Với nhiều người, Tùng Dương là một nghệ sĩ họ trân quý, nhưng với không ít khán giả, anh bị gắn mác “không dễ nghe”. Điều đó là đương nhiên, vì mỗi nghệ sĩ hướng tới một giá trị riêng, không đồng nhất.

Ngày 23-24/9 tới, tại Hà Nội, nam ca sĩ từng giành "kỷ lục" số lần nhận giải Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) sẽ tổ chức liveshow “Trời và Đất” với sự tham dự của bốn diva nhạc Việt: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần.

- Nhà soạn nhạc lừng danh Robert Schumann nói: Talent works, genius creates (tạm hiểu: Người có tài lao động, thiên tài sáng tạo). Anh nghĩ gì về sự sáng tạo?

Tùng Dương:  Mỗi con người được ông Trời trao cho một sứ mệnh. Cha mẹ cho tôi năng lực ca hát. Nếu dừng ở hát hay thì không đủ. Để tiếp tục con đường nghệ thuật chông gai, điều tiên quyết để nghệ thuật tồn tại là sáng tạo.

Sáng tạo giúp ta khám phá ra chính mình, mở toang cảnh cửa của sự tự do, hình dung, tưởng tượng… Đó là đặc tính quan trọng của nghệ sĩ trong xây dựng cho mình hệ tư tưởng kiên cố. Hình ảnh tôi hướng tới công chúng là nghệ sĩ có tư tưởng.

- Anh từng khá cực đoan trong nghệ thuật, nhưng giờ đã có những biến hóa để thích nghi với showbiz, bản thân anh có nhận ra điều đó không?

Tùng Dương:  Vâng, cái sự biến hóa của tôi là việc tôi mở rộng khả năng âm nhạc, biên độ trong không gian của mình, nó rộng hơn nhưng nó vẫn là con người của tôi. Tôi không làm gì quá khác với bản thân tôi, những gì tôi không làm được thì tôi sẽ không làm. Chẳng hạn như trào lưu Bolero, tôi nghĩ rằng mình chưa đủ dũng cảm để hát Bolero, có thể mình không có cái chất ấy, để hát được ra cái mùi của Bolero.

Thế nên tôi nghĩ nhiều ca sĩ nhạc nhẹ rất dũng cảm, nhưng tôi chưa đủ dũng cảm để “được ăn cả ngã về không”, liều như vậy, thành ra là tôi lựa chọn sáng tạo trên cái khung của mình. Cho nên tôi nghĩ sự sáng tạo phù hợp hay không phù hợp với mình, đó cũng có thể là một sự cực đoan của người nghệ sĩ, cực đoan nhất định, làm những gì phù hợp với mình mà mình thích. Đương nhiên tôi sẽ không theo trào lưu bởi vì nếu theo trào lưu thì tôi đã chú ý đến thương mại từ lâu rồi và không phải là một người nghệ sĩ luôn dám thử thách bản thân mình.

- Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Tùng Dương chưa từng bao giờ thỏa hiệp?

Tùng Dương: Tôi nghĩ là tôi chưa từng thỏa hiệp bao giờ bởi trong tôi không có điều ấy, một sự kiên định như một sợi chỉ xuyên suốt. Mỗi thời điểm chúng ta sẽ có sự tức thời để làm cho mình tươi mới hơn, bắt kịp hơn, cập nhật hơn, nếu đi ngược lại với số đông quá thì chúng ta sẽ tụt hậu.

Tôi vẫn hát sáng tác của những người trẻ - họ dũng cảm đi những con đường riêng chứ không chỉ chăm chăm nhìn lợi nhuận trước mắt là làm sao được đặt hàng nhiều bài hát, kiếm được nhiều tiền, sáng tác ra các bài hát hit - "hit tức tốc" chứ không phải hit. Ở đây, "hit tức tốc" giống như mù tạt, nó khiến chúng ta cay xè xong rồi thôi.

Đa số các tác giả trẻ chọn cho mình một lối viết "đánh nhanh thắng nhanh", làm sao để có một hit trong thời gian ngắn. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là một suy nghĩ không sai, đúng với cách nghĩ của các bạn ở thời điểm hiện tại, đấy là quan niệm của mỗi người và họ cũng có thể thành công, có những bài hát được biết đến rộng rãi, phổ cập, càng phổ cập sẽ càng có cơ hội được giải Bài hát yêu thích của năm – giải Cống hiến chẳng hạn (cười).

- Giữa hai lựa chọn, một là bài hát mà hàng triệu người, thậm chí là hàng trăm triệu người nghe với một bài hát chỉ cho một số người nghe thì anh chọn gì?

Tùng Dương: Đương nhiên tôi vẫn nghĩ rằng, tôi vẫn mong chờ mình luôn có các bài hát hit, hit của mình, nó phù hợp với mình và phù hợp với những đối tượng nghe của mình, phù hợp với tai nghe của những khán giả của mình. Mình ra bài khó thì khán giả của mình vẫn cảm được mình, thế nên tôi vẫn nghĩ mỗi người có một sứ mệnh và sáng tạo những giá trị phù hợp với mình.

- Nói như vậy nghĩa là Tùng Dương không cần số đông khán giả hay sao?

Tùng Dương: À không, tôi luôn luôn đánh giá cao vai trò của khán giả bởi tôi hát cũng là vì khán giả. Họ không thích, không hiểu hoặc không chấp nhận tôi thì sao tôi có động lực hát được.

Ai cũng muốn tên tuổi của mình phổ cập nhưng, tôi coi trọng “hữu xạ tự nhiên hương”. Bảo tôi phổ cập hóa tên tuổi của mình như các bạn trẻ bây giờ chẳng hạn như Sơn Tùng hay Noo Phước Thịnh thì tôi không thể nào làm được đâu. Đó là sự thật.

Bởi vì điều tôi hướng đến là điều các bạn không hướng đến và ngược lại, giá trị chúng ta kiếm tìm hoàn toàn khác nhau, nó đúng cho người này và không thuận cho người kia.

- Khi Tùng Dương nói về những người trẻ, tôi luôn nhìn thấy sự khắt khe, một cách nào đó có vẻ như Tùng Dương đặt ra yêu cầu cao với lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay. Nhưng ở khía cạnh khác người ta cũng có thể nói rằng Tùng Dương hơi đố kị với những người trẻ. Anh nghĩ sao?

Tùng Dương: Hãy nhìn lại Tùng Dương của 15 năm về trước, chân ướt chân ráo mới vào nghề. Đương nhiên tôi vẫn nghĩ rằng lúc đó vẫn còn một Tùng Dương rất mộc mạc, một Tùng Dương đang đam mê, đang muốn chinh phục mọi người, cũng rất cần sự bao dung của những người đi trước nhưng một vài năm làm nghệ thuật tôi mới hiểu ra rằng nếu chỉ muốn đàn anh, đàn chị bao dung cho mình cũng đồng nghĩa với việc giết chết mình, mình sẽ thỏa hiệp, sẽ dễ dãi với chính mình.

Nếu mọi người cho rằng đấy là điều đố kị thì mọi người đang soi xét sự việc quá phiến diện, hãy nhìn sâu sắc vào vấn đề để chúng ta đi được với nghề nghiệp lâu dài. Đối với tôi lòng tự tôn cao nhất chính là tính trung thực của con người mình với âm nhạc, với nghệ thuật, sự sáng tạo đó phải là của mình, tôi luôn nói với các bạn trẻ như vậy.

Nhưng thực tế là tôi nói chắc gì họ đã nghe, họ có quyền không nghe, bỏ ngoài tai cho nên tôi nói chỉ để nói mà thôi. Tôi nói đó là quan điểm của tôi và quan điểm của tôi là đúng cho tôi, có thể không đúng với các bạn ấy bởi vì mỗi người hướng đến một giá trị khác nhau và đương nhiên các fan của họ chỉ trích tôi bởi vì họ không hiểu.

- Sự chỉ trích đó có khiến Tùng Dương sốc không?

Tùng Dương: Tôi không sốc. Nếu tôi sốc thì tôi đã không bao giờ phát ngôn như vậy, tôi phát ngôn bằng cái tâm của mình. Tôi muốn dù bạn ở trường phái nào và giá trị bạn hướng đến số đông hay số ít thì giá trị bạn làm vẫn là tích cực, nó là một chỉnh thể riêng biệt của chính bạn chứ không phải là một chỉnh thể sao chép của ai đó. Lai căng, sao chép làm mất đi bản sắc cá nhân của chính mình, của đất nước mình thì tôi không đánh giá cao điều đó.

- Anh nghĩ thế nào về những cỗ máy tạo hit thời gian gần đây? Mọi người nghĩ rằng đấy mới chính là bộ mặt của đời sống âm nhạc.

Tùng Dương: Bộ mặt bề nổi thì tôi đồng ý chứ không phải bao quát hết và không phải là tất cả. Đã là cỗ máy thì nó hướng đến thời trang, nó hướng tới những sự nhất thời. Có những bài hát hay trong vòng 1 đến 2 năm nhưng nghe nhiều quá nó cũng nhàm, và sau này biểu diễn nhiều quá cũng sẽ bị cũ ngay, và có những bài hát mới lên ngôi luôn.

Vậy tại sao có những bài hát mà 5 đến 15 năm chúng ta hát vẫn thấy nó hay, vẫn là một giá trị đẹp. Tại sao âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Tùng lớp trẻ bây giờ vẫn cứ hát như Giọt sương trên mí mắt, Một mình, Giọt nắng bên thềm… vẫn là những bài hát để khoe được giọng, nó có tính nhạc, có cảm xúc rõ ràng và nghe được lâu.

Đã là cỗ máy thì chúng ta phải hướng đến tính thị trường, thương mại của nó, làm sao cỗ máy đó trong 1 thời gian ngắn cần phải lập trình sẵn để tạo ra bài hit, không có bài hit là tên tuổi sẽ chìm, các bạn trẻ bây giờ thường là như thế. Hay là trào lưu MV, chẳng cần ra album, cũng chẳng cần liveshow, họ cứ ra MV, xong họ đi tour phòng trà, đấy là cách thức của các bạn trẻ đang làm bây giờ.

Nhưng nói chung những sáng tạo nghệ thuật thì đều được khuyến khích chỉ có điều những sản phẩm ấy có thực sự hay không, có là đột phá về nghệ thuật không hay nó chỉ là “mì ăn liền” thôi thì câu trả lời, sự hồi âm của khán giả, sự lưu tâm trong đầu của khán giả dành cho họ là câu trả lời. Có bao nhiêu bài hát nhớ được giai điệu?

- Tùng Dương vừa nhắc đến tính thương mại, công nghệ để những ca sĩ nổi tiếng. Có vẻ Tùng Dương không bị áp lực về việc phải làm thương mại?

Tùng Dương: “Kinh doanh âm nhạc” khá quan trọng để chúng ta giải quyết khâu tiêu thụ, chúng ta đầu tư mà không tiêu thụ được thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công sức của chúng ta làm.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, nếu đặt thương mại lên hàng đầu thì đó không phải là lựa chọn hàng đầu của tôi. Ai cũng cần tài chính nhưng con đường Tùng Dương đi có lẽ hướng về nghệ thuật nhiều hơn.

- Nếu bản thân Tùng Dương được lựa chọn giữa việc trở thành gương mặt quảng cáo, xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, trên xe bus, trên báo và làm những chương trình nghệ thuật thì Tùng Dương sẽ chọn điều gì?

Tùng Dương: Tôi đâu có được lựa chọn đâu, tôi đâu sống lần hai để được lựa chọn, tôi chỉ sống 1 lần duy nhất và tất cả những gì tôi làm đã là câu trả lời rồi. Thực ra tôi cũng không phải là người suy nghĩ cực đoan, chỉ chăm chăm những cái mình thích mà tôi vẫn luôn luôn lắng nghe, cũng chính là việc tôi muốn các bạn trẻ lắng nghe mình.

Lắng nghe những mong mỏi của khán giả dành cho mình, thành ra mình vẫn có những đêm nhạc hát tình ca nhưng tôi vẫn chọn lọc để những bài hát tình ca ấy là những bài hát thực sự hay và phù hợp với mình.

Có những lúc tôi vẫn hát Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9, Phú Quang và cả Trịnh Công Sơn. Tôi vẫn hát và được công chúng yêu mến, chấp nhận dòng âm nhạc đó. Tuy nhiên dòng âm nhạc đó vẫn chỉ có một giá trị nhất định, tức là mình gìn giữ, bảo tồn những giá trị bất hủ, còn giá trị về mặt sáng tạo thì ít hơn bởi vì đó là ca khúc cũ, chỉ có qua cách thể hiện của mình có mới hay không, qua cách làm mới như thế nào còn đó không phải là giá trị mới hoàn toàn, sứ mệnh của mình vẫn phải là những giá trị mới.

Với giải Cống hiến, ít nhất là tôi đã được mọi người công nhận về sự liên tục bền bỉ, đam mê với dòng âm nhạc của tôi, chứ nếu tôi chỉ chú ý đến thương mại, lợi nhuận thì tôi có rất nhiều đối thủ cạnh tranh.

- Sứ mệnh sáng tạo như anh vừa nói là tự bản thân Tùng Dương đặt ra cho mình?

Tùng Dương: Tôi không gọi đó là áp lực, đó chỉ là quan niệm của tôi, nhân sinh quan của tôi về cuộc đời. Cực đoan đã nằm trong bản thể của mình rồi.

Quan trọng nhất, tôi ý thức được rằng sứ mệnh của tôi là như vậy chứ không phải là tự áp đặt mình như thế. Tôi không tin vào số mệnh mà tôi tin vào sứ mệnh.

Còn áp lực thì cuộc sống của chúng ta luôn có áp lực, áp lực vô hình, hữu hình, những áp lực về cuộc sống, về gia đình, chuyện riêng tư, về tình yêu, mọi mặt của đời sống, chúng ta phải chấp nhận những áp lực ấy vì chúng ta là một thực thể. Còn sứ mệnh chúng ta đang mang vác nó với sự quyết liệt…

- Câu hỏi hơi riêng tư, tôi cảm thấy mấy năm trở lại đây Tùng Dương cũng đã thay đổi rất nhiều. Trước kia Dương luôn giấu kín chuyện vợ con, bây giờ trên trang cá nhân “ông bố bỉm sữa” cũng không giấu việc đêm phải pha sữa cho con, thậm chí hôm còn phải đưa con đi học, đón con về đúng giờ. Anh có thể chia sẻ thêm về gia đình, về con cái?

Tùng Dương: Thực sự khi có con rồi mới hiểu được sứ mệnh người làm cha, không phải chỉ có sứ mệnh công việc, con người có rất nhiều sứ mệnh, sứ mệnh làm chồng, làm cha, làm con, sứ mệnh làm chủ cuộc đời của mình, sứ mệnh nghề nghiệp. Và sứ mệnh thiêng liêng nhất là sứ mệnh vừa làm con, vừa làm cha để chúng ta hiểu được giá trị đồng lần của gia đình, chúng ta hiểu được tình cha mẹ như thế nào để có những suy nghĩ nhân văn hơn trong cuộc sống này.

Khi bạn có gia đình, có con cái thì bạn sẽ thay đổi, bạn sẽ bớt tính vị kỷ đi và lúc đó nghĩ cho gia đình nhiều hơn, luôn nghĩ phải làm thế nào để làm chỗ dựa vững chắc cho người thân, kiếm ra tiền để cuộc sống đầy đủ hơn, không bị thiếu thốn vật chất. Tôi nghĩ đó là quy luật khi tình yêu của họ chuyển hóa sang ý nghĩa khác, là những người bạn tâm giao, tri kỷ, nghĩa vợ chồng…

Nếu là những người biết nghĩ, biết sống, dám sống, phải có sự hi sinh nhất định. Khi nào dám sống, dám nghĩ cho người khác, giảm thiểu cái tôi mà không sợ sự thiệt thòi… có nghĩa là họ đã hòa nhập cuộc sống gia đình.

 

- Tùng Dương lấy người phụ nữ đã có gia đình, có con gái riêng. Có thể hiểu đó là sự hi sinh không?

Tùng Dương: Tùng Dương nghĩ đó không đơn thuần là sự hi sinh hay chịu thiệt thòi. Tùng Dương tin vào số mệnh tình yêu và khi tình yêu đến rồi thì bạn không lựa chọn được đâu, nó đã lựa chọn bạn rồi.

Tôi nghĩ tình yêu luôn xuất phát từ tấm lòng mình, từ nội lực, sâu thẳm chứ không phải sự bắt ép. Làm cha dượng không khó, chỉ cần bạn có tấm lòng thực sự, có sự chia sẻ, công bằng công tâm, đó là người văn minh. Không có sự phân biệt giữa con đẻ và con riêng, con cái chúng không khó nhận ra bạn có thực sự yêu chúng hay không…

Tôi tự thấy mình cần là điểm tựa của gia đình về tinh thần. Voi ra đời là bước ngoặt, nhưng không làm thay đổi cá tính trong âm nhạc và cuộc sống. Đó là cá tính ưa vận động động không ngừng nghỉ.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

THU HẰNG (thực hiện)

 Ảnh: Tang Tang - Hòa Nguyễn

 Trình bày: Nguyễn Quốc Hưng