Tiếp tục tăng tốc tìm kiếm nguồn cung vaccine Covid-19 cho Việt Nam

Thứ Tư, 13/10/2021 21:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong thực hiện chiến lược vaccine, đặc biệt là tích cực thực hiện ngoại giao vaccine. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine COVID-19 ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới chưa thể tự sản xuất được vaccine gặp không ít khó khăn.

Thêm nhiều bệnh viện phục hồi công năng ban đầu, sớm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi

Thêm nhiều bệnh viện phục hồi công năng ban đầu, sớm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi

17 giờ ngày 11/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.619 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 3.617 ca ghi nhận trong nước (tăng 104 ca so với ngày trước đó) tại 44 tỉnh, thành phố; có 1.726 ca trong cộng đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện có ba khó khăn chính trong tiếp cận vaccine COVID-19 ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.

Khó khăn chung lớn nhất là những vấn đề pháp lý liên quan đến mua bán, nhập khẩu vaccine. “Chúng ta phải chấp nhận hầu hết các điều kiện mà các nhà cung ứng vaccine đưa ra như vấn đề thỏa thuận bồi hoàn, miễn trừ về trách nhiệm, bảo mật thông tin và cả rủi ro liên quan đến giao hàng không đúng thời hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Tiếp đó là việc là việc khan hiếm nguồn cung ứng vaccine trên toàn cầu ngay từ đầu cho đến bây giờ vẫn đang diễn ra. Hiện nay, ngay cả cơ chế COVAX cũng chưa đạt được kế hoạch cung ứng vaccine cho các nước, trong đó có Việt Nam.

vaccine Covid-19 cho Việt Nam, Dịch Covid-19, Vaccine, Vaccine Covid-19, Bộ y tế, chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, vaccine Covid-19, chiến lược ngoại giao vaccine
Cán bộ y tế phường 5, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Thứ ba là các nước thay đổi chính sách trong tiêm chủng vaccine như mở rộng đối tượng tiêm, tiêm tăng cường mũi 3. “ Do đó, sự điều chỉnh trong chính sách cung ứng vaccine làm chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo”, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

“Ngay như trong tháng 10 này, mặc dù chúng ta có kế hoạch tiếp nhận vaccine với số lượng lớn, tuy nhiên nguồn cung chưa đảm bảo. Hiện đã giữa tháng 10, nhưng mới chỉ nhận được lượng vaccine đạt 20% so với kế hoạch. Vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có những chỉ đạo rất quyết liệt để tăng tốc tìm kiếm nguồn cung vaccine COVID-19 cho Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

Liên quan đến tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã liên tục có các chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

"Chúng ta đã và đang tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất tại hơn 12.000 điểm tiêm ở tất cả các tỉnh, thành phố, bao gồm cả điểm tiêm cố định và lưu động. Bộ Y tế đã liên tục tổ chức đào tạo, tập huấn, hội nghị trực tuyến, kiểm tra giám sát với các địa phương để đôn đốc triển khai chiến dịch tiêm chủng trên nguyên tắc đẩy nhanh bao phủ mũi 1, vaccine nào về, tổ chức triển khai tiêm ngay, sau đó trả bù mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đến thời hạn. Vì vậy, tốc độ tiêm vaccine của nước ta hiện nay ở mức độ cao so với nhiều nước trên thế giới, có nhiều ngày vượt trên 1 triệu liều/ngày. Chúng tôi hy vọng có thể đạt mức cao hơn về số lượng mũi tiêm trong ngày”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tốc độ tiêm vaccine quyết định cho việc mở cửa nền kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Do đó, Bộ Y tế đã liên tục khuyến cáo các địa phương phải tăng tốc tiêm chủng. “Nếu địa phương nào tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ điều chuyển vaccine đến địa phương có tốc độ tiêm đảm bảo yêu cầu”.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›