(Thethaovanhoa.vn) - Ở kỳ trước, chúng ta đã điểm qua 7 nét dương trong tranh Đông Hồ. Xin giới thiệu thêm 3 kiểu nét dương đặc biệt nữa mang đầy tính chất biến hóa, đó là “Nét gợi khối”, “Kết hợp nhiều kiểu nét cùng lúc”, “Nét dương được băm nhỏ thành các chấm đen”.
Xem hết 10 nét dương, chúng ta đã thêm một bằng chứng nữa để chứng minh sự biến hóa của nét trong tranh dân gian Đông Hồ thật là táo bạo.
8. Nét gợi khối
+ Nét gợi khối chân trâu hình ống. Nếu vào thời hiện đại mà làm tranh khắc gỗ về con trâu thì họa sĩ có 2 cách lựa chọn: hoặc để chân trâu thành mảng đen-bẹt hoàn toàn, hoặc đi 2 nét viền 2 bên - tất nhiên in đè lên mảng đậm hình chân trâu lớp dưới.
Nếu thế thì phải gọi cách này của Đông Hồ làm “sư phụ”! Bởi giải pháp tạo hình chân trâu Đông Hồ vừa độc đáo vừa gợi cảm nắng chiều rực đỏ: chạy suốt mảng đen một bên, đục rỗng chạy song song bên kia và để nét đen be bờ cũng chạy suốt bên sáng. Khi in đè lên mảng màu đỏ nâu - lập tức gợi cảm như ráng chiều nồng ấm tỏa suốt bên chân trâu! Ấy là họ đã rất am hiểu - tả đủ khớp gối, khớp gót và móng trâu xẻ đôi phân minh.
+ Nét gợi khối sừng trâu như dày dặn và nổi gân guốc: Sừng được viền nét một bên - để sáng vì chiều cong ra đương nhiên căng, hứng ánh sáng. Bên còn lại là phần cong vào đương nhiên chịu khuất sáng, diễn tả bằng dãy nét nhấp nhô hình tam giác đen cong mềm, vừa tả sừng nổi gân guốc, vừa tả bên tối - tạo độ dày của sừng.
+ Nét gợi khối bụng, cằm, mông trâu một cách đầy biểu cảm: Toàn thân trâu vốn là một mảng đen - đáng lẽ bẹt kiểu mảng trang trí phương Đông - thì nay gợi khối dày dặn với hàng nét mảnh mai, xếp đều tăm tắp, chạy suốt dưới cằm, xuống bụng, vòng lên mông trâu...
+ Nét gợi khối rất phong phú tỏa khắp đường viền cơ thể con vịt trong tranh Bé ôm vịt (bộ đôi tranh Vinh hoa - Phú quý). Bình thường thì họa sĩ nào cũng có thể (và đa số sẽ chọn) khắc một đường viền bao quanh thành hình con vịt - tất nhiên hình con vịt... bẹt. Rồi chậc lưỡi - “chỉ là con vịt thôi mà, hơi đâu mất công”.
Nhưng đây lại là con vịt của ước mơ “vinh hoa - phú quý” với mọi nông gia nên nó xứng đáng được nghệ nhân tài hoa Đông Hồ dụng công huy động các loại nét: Một nét dày và cứng viền gáy vịt, nét nối quặp liên tiếp tả cổ vịt cong xuống phía trước, các dãy nét ngắn xếp hàng liên tiếp bao suốt lưng và bụng vịt. Nhưng lưng vịt còn chắn 1 nét viền chạy suốt trong khi bụng vịt là dãy nét xếp lớp nhưng hở - vừa gợi tả khối cong vồng vừa gợi tả lông bụng vịt mềm, xốp... Cũng theo cách đó là nét bao đùi vịt: 1 bên nét đen viền, bên kia 1 hàng nét xếp lớp xiên xiên tả khối lông xốp.
9. Kết hợp nhiều kiểu nét cùng lúc
Đây là cách thường được Đông Hồ dùng trong trường hợp cần tả bộ lông của loài chim như gà, vịt, công...
Vì mục đích phục vụ người nông dân (tranh Đông Hồ 99% bán cho các gia đình nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, nhất là xứ Kinh Bắc và Hải Dương) mà tranh dân gian Đông Hồ đưa ra các hình tượng quen thuộc với họ. Ngoài gà, vịt, lợn, trâu, cá, cóc... còn có cả công - thuở ấy rừng vẫn còn nhiều ở ngay đồng bằng. Bạn không tin ư? Hãy đọc lại lịch sử: Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Tán Thuật và Đốc Tít - nếu chỉ có "bãi sậy" lèo tèo thì làm sao cuộc khởi nghĩa có thể kéo dài 10 năm?
Gà, vịt là những gia cầm hết sức quen thuộc của người Việt ta. Bản thân chúng tự nhiên đã đẹp. Lên tranh Đông Hồ còn điển hình hóa bằng các tổ hợp nét đa dạng, in trên nền màu điệp rực rỡ. Họ không vẽ một con gà đại khái mà biểu hiện một con gà điển hình hóa với cách phân loại lông qua các kiểu nét khác nhau như nét đơn, kép, nét 2-3 lớp, nét đen kết hợp mảng đen, nét xẻ rãnh giữa mảng đen... Loài gia cầm tưởng như tầm thường đã được biểu hiện đẹp lên rất rất nhiều. Chúng trở thành biểu tượng của người nông dân xưa vốn luôn ước mơ rất cụ thể và hiện thực - là mục đích tối thượng của trồng trọt và chăn nuôi theo hộ gia đình.
Ở đây xin lưu ý: Những con gà, vịt dân gian Đông Hồ mà ta ngắm nghía hôm nay đã ra đời ít nhất cách đây vài thế kỷ. Chúng đã tồn tại bất chấp mọi biến chuyển thời thế và xã hội tưởng như “vật đổi - sao dời” hay “long trời - lở đất” như các mỹ từ - cường điệu từ mà chúng ta từng nghe suốt một thời tuổi trẻ! Dù các họa sĩ hiện đại Việt Nam có vẽ gà vịt kiểu gì và cỡ nào chăng nữa thì gà - vịt dân gian Đông Hồ vẫn luôn đẹp nhất, sống dai nhất. Ai ưa ngắm tranh vẽ gà - vịt công nghiệp, xin giơ tay!?
10. Nét dương được băm nhỏ thành các chấm đen
Việc dùng các chấm in đen để biểu hiện hình thể, đường nét là một điểm độc đáo của tranh Đông Hồ. Nghĩa là các chấm đen trên tranh được cấu trúc hóa đàng hoàng, có tạo hình, tạo mảng, tạo chi tiết và tạo chất nữa. Bản nét được đục chạm thành hình thể một chú gà, vịt, công... của Đông Hồ không chỉ toàn nét mà còn xen kẽ các mảng đen và chấm, không chỉ có nét dương mà còn cả nét âm (sẽ trình bày sau).
Với con gà, Đông Hồ có dành ra những mảng toàn chấm đen ở đầu cánh (để bộ lông gà toàn nét đỡ nhàm chán) hay những chấm đen táo bạo để tả chất mào gà trống nổi cục sần sùi. Dùng chữ “táo bạo” ở đây để nhấn mạnh rằng nếu so sánh sẽ thấy - trong các tranh khắc gà của họa sĩ Việt Nam hiện đại rất hiếm - rất khó thấy ai đó cầu kỳ khắc mào gà để lại các chấm in đen mà tả chất.
- Từ các nét dương trong tranh Đông Hồ...
- Cùng là tranh dân gian, tại sao nét của Đông Hồ khác nét Hàng Trống?
- Tranh Đông Hồ:Trời còn để có hôm nay…
Với hình tượng con lợn thì nghệ nhân dân gian Đông Hồ còn tạo chất bằng các chấm đen theo cấu trúc kỳ lạ hơn nữa. Đó là các hàng chấm đen chạy thành băng dài suốt lưng võng của lợn. Chỉ 1 hàng chấm trên lưng lợn độc (bức Lợn ăn lá ráy) nhưng có tới 2 hàng toàn chấm vuông vắn dàn đội hình trên lưng lợn mẹ (bức Lợn đàn). Riêng bức Lợn ăn lá ráy còn được thêm rất nhiều chấm đen tả chất rải dưới phần bụng. Phải chăng thời ấy, cách đây vài thế kỷ, nông dân ta toàn nuôi lợn “đi bộ” - tức là thả rông trong vườn rộng, còn lẫn cây dại khá rậm và vì bụng võng nên chất da bị cọ xát nhiều nên cần “tả chất” như vậy?
Đặc biệt nữa là việc dùng tập hợp các chấm đen để tả đầu và cổ con công của Đông Hồ. Vốn dĩ nghệ nhân xưa đã nắm được quy luật hình thái của động vật: do nhu cầu ngụy trang muôn thuở mà tạo hóa đã cho chúng "lưng sẫm - bụng sáng". Tập hợp các chấm ở đầu và cổ con công thuộc về phần gáy của nó. Trong khi ấy, phần để trống - tất nhiên tạo thành mảng sáng- thuộc về phía trước cổ con công. Thần tình ở chỗ tạo dáng con công đang quành cổ lại. Và do đó mà đội hình các chấm đen chia thành 2 mảng: đang chạy đội hình bên phải dưới cổ thì nhảy sang trái và tụ lại trên đỉnh đầu...
(Còn tiếp)
Họa sĩ Đức Hòa
Tags