(Thethaovanhoa.vn) - Từ trước đến nay, nhắc tới kịch nói, người ta thường nghĩ 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM. Hiện tại, cả hai nơi này, kịch nghệ cũng đang lâm vào cảnh khó khăn.
Vậy nhưng, lại có một chàng nghệ sĩ khát khao dấn thân vào công việc đầy thách thức: Xây dựng một đơn vị nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu xem kịch nói của khán giả tại Long Xuyên (An Giang). Anh là đạo diễn - ca sĩ Tiết Duy Hòa.
Tiết Duy Hòa đang khá thành công trong vai trò biên kịch và đạo diễn. Vở kịch Ngược gió do anh viết và dựng cho sân khấu Thế giới trẻ được chọn tham dự Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021. Kịch bản này lại được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chọn chuyển thể cải lương, chuẩn bị trình diễn trong dịp Tết năm 2022. Trước đó, anh được Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) mời dựng hai vở cải lương là Cánh đồng gió và Đứa con mang họ mẹ. Hai bộ phim chiếu trực tuyến Thâm cung kế và Vòng oán thù do Tiết Duy Hòa đạo diễn cũng đạt lượng người xem rất cao.
Công tử miền sông nước
Hòa sinh năm 1975 tại Châu Đốc, một thị xã ven sông Hậu thuộc tỉnh An Giang. Cha anh là một nhà kinh doanh nhanh nhạy, tháo vát. Thập niên 1990, khi đa số người dân Việt Nam còn đi xe đạp, gia đình Hòa đã sở hữu xe hơi riêng. Lúc ấy, cha Hòa muốn đứa con trai đầu lòng nối nghiệp kinh doanh, nhưng Hòa mê âm nhạc và luôn có thôi thúc trở thành ca sĩ. Thế nên, Hòa tham gia nhiệt tình tất cả sinh hoạt văn nghệ tại trường và địa phương. Giọng hát tốt giúp Hòa được chọn vào nhóm ca sĩ của nhà văn hóa thị xã.
Rồi biến cố xảy đến, cha Hòa phá sản, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Từ một cậu ấm, Hòa bắt đầu những ngày tháng khổ cực, thiếu thốn. Lúc ấy, Hòa đứng giữa sự chọn lựa làm công việc lao động nào đó để có miếng ăn ngay trước mắt, hoặc tiếp tục đam mê ca hát của mình.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, Hòa quyết định theo đuổi giấc mơ nghệ thuật. Khi đó, từ nhà Hòa đến miểu bà chúa Xứ Núi Sam dài khoảng 7 km, nhưng Hòa vẫn đạp xe đạp giữa trời nắng để đến hát cho đám cưới. Tới nơi, hai chân run rẩy vì trước đây vốn không quen vận động, mồ hôi nhễ nhại bụng đói cồn cào, anh vẫn lên sân khấu hát và nhảy “bốc khói”. Có hôm Hòa hát ở những vị trí xa gần 20 km, vẫn cuốc xe đạp cộc cạch để tới sân khấu và thăng hoa.
Niềm đam mê của Hòa đã bay xa khỏi cái thị xã bé nhỏ này, anh được chọn vào đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh An Giang. Với Hòa, điều đó là món quà vô cùng lớn - dù ca sĩ và diễn viên tỉnh lẻ vẫn chỉ là những nghệ sĩ vô danh.
Bán nhà xây dựng nhóm kịch Đời cười
Sau nhiều năm phụng sự cho văn nghệ tỉnh nhà, Hòa cũng được mua hóa giá một miếng đất xây nhà. Đây là tài sản lớn duy nhất của anh. Ngành văn nghệ tỉnh An Giang muốn Hòa trở thành một trong những người dẫn dắt phong trào nên đã cho anh suất học đạo diễn bậc cao đẳng tại TP.HCM. Đó là năm 2014. Lúc này, Hòa có duyên kỳ ngộ với cố nghệ sĩ hài Khánh Nam và tham gia nhóm hài Khánh Nam. Thời gian diễn hài tại các sân khấu TP.HCM giúp Hòa tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế. Cộng với kiến thức tại nhà trường, Hòa trở nên tự tin và bắt đầu ấp ủ hoài bão trở về quê làm kịch.
Năm 2015, Hòa trở lại Long Xuyên. Anh vừa diễn cho đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh An Giang vừa triển khai ý định xây dựng phong trào kịch nghệ riêng. Hòa đã bán miếng đất lấy kinh phí thành lập nhóm Đời cười, hoạt động dưới hình thức café kịch. Nhờ có nghề, nên Hòa và ekip của mình đã dựng nên nhiều vở kịch ngắn hấp dẫn, khán giả ủng hộ nhiệt tình nên khán phòng khoảng 200 ghế lúc nào cũng kín chỗ. Hòa khấp khởi hy vọng cho một tương lai mới, khi đời sống kịch sẽ bám rễ và phát triển tại hầu khắp các tỉnh miền Tây. Nhưng điều bất như ý xảy đến, Hòa mất chỗ diễn, trắng tay và đành ngưng hoạt động.
“Lúc đó, đoàn ca nhạc tổng hợp An Giang sát nhập với một đơn vị khác, tinh giản nhân viên. Điều kiện để tôi được giữ lại khá nhiêu khê, nên tôi quyết định rời khỏi đoàn. Mất việc cộng với đứa con tinh thần (nhóm kịch) mình ấp ủ bị chết yểu, tôi gần như mất phương hướng. Trong đầu tôi, lần đầu tiên, thoáng qua ý nghĩ sẽ bỏ sân khấu, bỏ nghề diễn” - Hòa kể - “Nhưng cuối cùng, tôi nhận ra mình không thể sống ngoài môi trường nghệ thuật, Năm 2018, tôi quyết định trở lại TP.HCM học lớp đạo diễn hệ đại học như một cách tìm lại cơ hội, dẫu có muộn màn”.
Từ đó, ban ngày Hòa đi học, mỗi tối đi hát ở các sân khấu nhỏ. Rồi anh được mời đóng phim, đóng kịch và dần xuất hiện trong nhiều dự án nghệ thuật chất lượng. Thế là tổ nghiệp lại ban cho Hòa thêm cơ hội. Tất bật với các show ca nhạc, phim, kịch, rồi đến một lúc, Hòa chuyên tâm viết kịch bản và dàn dựng. Với kinh nghiệm sống phong phú, Hòa đã chấp bút nhiều câu chuyện chạm vào cảm xúc người xem. Các sân khấu liên tục mời anh viết và dựng.
- Sân khấu Lệ Ngọc sáng đèn trở lại tái ngộ khán giả Hà Nội
- Sân khấu kịch nói: Hành trang nào cho… 100 năm tới?
Công việc ngày càng hanh thông, Hòa bắt đầu trở lại với ước mơ xây dựng sân khấu kịch tại Long Xuyên. Ý định ấy đã được tỉnh An Giang đón nhận và ủng hộ Hòa về gây dựng phong trào kịch nghệ. Hòa mời các nghệ sĩ thành danh hợp sức đào tạo biên kịch, đạo diễn, diễn viên cho một ê-kíp trẻ là sinh viên trường đại học An Giang, đã từng học qua diễn suất tại trường Cao đẳng văn hóa TP.HCM. Nhóm nghệ sĩ này sẽ tham gia thực hiện các vở kịch ngắn tại địa điểm rạp Thanh Liêm cũ, nay là Trung tâm văn hóa tỉnh An Giang. Họ sẽ trình diễn vào các ngày thứ sáu hàng tuần. Tết âm lịch sắp đến, họ trình diễn từ ngày mồng 1 đến mồng 10.
Khán giả tỉnh lẻ, trong đó có các tỉnh miền Tây luôn thiếu thốn về điều kiện giải trí nếu so với TP.HCM và Hà Nội. Phần lớn muốn xem kịch trực tiếp, phải khăn gói về hai thành phố lớn kể trên. Nhiều tài năng nghệ thuật tỉnh lẻ, vì sự cách trở đã không thể hiện được năng khiếu thiên bẩm của mình. Nếu tỉnh An Giang thành công với mô hình kịch của Tiết Duy Hòa, nhiều khả năng mô hình sẽ lan tỏa đến nhiều tỉnh nhỏ khác, để giấc mơ của anh không còn xa...
1 show diễn đổi lấy... 500 km trên xe máy Say nghề, có những lần được mời show tận Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Hòa phải tranh thủ đi về xuyên đêm để kịp giờ diễn chính thức của đoàn cho ngày hôm sau. Cả đi và về, anh chạy tới 500 km, trong đó thời điểm bắt đầu về là 12h đêm sau buổi diễn mệt nhoài. Có lúc mệt quá, Hòa vừa chạy vừa gà gật, may chưa bị tai nạn nghiêm trọng. |
Nguyễn Huy
Tags