ Mỹ về TP.HCM họp báo phát hành album. Điều đáng quý của Lê Khoa là anh xác định “nghệ thuật vị nghệ thuật”, muốn thực hiện album với những khám phá sáng tạo mang cá tính. Qua album Lê Khoa hát Lê Minh Sơn đã cho thấy Lê Khoa có giọng cao “ngoại hạng” và một chút chất “quái”. Tuy nhiên, anh cần nhiều trải nghiệm và cần rèn giũa kỹ thuật để có thể đạt những thành tựu cao hơn.
Bùi Lan Hương với album Thiên thần sa ngã cho thấy bóng dáng của một singer-songwiter có cá tính qua những ca khúc dream pop khá mới lạ ở thị trường âm nhạc. Lan Hương được xem là gương mặt mới được nhiều biết đến qua cuộc thi Sing My Song 2018.
Khác với Bùi Lan Hương và Lê Sơn, Bích Phương cũng có album đầu tay, nhưng trước đó cô đã là người nổi tiếng và có nhiều bài “hit”. Album Dramatic được xem là phản ánh cá tính âm nhạc đích thực của Bích Phương, thoát khỏi hình ảnh “công chúa nhạc buồn” mà khán giả yêu mến và đặt cho cô thời gian qua.
Một số album đáng chú ý khác (không phải album đầu tay) đại đa số là của các ca sĩ ít nhiều đã thành công trên thị trường âm nhạc. Vì vậy chất lượng giọng hát của những album này có lẽ không phải bàn nhiều. Chúng ta có thể đề cập đến điểm đặc biệt trong những album này như sau.
Ngay những ngày đầu năm (18/1), Mỹ Linh phát hành album Chat với Mozart II, đây được xem như việc phát huy thành công từ 12 năm trước của Mỹ Linh (với album cùng tên), trong album này giai điệu các bài hát vẫn là những giai điệu “cổ điển” nổi tiếng, nhưng ca từ gần gũi với đời sống hơn; hòa âm phối khí mạch lạc, âm thanh dàn nhạc khá sống đọng.
Cũng trong xu hướng khám phá những điều mới lạ, album Saigon Feel - Hồ Trung Dũng Meets Võ Thiện Thanh, cặp đôi ca sĩ - nhạc sĩ này muốn tạo ra một loại “jazz Sài Gòn” - jazz pha trộn với pop, R&B… gần gũi với người nghe nhưng không mất đi chất ngẫu hứng của jazz.
Một khám phá khác là của singer-songwriter Vũ Cát Tường, cô khám phá với chính mình, album Stardom không còn bóng dáng của những bài ballad như Vết mưa, Yêu xa… mà thay vào đó là những bài hát đại đa số với tiết tấu sôi động, đặc biệt là rap xuất hiện trong khá nhiều bài hát.
Năm 2018, nhạc sĩ Quốc Bảo “tái xuất” với album Ánh sánh địa đàng (Địa đàng 3) với ca sĩ Nguyên Hà. Album này được thu âm với công nghệ Hi-res (viết tắt của cụm từ high-resolution audio, có nghĩa là âm thanh có độ phân giải cao) lần đầu tiên ở Việt Nam, giúp cho âm thanh sống động, và âm sắc của những nhạc cụ acoustic “trong lành” hơn.
Album Chill With Me của Tiên Tiên với những bản nhạc cá tính của một singer-songwiter, nhưng về hình thức, nó không phải là chiếc đĩa CD truyền thống mà mang hình dáng cuộn băng cassette có gắn USB có thể nghe file MP3 hoặc file wave.
Đặc biệt album năm nay kéo dài tận những ngày cuối tháng 12, Đông Nhi với album Ten On Ten (9/12) và Đức Tuấn với Hà Nội khi Thu chớm Đông sang (28/12). Có lẽ đây là 2 album có giá cao nhất trong thị trường hiện nay. Cả 2 album này thiết kế cầu kỳ, hộp album “ngoại cỡ” có kèm theo sách ảnh, album của Đông Nhi có giá 2 triệu đồng, còn album của Đức Tuấn có giá 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, có lẽ chất lượng âm nhạc nằm trong chiếc hộp đó mới quan trọng. Qua album này Đông Nhi trình làng đa số là những bài hát theo phong cách EDM chứ không phải những bản ballad như trước đây, còn Đức Tuấn thì khám phá nhạc Phú Quang với dàn nhạc giao hưởng do nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy.
Ngoài ra còn có thể kể những album như: Chẳng thể chia ra làm đôi của Lê Cát Trọng Lý, Sóng hấp dẫn của Hoàng Quyên, Nam nhi của Ngô Hồng Quang, Tính từ của Linh Lan và rất nhiều album khác nữa.
Có thể nói, album năm 2018 “dập dìu” từ đầu đến cuối năm, nhiều phong cách, nhiều màu sắc và không ít những mới mẻ mang lại cho công chúng.
Những kỷ lục giúp showbiz sôi động
Xét về yếu tố tác động đến công chúng, cũng đã có vài album tạo nên cơn sốt trên mạng. Album Dramatic của Bích Phương sau 1 ngày mở bán trên iTunes tại Việt Nam đã nhảy vào vị trí số 1 của những album bán chạy nhất. Stardom của Vũ cát Tường cũng chiếm vị trí số 1 những album bán chạy nhất trên iTunes tại Việt Nam sau 2 ngày mở bán… Tuy nhiên “thành tích” khuấy động không khí thị trường âm nhạc thì không thể sánh với các MV.
Có thể kể 3 trường hợp: đầu năm, giữa năm và gần cuối năm, chỉ 3 thời điểm này cũng đủ làm cho showbiz khỏi rơi vào buồn tẻ.
Ngày 6/1 là thời điểm bắt đầu cơn “sốt” Người lạ ơi (Karik và Organe thể hiện) và nó kéo dài vài tháng sau đó. Dù chỉ đạt 1 triệu lượt xem sau chưa đầy 1 ngày, và đạt 20 triệu sau 5 ngày. Nhưng về đường dài thì nó là MV cán mốc 150 triệu lượt xem nhanh nhất V-pop, sau gần 5 tháng. (Tất cả những số liệu về số lượng lượt xem MV là lấy từ kênh YouTube Official của ca sĩ, chỉ lấy tròn số triệu và đối với những MV phát hành năm 2018).
Gần cuối năm (12/10), sau 1 ngày đạt được gần 3 triệu lượt xem, dù là quá khiêm tốn so với nhiều MV trước đó, nhưng sau 10 ngày nó nhảy vào vị trị số 1 BXH những ca khúc bán chạy nhất trên iTunes tại Việt Nam, hiệu ứng MV Thằng điên lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và “giữ nhiệt” cho showbiz đến tận những ngày cuối năm.
Tuy nhiên, cơn “sốt” đáng nói nhất của MV là diễn ra vào giữa năm, với nhiều bàn tán sôi nổi trên các báo/trang điện tử và mạng xã hội khi Sơn Tùng M-TP và Bích Phương cùng tung ra MV của họ vào ngày 11/5.
Sau 1 ngày Bùa yêu của Bích Phương đạt 6,2 triệu lượt xem thì Chạy ngay đi của Sơn Tùng M-TP đạt 22 triệu. Cũng sau 1 ngày, ở BXH MV được xem nhiều nhất trên YouTube toàn thế giới, Chạy ngay đi chễm chệ ở ví trí số 1 thì Bùa yêu mới leo được đến vị trí 13… Cứ thế, sự so sánh tiếp diễn không ngừng, đã thu hút sự theo dõi của đông đảo công chúng.
Trong những thành tích này, có cả “niềm tự hào dân tộc”, khi Chạy ngay đi phá kỷ lục của nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng thế giới BTS - (MV DNA của BTS lập kỷ lục K-pop với 20,9 triệu lượt xem trong ngày đầu tiên phát hành, còn Chạy ngay đi là 22 triệu). Chạy ngay đi còn lọt vào Top 15 MV được xem nhiều nhất mọi thời đại.
Nhưng Chạy ngay đi chỉ sốt trong giai đoạn đầu. Tính đến cuối năm (29/12) lượt xem của nó chựng lại, nếu không tính đến thời điểm phát hành thì Chạy ngay đi đứng sau khá nhiều MV trăm triệu views khác của một số MV phát hành năm 2018.
Tuy nhiên, điều đáng nói là những MV “gây sốt” hoặc đạt trên 100 triệu view chủ yếu là do bắt kịp xu hưởng của đông đảo giới trẻ, trong số đó, chưa hẳn MV nào cũng có giá trị nghệ thuật đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc đại chúng nước nhà.
“Vụ mùa” bội thu 2018 Nhìn chung thị trường âm nhạc trong năm qua đã có rất nhiều liveshow của ca sĩ, trong đó có những ca sĩ “sừng sỏ” thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Nhiều album đa dạng lần lượt trình làng và nhất là vô số MV - lĩnh vực tạo nên nhiều cơn “sốt” góp phần vào sự sôi động của thị trường âm nhạc. Có thể nói năm 2018 là một vụ mùa bội thu của âm nhạc đại chúng và chúng ta hy vọng sẽ có nhiều quả ngọt từ vụ mùa này. |
Quán quân của MV “trăm triệu view” So với thời điểm khi một số ca sĩ đầu tiên có kênh YouTube, con số 10 triệu lượt xem đối với một MV trên YouTube được xem là điều kinh khủng, thì hiện nay, nó kém xa những MV “hot”. Với MV phát hành năm 2018, Người lạ ơi của ca sĩ Organe và rapper Karik được xem là quán quân về số lượng lượt xem: 169 triệu. Các MV tiếp theo có thể kể là: Mình cưới nhau đi (Pjnboys - Huỳnh James, 155 triệu), Ngắm hoa lệ rơi (Châu Khải Phong, 155 triệu), Chạm đáy nỗi đau (Erik, 128 triệu), Tâm sự tuổi 30 (Trịnh Thăng Bình, 107 triệu), Chạy ngay đi (Sơn Tùng M-TP, 103 triệu), Bùa yêu (Bích Phương, 94 triệu)… (Số liệu tính đến ngày 29/12 và không lấy số lẻ của hàng triệu). |
Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi
Tags