(Thethaovanhoa.vn) - Độ chục ngày qua, người hâm mộ bóng đá Việt Nam hoang mang thực sự, với những cuộc đấu đá (trên mặt báo) từ cá nhân đến tổ chức. Lợi đâu và cho ai thì chưa thấy, nhưng hậu quả của nó thật khôn lường, tác động rất lớn đến niềm tin của người hâm mộ về VFF và về nền bóng đá.
- VFF khẳng định HLV Hữu Thắng biết cuộc họp báo về U22 Việt Nam
- Hữu Thắng và VFF... ai ‘vô lương tâm’?
- HLV Hữu Thắng từ chối lên tiếng sau tin đồn tố VFF dối trá
Những phóng viên thể thao, không ai không biết câu nói của một cầu thủ từng than thở về tình trạng mất đoàn kết ở một CLB: “Các chú, các bác đánh nhau xong chưa, để chúng cháu còn đá bóng”.
Nhưng giờ phút này, câu nói đó hợp cảnh không riêng gì CLB nữa, mà ở thượng tầng nền bóng đá.
Với người làm bóng đá - nhà tổ chức, mối lo đầu tiên và lớn nhất không phải chạy tài trợ, gom đủ đội chơi, không sợ giải vỡ, sản phẩm của mình có tốt hay không, có được đón nhận hay không…, mà là tính ổn định vĩ mô từ BTC giải đấu, từ tổ chức Liên đoàn bóng đá.
AFF Cup, SEA Games, hai giải đấu kỳ vọng nhất đã thất bại. Ghế HLV trưởng đang là những màn biến ảo để rồi nhiều HLV nội có tài đang rất sợ hãi. V-League giai đoạn quan trọng rất dễ lâm vào mất kiểm soát. Chứng kiến các khán đài vắng vẻ, từ Bình Dương đến Thống Nhất, xuôi Cần Thơ..., cuối tuần qua, quả thật rất đau lòng với giải đấu tiêu hao hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm như V-League.
Giới truyền thông thời gian qua cũng chia ra nhiều luồng. Những đồn đoán về một cuộc loạn đả, hạ bệ nhau, kiểu “đục nước béo cò” trước thềm Đại hội VFF nhiệm kỳ mới đang được tung ra.
Bóng đá Việt Nam ngót 30 năm, kể từ ngày hội nhập trở lại với khu vực và cũng gần 20 năm ra đời kỷ nguyên V-League, nhưng vẫn một vòng luẩn quẩn ấy. Bao nhiêu tiền của của xã hội đổ vào bóng đá, đã đem lại lợi ích nhiều cho chính xã hội của chúng ta? Những khoảnh khắc hạnh phúc quá ít ỏi và xa xỉ, điều này sẽ triệt tiêu niềm tin và sự kỳ vọng.
Một lần nữa xin nhắc lại câu nói ở trên: “Các chú, các bác đánh nhau xong chưa”?
Tùy Phong
Tags