Theo chuyên gia Timothy, thứ mà các ứng dụng chống virus đang mang lại cho bạn là cảm giác an toàn giả tạo, khiến bạn mất cảnh giác.
Phần mềm độc hại là mối đe dọa tiềm năng đối với các mẫu smartphone Android. Bất cứ phần mềm nguy hiểm nào xâm nhập vào điện thoại của bạn cũng có thể gây ra nhiều vấn đề, như đánh cắp thông tin cá nhân, mang tới những quảng cáo gây khó chịu và làm hao tổn dữ liệu điện thoại.
Biện pháp ngăn chặn phổ biến nhất đối với các phần mềm độc hại trên smartphone Android là sử dụng ứng dụng chống virus. Tuy nhiên, những ứng dụng này có thực sự bảo vệ điện thoại của bạn hay không, hay chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề?
Các ứng dụng chống virus hoạt động như thế nào?
Theo chuyên gia công nghệ Maxwell Timothy (đến từ Nigeria), để nắm được liệu mình có cần tới ứng dụng chống virus dành cho điện thoại hay không, trước hết bạn phải hiểu các ứng dụng này hoạt động như thế nào.
Báo cáo năm 2019 của av-comparatives.org đã trình bày chi tiết kết quả điều tra kỹ lưỡng một số ứng dụng chống virus phổ biến nhất trên điện thoại Android.
Kết luận đưa ra trùng khớp với điều mà nhiều chuyên gia bảo mật đã nghi ngờ từ lâu: Nhiều ứng dụng chống virus phổ biến trên hệ điều hành Android đã không hề làm gì để tìm kiếm và quét các phần mềm/ứng dụng trong diện nghi ngờ, nhằm tìm ra mối nguy hại tiềm ẩn.
Phần lớn các ứng dụng chống virus này chỉ sử dụng "danh sách trắng" để so sánh với các ứng dụng mà bạn đã cài đặt trên điện thoại. Những ứng dụng nào không đến từ nhà cung cấp trong danh sách cho phép sẽ được gắn nhãn thông báo là "có khả năng gây hại".
Một số ứng dụng khác thì sử dụng "danh sách đen". Chúng quét điện thoại của bạn để xem bạn có cài đặt bất cứ ứng dụng nào trong danh sách đen hay không. Nếu tìm thấy, chúng sẽ gắn nhãn các ứng dụng này và đề xuất gỡ cài đặt.
Mặc dù cơ chế này nghe có vẻ hữu ích nhưng xét từ quan điểm thực tế, nó mang lại rất ít, hoặc thậm chí không mang lại sự bảo vệ nào.
Các danh sách lọc mà những ứng dụng chống virus này dựa vào thường không cập nhật liên tục và đầy đủ. Do các phần mềm độc hại mới mọc lên rất nhanh và nhiều nên danh sách các ứng dụng độc hại được biên soạn sẵn không phải là giải pháp hiệu quả.
Theo báo cáo của Statista từ tháng 3/2020, khoảng 482.579 phần mềm độc hại Android đã được đưa vào internet mỗi tháng (trung bình khoảng 16.000 phần mềm độc hại mỗi ngày) – một con số quá "khủng khiếp" để có thể theo dõi.
Đây là lý do tại sao ngay cả khi các nhà cung cấp ứng dụng chống virus cập nhật danh sách của họ, nó vẫn không đủ toàn diện. Theo số liệu thống kê, có tời hàng nghìn ứng dụng độc hại chưa bị lộ diện ở bất cứ thời điểm nào.
Các ứng dụng độc hại này có thể tàn phá điện thoại của bạn, trong khi ứng dụng chống virus không thể nhận diện hoạt động của chúng. Cuối cùng, thứ mà các ứng dụng chống virus mang lại cho bạn là cảm giác an toàn giả tạo, khiến bạn mất cảnh giác.
Ứng dụng chống virus có thể làm hỏng điện thoại
Đáng nói, theo chuyên gia Timothy, hầu hết các ứng dụng chống virus sẽ chỉ "nằm chơi" trên điện thoại của bạn, chúng không làm gì khác ngoài việc ngốn tài nguyên điện thoại và tác động tiêu cực đến hiệu suất của máy theo nhiều cách.
Do chạy trong nền và triển khai các thành phần theo thời gian thực nên ứng dụng chống virus có thể làm hao pin điện thoại. Ngoài ra, vì chúng luôn hoạt động nên cũng sẽ liên tục cạnh tranh với các ứng dụng khác để giành RAM, thậm chí làm chậm điện thoại của bạn.
Tiếp đó là những trường hợp "cảnh báo giả". Nhiều ứng dụng chống virus đôi khi gắn nhãn "độc hại" vào các ứng dụng hợp pháp. Một số đi xa đến mức thực hiện luôn hành động loại bỏ đối với các ứng dụng mà chúng coi là độc hại này để "bảo vệ người dùng".
Nếu tải xuống các ứng dụng chống virus phổ biến được tạo bởi các nhà cung cấp ít uy tín hơn, bạn có thể đang trao cả "chìa khóa vương quốc" của mình cho những phần mềm độc hại. Một số phần mềm độc hại được ngụy trang dưới dạng ứng dụng chống virus, khiến bạn trao cho chúng toàn bộ đặc quyền của quản trị viên.
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa là đủ
Theo Statista, mặc dù phần mềm độc hại trên Android là mối đe dọa tiềm ẩn, nhưng miễn là cài đặt bảo mật của bạn được cập nhật thì khả năng nhiễm phải phần mềm độc hại thường thấp hơn bạn nghĩ.
Hệ điều hành Android đã đi một chặng đường phát triển dài. Mặc dù vẫn là mục tiêu ưa thích của các ứng dụng độc hại, nhưng về bản chất, các chuyên gia đánh giá rằng, Android đã đủ an toàn để bảo vệ bạn trước phần lớn các ứng dụng độc hại nếu bạn tuân thủ đúng các quy định phòng ngừa và cập nhật cài đặt bảo mật đầy đủ.
Tags