(Thethaovanhoa.vn) - Đến bây giờ, báo chí Italy vẫn kể một câu chuyện liên quan đến Kaka, rằng, Luciano Moggi, ông trùm chuyển nhượng đầy quyền lực của Juve đã từ chối không muốn Kaka về Juventus chỉ vì một lẽ duy nhất: Kaka, biệt danh của Ricardo Izecson dos Santos Leite, phiên âm gần giống chữ “cacca” (trong tiếng Ý, từ này có nghĩa là “cục phân”).
Nhưng thực ra, chính anh là một mỏ vàng lớn cho Milan và bóng đá Ý, và chính là một trong những người đã tạo ra sự khác biệt lớn giữa Milan và Juve trong những năm anh khoác lên mình màu áo đỏ-đen: những danh hiệu Châu Âu và thế giới.
MỎ VÀNG CỦA MILAN VÀ CALCIO
Chỉ cần đọc lại những gì mà báo chí Italy viết về Kaka trong những ngày đầu tiên đến Milan vào tháng 10/2003 là hiểu điều gì đã xảy ra. Kênh RAI Sport đã mô tả Kaka trong lần đầu tiên có mặt trên khán đài San Siro, với đôi kính rất trí thức trên mặt, là “Harry Potter”, đồng thời nói rằng, tiền vệ trẻ người Brazil rất ngoan đạo, rất hiền lành, không đi sàn nhảy, không scandal, luôn chung tình, tóm lại rất khác với đa phần những cầu thủ đến từ xứ sở Samba. Thời điểm ấy, anh vừa rời Sao Paulo để sang Italy, và để có được anh, Milan đã mất khá nhiều thời gian để theo dõi và thương lượng với đội bóng Brazil. Sau này, Ariedo Braida, chuyên gia chuyển nhượng hàng đầu của Milan, kể lại rằng, Milan chỉ có thể thuyết phục được Kaka đến San Siro sau khi liên tục nhờ chính những người đồng hương của anh đang chơi ở Milan lên tiếng mời anh về. Họ là ai vào lúc đó? Binh đoàn Brazil của Milan lúc đó khá đông, có thủ môn Dida, hậu vệ Cafu, các tiền vệ Serginho và Rivaldo.
Thế rồi, như một vụ Big Bang, tên của Kaka xuất hiện trên trang nhất của tất cả các nhật báo thể thao Italy cũng như các kênh truyền hình ở đất nước hình chiếc ủng cũng như chính Brazil sau trận ra mắt thành công tuyệt vời của anh: trận derby chiến thắng Inter 3-1 ngày 5/10/2003. Ở trận ấy, để lấy chỗ cho Kaka đá chính, khi đó mới 21 tuổi, Ancelotti đã không ngần ngại đẩy lên ghế dự bị Rui Costa, người giữ chiếc áo số 10 và trước khi Kaka đến vẫn là một cầu thủ siêu quan trọng trong đội hình Milan mùa trước đó, đồng thời đẩy nốt lên khán đài cả Rivaldo, Quả bóng Vàng 1999, người mà Berlusconi đưa về để tăng cường cho bộ sưu tập siêu sao thế giới của ông ở Milan. Đêm derby, Kaka đã ghi một bàn thắng và sau đó đưa tay lên trái tim, nở nụ cười rạng rỡ như của một đứa trẻ với gương mặt thiên thần, và tạo điều kiện để Inzaghi ghi một bàn thắng khác. Ít ai biết rằng, bàn thắng ấy sẽ mở đầu cho một serie các bàn thắng khác vào lưới Inter trong những năm ấy, đẩy đội bóng cùng thành phố vào không ít những thất bại đau đớn. Nụ cười ấy sẽ mãi mãi được các milanista ghi nhớ như một trong những hình ảnh đẹp nhất của những năm tháng chiến thắng cùng Ancelotti.
Những lời ca ngợi sau đó đã vang lên tới tấp. Có người ví rằng, cách di chuyển của anh rất giống với Van Basten (dù vị trí của họ hoàn toàn khác nhau), có người bảo anh có nhãn quan chiến thuật giống Boban, người lại nói anh là một Rivera (“cậu bé vàng”) mới của Milan. Có cả những lời so sánh anh với những thiên tài tấn công và kiến tạo người Pháp là Platini và Zidane. Sau trận đấu đầu tiên ấy, Berlusconi đã mô tả Kaka là “một tài năng”, Ancelotti nói anh là “cầu thủ toàn diện”, còn đồng đội Shevchenko thì bảo, nhờ có Kaka, mà Milan “chơi nhanh hơn”. Thời gian đã cho thấy, anh có đủ tài năng và đẳng cấp để không cần được so sánh với bất cứ ai đó, bởi Kaka là Kaka, là một, là riêng, là duy nhất, là người từ chỗ được báo chí so sánh với những huyền thoại khác đã trở thành Kaka, thành số 22 huyền thoại của Kaka, người đã luôn giơ hai cánh tay lên trời và môi nở nụ cười sau mỗi bàn thắng, đã luôn mặc chiếc áo lót bên trong có dòng chữ “I belong to Jesus” (Tôi thuộc về Chúa), đã đi qua đối phương với tốc độ như một cơn cuồng phong và rất thích sút tung lưới họ bằng những cú sút xa cháy lưới từ cự ly 25 đến 30 mét. Cả Milan, Serie A, rồi Champions League dưới chân anh, người chinh phục và đi săn những danh hiệu.
CUỘC CHIA LY ĐÃ HẸN TRƯỚC
14 năm đã trôi qua kể từ ngày anh chơi trận đầu tiên cho Milan, 10 năm chính xác đã qua kể từ ngày anh đoạt Quả bóng Vàng 2007, cũng chính là người cuối cùng đoạt danh hiệu này trước kỷ nguyên thống trị của bộ đôi Ronaldo-Messi, những hình ảnh về anh ngày ấy và những năm sau nữa, chiến thắng cùng Milan, vẫn luôn sống động. Anh đã chơi bên cạnh những người hay nhất thế giới vào thời điểm đó, đã có mặt trong đội hình Brazil đầy sao cho những World Cup, và đã ghi những bàn thắng để đời sau những cú sút chân trái nhanh và hiểm. Sẽ không ai quên cái cách anh đã cùng Milan đoạt Scudetto tuyệt đẹp 2004, mùa giải đầu tiên của anh ở Serie A, cũng như 10 bàn thắng trong mùa 2006/2007 để đưa Milan lên đỉnh vinh quang, với chức vô địch Champions League mùa ấy. Mà Milan mùa đó là một đội bóng bị tổn thương vì vụ Calciopoli, bị trừ 8 điểm khi khởi đầu ở Serie A, nhưng lại bùng nổ đầy nghị lực và mạnh mẽ ở Cúp Châu Âu, nhờ Kaka. 10 năm sau, khi tuyên bố giải nghệ và nhìn lại những năm tháng ấy, Kaka bảo rằng, anh tin rằng, đấy là những năm tháng đẹp nhất cuộc đời anh. Các fan có lẽ cũng nghĩ như thế. Chỉ có điều, họ không thể nghĩ được rằng, đấy cũng là thời điểm bắt đầu cho một cuộc chia ly, chỉ 4 năm sau khi Kaka đến San Siro.
Tháng 12/2007, sau khi giơ cao Quả bóng Vàng và tuyên bố muốn trở thành một thần tượng ở San Siro như Paolo Maldini, anh cũng khẳng định rằng, những lời đồn đại về tương lai của anh không hề có căn cứ. “Tôi muốn ở lại Milan lâu dài”, anh nói trên tạp chí France Football. Những đồn đại ấy thực ra đã xuất phát từ sau khi Kaka đưa Milan đến chiến thắng Liverpool trong trận chung kết Champions League ở Athens nửa năm trước đó. Báo chí Tây Ban Nha tuyên bố rằng Kaka đòi Berlusconi cho anh sang Real Madrid, điều mà sau đó, Milan phủ nhận nhưng Kaka không hề lên tiếng nói điều gì. Điều gì đã xảy ra khi ấy chúng ta không được biết một cách chi tiết, nhưng sau này, báo chí Brazil tiết lộ rằng, đã có một yêu cầu như thế từ chính Kaka (mà đứng đằng sau là cha anh, người giật dây), nhằm đạt được hai mục tiêu: gia hạn hợp đồng và tăng lương gấp đôi cho anh, sau đó rộng đường cho anh tới Tây Ban Nha, một khi cứ mỗi năm, gia đình Kaka lại gây sức ép với Milan bằng cách tung ra các tin đồn cho báo chí Madrid. Sự sa sút của Milan những năm sau đó càng thúc đẩy Kaka rời San Siro. Anh luôn nói về tình yêu của mình với đội bóng áo đỏ-đen, nhưng anh cũng không chắc chắn rằng đội bóng sẽ đi trở lại đỉnh cao nữa. Câu chuyện dài về việc Milan buộc phải bán anh sang Man City khi họ đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về tài chính, nhưng thương vụ không thành, đã trở thành một cơ hội để Kaka giơ chiếc áo số 22 ở trụ sở Milan trên đường Turati, với cánh tay chạm vào tim. Thực chất, hành động ấy không xuất phát từ tình yêu đích thực. Thương vụ không thành vì Kaka không muốn sang Anh. Anh đã chọn Real Madrid từ trước đó. Và rồi anh toại nguyện vào mùa hè 2009, vài tháng sau khi anh làm đổ thương vụ Milan-Man City.
Những gì xảy ra sau đó ở Bernabeu ta đã biết. Nhiều người nói rằng, rời San Siro sang Tây Ban Nha là một sai lầm lớn của Kaka, khi anh chỉ còn lóe sáng một cách ít ỏi và là một bản sao mờ nhạt của chính anh trong màu áo Milan. Thật ra, rất khó có thể trách một ai đó, khi người ta có tham vọng bước lên những đỉnh cao hơn nữa, ở một đội bóng có thể cho anh ta nhiều hơn là một Milan đang trên đường suy tàn, đang thâm hụt ngân sách và rất khó có thể trở lại vinh quang như trước. Nhưng sự khác biệt có thể thấy rất rõ. Ở Milan, anh là một thủ lĩnh, là một trong số những ngôi sao sáng nhất, là một biểu tượng, là người không thể bị đụng tới. Nhưng ở Real Madrid, anh chỉ là một trong số rất nhiều những ngôi sao của đội, và thực ra là người không có chỗ đứng, khi ở đó đã có một ngôi sao trẻ sáng chói đang nổi lên và rồi cũng sẽ trở thành số 1 thế giới, Cristiano Ronaldo. Real Madrid cần anh, đương nhiên, nhưng là một Kaka khỏe mạnh chứ không phải Kaka thường xuyên chấn thương kể từ đến Bernabeu. Báo chí Tây Ban Nha có lần đã lên tiếng chỉ trích Milan đã bán cho họ một cầu thủ được làm bằng thủy tinh, điều mà báo chí Italy sau đó đã phản bác, nhưng có một điều mà ít ai nhận ra, rằng đằng sau những chấn thương hồi phục chậm ấy có cả stress. Kaka không thiếu tiền ở Madrid, nhưng anh không còn hạnh phúc như ở Milan.
VẬT VÃ ĐI TÌM MÌNH
Niềm hạnh phúc ấy thật ra không thể nào tìm thấy nữa, kể cả anh trở lại Milan theo hợp đồng cho mượn trong một mùa giải. Trở lại San Siro, anh đeo băng đội trưởng và đạt mốc quan trọng 100 bàn cho Milan ở mùa 2013/2014. Nhưng mùa ấy là một mùa bóng thảm họa, khi chứng kiến Allegri bị sa thải, đội bóng liên tục thất bại, và quanh anh không còn những đồng đội ngày xưa từng cùng anh chiến đấu và chiến thắng. Không có Maldini, không Shevchenko, không Inzaghi, không ai hết, xung quanh anh chỉ toàn những cái tên làng nhàng. Kaka ghi 7 bàn trong 30 trận mùa ấy, nhưng thế là không đủ, như cánh én nhỏ cô độc trước những cơn bão. Và rồi anh lại ra đi, khi nhận ra rằng, thực ra anh không còn là Kaka của ngày trước và Milan cũng chỉ còn là cái tên. Anh không quay về Bernabeu, mà trở lại Sao Paulo một mùa bóng, cũng lại là một sai lầm không nhỏ. Người ta không thể tìm lại bản thân ở quá khứ, không thể nương mình vào đó để trở lại là chính mình, bởi quá khứ đã quá xa rồi. Hình ảnh của anh cũng rạn vỡ không chỉ trên sân cỏ mà còn trong đời thực. Anh chia tay với người vợ xinh đẹp Carolina Celico vào năm 2015, kết thúc 10 năm chung sống. Họ đã từng là một trong những cặp đôi đẹp nhất, lãng mạn và chung thủy nhất của làng bóng đá thế giới. Nhưng khi Kaka không còn là chính anh, không tìm lại được bản thân, anh không khác một tấm gương đã vỡ, không thể lành lại.
Sang Mỹ, nơi duy nhất có thể đáp ứng mức lương cao ngất ngưởng của anh, là một canh bạc. Ở đó, anh vẫn tiếp tục chinh phục các khán giả của mình bằng những bàn thắng và bao chiến thắng. Nhưng báo chí Brazil viết rằng, anh không tìm thấy niềm vui ở đó. Nước Mỹ không phải là nơi mà một người như Kaka có thể thấy lại được những gì anh không thể có lại được nữa. Anh chơi trận cuối cùng cho DC Orlando vào tháng 10 vừa rồi, buồn bã và mệt mỏi, trước khi chính thức tuyên bố giã từ sân cỏ bằng một twitt trên mạng xã hội, bằng một thông điệp gửi đến Chúa, nói đã chuẩn bị cho một hành trình khác, mà niệm ra giống như là việc kết thúc cuộc sống hiện tại để bắt đầu một cuộc sống khác. Hành trình đi tìm chính mình của chàng trai có gương mặt thiên thần đã kết thúc, 10 năm sau khi lên đỉnh cao chói lọi năm 2007, để rồi từ đó cứ dần dần rơi xuống mãi và không thể tìm lại được những niềm vui đã mất. Kaka bây giờ vẫn còn những nét đẹp và thánh thiện của ngày đó trên khuôn mặt đã già hơn, nhiều râu hơn. Anh chờ đợi một cuộc phiêu lưu mới không phải trên sân cỏ, và anh đang cân nhắc một đề nghị từ Milan. Phải, trở lại ngôi nhà xưa là điều anh có thể làm. Ở đó, người ta vẫn yêu anh, bất kể anh đã từng phản bội họ.
2017 này đã chứng kiến những huyền thoại của calcio ra đi. Totti chính thức giã từ sân cỏ ở tuổi 41, để lại rất nhiều thổn thức trong các tifosi. Pirlo ra đi một cách nhẹ nhàng hơn, vì trên thực tế, ngày anh rời Juventus năm 2015 sau trận chung kết Champions League thất bại và trong nước mắt, có thể được coi là một cách giã từ. Và bây giờ, đến lượt Kaka, ở tuổi 35. Giống như những cái chết đến một cách từ từ nhưng không thể cưỡng lại, người hâm mộ calcio đau buồn và bất lực chứng kiến các ngôi sao đã đem đến bao giấc mơ và hoài bão cho họ chia tay. Nhưng biết làm sao được, bởi không gì thắng được thời gian, và ngay cả khi thời gian vẫn ủng hộ họ ra sân, như Pirlo hay Kaka, những người vẫn còn sức để đá trên đất Mỹ, thì bản thân sự mệt mỏi trong tâm hồn khiến họ không còn muốn ra sân nữa. Họ từ giã sân cỏ khi không còn thấy được niềm đam mê với trái bóng trong chân.
Tạm biệt Kaka, tạm biệt thiên thần, người đã từng thực hiện những cú “trượt tuyết” từ nửa sân đến tận khung thành đối phương, trước khi hạ gục thủ thành. Và từ ấy, anh “trượt tuyết” luôn vào trái tim của hàng triệu người chúng ta....
Anh Ngọc