(Thethaovanhoa.vn) - Thuở đi học, chúng tôi được dạy rằng, tiếng Việt thật giàu và đẹp. Không ai phủ nhận điều ấy.
- Công khai, minh bạch để tháo gỡ 'nút thắt' BOT
- Không chấp nhận giá vé mới, BOT Sóc Trăng vẫn căng thẳng
Dù vậy, tiếng Việt cũng thật đa nghĩa, với nhiều lớp ngữ nghĩa, có thể gây hiểu nhầm do ngữ cảnh. Chúng ta vẫn kể mãi với nhau về chuyện những ông Tây tới Việt Nam dùng từ nhầm ngữ cảnh, hoặc không đúng thanh điệu, rồi vì thế mà rơi vào trường hợp dở cười.
Nhưng chuyện tôi muốn nhắc tới hôm nay thì không liên quan tới ông Tây nào, mà liên quan đếnviệc một số trạm thu phí đường bộ của chúng ta bỗng được đổi biển hiệu thành "trạm thu giá" trong thời gian qua.
Cần nhắc lại, các trạm thu này đều liên quan tới mô hình BOT. Giải thích về việc đổi biển hiệu này, người có trách nhiệm của ngành giao thông vận tải cho rằng, BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí thì mang tính chất Nhà nước. "Việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn".
"Không có gì khác", nên đang có quá nhiều người phân tích và so sánh cụm từ "trạm thu giá" với biển hiệu "trạm thu phí" lúc trước. Vắn tắt thì 2 khái niệm ấy chẳng liên quan gì đến nhau – khi mà "thu giá" là khái niệm tối nghĩa, nếu không nói là vô nghĩa trong tiếng Việt và hiện nay người ta vẫn tranh luận về nghĩa của nó.
“Thu giá” nghĩa là thu gì, một khi "giá" là thứ không thể thu được và người ta chỉ có thể “ra giá”, “định giá” dựa trên giá trị của một sản phẩm nào đó?
"Sáng tạo" về ngôn từ này có liên quan tới mô hình thu phí ở các trạm BOT, vốn từng bị dư luận phản ứng rất mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Đáng buồn, dù những biển “trạm thu phí” được gỡ đi và được thay bằng “trạm thu giá”, thì việc thu tiền ở đó vẫn được giữ nguyên về bản chất.
Cách thay đổi ngôn từ một cách oái ăm như thế, có phải để tránh cho các trạm BOT liên quan tới khái niệm "thu phí" vốn được quy định ở nhiều văn bản luật?
***
Tiếng Việt phong phú, nên người ta có thể thoải mái sử dụng nó theo cách mà mình muốn. Và nhìn lại, hóa ra đây không phải lần đầu tiên, người ta sử dụng tiếng Việt theo cách ấy.
Bởi, trong bối cảnh mà người dân luôn cần sự minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan công quyền, luôn cần các quan chức thể hiện trách nhiệm của họ trước dân về nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến họ, thì rất nhiều người đã chủ động tạo thêm ra những cụm từ rất phong phú. Có điều, những cụm từ ấy dù góp phần làm tiếng Việt thêm “giàu và đẹp”, thì lại không liên quan gì tới thứ mà dư luận trông chờ.
Đường quy hoạch đi vòng vèo thì phải là “đường cong mềm mại”. Nhiều tuyến đường bịngập thì bảo chỉ bị “tụ nước”. Xả lũ thì chắc chắn phải “đúng quy trình”. Làm gì có tắc đường, vì “vẫn di chuyển nhúc nhích được thì không gọi là ùn tắc”... Ví dụ kiểu ấy nhiều lắm, không thể kể hết.
Còn chúng ta, dù được tiếp nhận thêm những sáng tạo phong phú ấy, chúng ta cũng chỉ biết cười buồn và cảm thấy vô vọng khi muốn tìm một câu trả lời chính xác cho thắc mắc của mình.
Tiếng Việt phong phú thật. Chẳng vậy, quanh khái niệm mới vừa được ngành giao thông giải thích, nhiều người đã nói rằng thay vì "trả phí", chúng ta đang cùng nhau "trả giá" ở một số trạm BOT, nơi vốn gây nhiều bức xúc trong thời gian qua.
Anh Ngọc
Tags