(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2005, bóng đá Việt Nam rúng động với vụ việc bán độ của nhóm 7 cầu thủ U23 Việt Nam trong trận đấu với U23 Myanmar tại SEA Games 2005. Người nhận án phạt nặng nhất sau đại án này là Quốc Vượng đã không thể làm lại cuộc đời cầu thủ sau khi ra tù. Văn Quyến, Hải Lâm, Văn Trương, Phước Vĩnh, Bật Hiếu được CLB chủ quản tạo cơ hội và thi đấu chuyên nghiệp một thời gian sau đó. Quốc Anh là cầu thủ nổi bật nhất khi trở lại thi đấu và chơi ấn tượng để đoạt một Quả bóng vàng Việt Nam.
Trước đó, 2 năm tại SEA Games 22, Vũ Như Thành, đội trưởng đội U23 Việt Nam, bị HLV Riedi ghi tên vào “sổ đen” bởi nghi án bán độ tại JVC Cup. VFF sau đó đã phạt cấm Như Thành không thi đấu chuyên nghiệp đến 5 năm nhưng sau đó 1 năm, án phạt chỉ còn 2,5 năm.
Như Thành sau đó nổi bật trên thị trường chuyển nhượng thời V-League bùng phát chuyện kim tiền và đã kiếm được khoảng 50 tỷ đồng từ bóng đá như từng tâm sự gần đây.
Không may mắn như Như Thành hay Văn Quyến, từ sau các vụ án bị phanh phui và xử phạt quá nhẹ, VFF có vẻ chịu sức ép của dư luận và đã kiên quyết xử mạnh tay hơn rất nhiều. Vòng bảng AFC Cup 2014, sau trận thua 2-3 của V.Ninh Bình ngày 18/3, hàng loạt cầu thủ của CLB này đã bị xử phạt cấm thi đấu vĩnh viễn và đội bóng của bầu Trường cũng tuyên bố giải thể.
3 tháng sau, ngày 29/7/2014, Cơ quan CSĐT tỉnh Đồng Nai đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về “Tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc” đối với 10 đối tượng, trong đó có 6 cầu thủ thuộc CLB bóng đá Đồng Nai. Sau đó, các bị cáo Nguyễn Thành Long Giang, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Văn Tương, Hà Niệm Tiến nhận 2 năm tù treo, Đinh Kiên Trung 2 năm 6 tháng tù treo… và đương nhiên cũng bị cấm thi đấu vĩnh viễn.
Nhiều cái tên trong số 2 vụ mua bán độ gần nhất bị VFF xử mạnh tay năm 2014 hiện tại đang chạy xe công nghệ, mở cửa hàng kinh doanh.
V.H
Tags