Tiến trình ma hóa

Chủ nhật, 21/09/2014 13:41 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Nếu bắt đầu cái nhìn từ năm 2000 trở lại đây thì có thể nói gần 100% sân khấu kịch tại TP.HCM dựng kịch ma/kinh dị. Trong số này, 70% số sân khấu xã hội hóa dựng nhiều vở kịch ma/kinh dị, và ngày càng thường xuyên hơn; vài sân khấu có thiên hướng “chuyên trị” kịch ma/kinh dị như Kịch Hồng Vân, Kịch Sài Gòn, Kịch Tâm Ngọc, Kịch Thế giới trẻ...

Chưa có con số chính xác, nhưng ước tính thì kịch ma/kinh dị đã nhiều hơn 40 vở, tạo thành hẳn một xu thế trên sân khấu thành phố. Xu thế này sẽ dẫn đến điều gì?

Trước khi kịch ma xuất hiện, điện ảnh miền Nam đã có vài bộ phim “nhát ma” đáng kể như Lệ đá (đạo diễn (ĐD): Võ Doãn Châu, 1971), Con ma nhà họ Hứa (ĐD: Lê Hoàng Hoa, 1973), Ngôi nhà oan khốc (ĐD: Lê Mộng Hoàng, 1992)… Tháng 8/2001 Kịch IDECAF gần như nổ phát pháo đầu tiên khi cho ra mắt vở kịch Bóng ma (ĐD: Thanh Trí).

Đạo diễn Ái Như từng dựng Ngôi nhà của những linh hồn (kịch bản (KB): Ngọc Linh, năm 2005), sau này Kịch Hoàng Thái Thanh tái dựng và đổi tên thành Ngôi nhà thiếu đàn bà - đây là KB đậm chất tâm linh. Năm 2006 tại Kịch IDECAF, Vũ Minh dựng Hạnh phúc trên đồi hoa máu, tạo thành một cú hích về kịch ma/kinh dị, với khung cảnh nghĩa trang và bóng dáng của ma quỷ, thu hút rất nhiều người xem. Những vở trên đây đề cập đến ma quỷ như là yếu tố bắt buộc, khi KB cần đến các nhân vật này để tăng sức mạnh cho đường dây câu chuyện.

Từ ma/kinh dị như là cái cớ

Tối 18/10/2006, Kịch Hồng Vân công diễn vở Người vợ ma (KB: Xuyên Lâm, ĐD: Thái Hòa), với cảnh báo trên poster: “Không giải quyết trẻ em và người bệnh tim”, đã tạo nên cơn sốt vé; đến nay là một trong vài vở có nhiều suất diễn nhất trong lịch sử sân khấu Việt Nam, hơn 2.000 suất. Bằng cách chơi âm thanh, ánh sáng hiệu quả, vở này thực sự đã xem yếu tố ma/kinh dị như là cái cớ để làm khán giả ú tim. Cũng đi theo hướng này, Kịch Hồng Vân đã dựng thêm Quả tim máu, Sám hối, Người vợ ma 2, Căn hộ 404, Ma sói, Thứ Sáu ngày 13, Ngôi nhà hoang, Giếng lạ, Oan gia…


Vở có yếu ma/kinh dị Hạnh phúc trên đồi hoa máu (KB: Mỹ Dung, ĐD: Vũ Minh) vốn hút khách của Kịch IDECAF, công diễn từ năm 2006, nhưng đến nay sân khấu này gần như không tái diễn

Từ đây, các sân khấu khác bắt đầu “ma hóa”. Chỉ kể vài vở nổi tiếng, thì Kịch Sài Gòn có Hồn ma báo oán, Quỷ, Biệt thự ma, Hồn trinh nữ, Áo cho người chết...; Kịch Thế giới trẻ có Lầu hoang, Biệt thự bí ẩn, Ðiện thoại nửa đêm, Họa hồn, Am khuya...; Kịch Tâm Ngọc có Nghiệp báo, Hồn về từ đáy mộ, Ma động, Sông oan hồn… chưa kể các vở ma/kinh dị của một vài sân khấu khác, đạo diễn khác.

Đạo diễn Ngọc Hùng (Chủ nhiệm Kịch Thế giới trẻ) từng khẳng định: “Một vở kịch kinh dị thành công và trụ được lâu dài trên sân khấu không phải nhờ các cách hù dọa, nhát ma khán giả, mà phải làm sao, sau những căng thẳng, kịch chuyển tải thông điệp mang tính nhân văn, cảnh tỉnh người xem trước các vấn nạn”.  

Chỉ khoảng 2 đến 5 năm sau ngày ra mắt kịch Người vợ ma, với cách tiếp cận kiểu “người giả ma”, kịch ma/kinh dị đã sang trang, bước qua “ma thật”, nghĩa là ma như là một nhân vật độc lập trong KB. Kịch Sài Gòn có Quỷ, Hồn trinh nữ, Áo cho người chết…, Kịch Hồng Vân có Đình cõi âm, Oan hồn truyện…, Kịch Tâm Ngọc có Tiếng khóc oan, Nghiệp báo…, Kịch Sao Minh Béo có Hồn ma phá án, Xác sống, Một xác hai mạng…

Cũng nên nhớ rằng về quan điểm, các hội đồng kiểm duyệt kịch tại Việt Nam không được phép công nhận sự tồn tại độc lập của ma, dù chỉ là trong hư cấu, sáng tạo. Ban đầu, khi những vở ma/kinh dị xuất hiện, sau những buổi phúc khảo là những góp ý, những lo lắng, yêu cầu chỉnh sửa khá nặng nề… Dần dà, chính sự tiếp nhận bình thản, vô tư, hứng thú của khán giả nhiều lứa tuổi đã giúp các buổi phúc khảo được nới lỏng, để đến một ngày yếu tố ma độc lập đã xuất hiện.   


Vở Người vợ ma thuộc nhóm những vở ăn khách nhất trong lịch sử sân khấu Việt Nam, hơn 2.000 suất diễn, vẫn còn sáng đèn

Một đặc điểm nữa, vốn xuất phát từ thói quen hài kịch và tấu hài, vốn thịnh hành tại Nam Bộ, nên hơn 80% số vở ma/kinh dị đều có yếu tố hài hước. Nhiều vở như 2-4-6, 3-5-7…, yếu tố hài còn lấn lướt.

NSND Hồng Vân đánh giá việc gìn giữ được chất hài trên sân khấu không hề dễ dàng, nhất là với các vở ma/kinh dị, vốn cần sự căng thẳng, rùng rợn liên tục. “Không phải vở ma/hài nào cũng thành công, nhưng việc kết hợp này nên được nhìn như là một phong cách đặc trưng của vài sân khấu tại TP.HCM, cần được nghiên cứu, chắt lọc thành mục từ, một thủ pháp sân khấu về sau này”, Hồng Vân nói.

NSƯT Chí Trung đánh giá kịch ma/kinh dị như là một đặc sản thu hút được đông đảo khán giả phía Nam, nếu không có gì thay đổi, dòng kịch này sẽ được phát triển ra các sân khấu phía Bắc.

Đến sức áp đảo phòng vé

Kịch Hồng Vân ban đầu diễn kịch “hương vị Bắc”, nói giọng Bắc, rồi một số vở được đầu tư bài bản, có giá trị nghệ thuật. Thế nhưng đến trước khi ra mắt Người vợ ma, họ đã có dấu hiệu khủng hoảng phòng vé, khi mà khán giả có vẻ như “cả thèm chóng chán” với kịch có nhiều giá trị nghệ thuật. Chính tình trạng có vé chợ đen của Người vợ ma (1 và 2), 2-4-6, 3-5-7… đã giúp Kịch Hồng Vân xốc lại phong độ, lấy thu bù chi, để song hành, họ dựng được các vở đẳng cấp như Nỏ thần, Kỹ nghệ lấy Tây, Con nhà nghèo…

Còn nhớ mùa Tết 2012, khi Kịch Sài Gòn vừa trải qua những sóng gió, nhất là về địa điểm, họ đã có đủ kịch ma/kinh dị để diễn từ mồng Một cho đến hết Lễ Tình nhân (14/2). Hai, ba tháng gần đây cũng vậy, đây là sân khấu duy nhất sáng đèn 7 ngày trong tuần, một số ngày diễn hai suất, mà kịch mục có đến 80% là ma/kinh dị/hài.

Nghệ sĩ Mạnh Tràng (Kịch Sài Gòn) tâm sự rằng chi phí của một sân khấu tư nhân (chữ mỹ miều là “xã hội hóa”) luôn phụ thuộc vào việc bán vé, nên muốn tồn tại phải biết hy sinh bớt nghệ thuật. “Là tư nhân, chúng tôi chẳng thể lệ thuộc vào sứ mệnh này nọ, nên lâu lâu có được vở như Hồn ma báo oán, Tử hình… là vui rồi. Nếu cứ vị nghệ thuật suông thì lấy gì mà trả lương cho anh em, khó duy trì nổi sân khấu”, Mạnh Tràng nói.

Ngay đến Nhà hát Kịch thành phố (30 Trần Hưng Đạo, TP.HCM), một đơn vị nhà nước, cũng phải mở cửa cho kịch ma/kinh dị vào. Mới đây, bà bầu Ngọc Trinh đã cho sáng đèn những kịch ma/kinh dị như A... ma ma, Mắt âm dương… tại đây.

Nhiều đêm có đến hơn 10 vở kịch ma/kinh dị cùng sáng đèn ở các sân khấu TP.HCM. Kịch Thế giới trẻ (thuộc khuôn viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) nhiều khi phải bán vé trước 2-3 tuần cho các vở Điện thoại lúc nửa đêm, Họa hồn, Bí ẩn nhà xác… Chính thể loại này đã giúp họ thoát khỏi phá sản trong gang tấc.

Trong bối cảnh TP.HCM đang nở rộ sân khấu xã hội hóa (tự lo thu chi) và trước tình thế kịch ma/kinh dị áp đảo phòng vé, làm sao để thoát được lối mòn này, e không dễ trả lời.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›