NHÌN KÌA, PIRLO CHUYỀN BÓNG MÀ KHÔNG THÈM MỞ MẮT!
(Thethaovanhoa.vn) - Sự nghiệp của chàng trai lúc nào cũng có mái tóc bờm xờm, đôi mắt ngơ ngác và những năm sau này có thêm bộ râu rậm, đã kết thúc như một nốt trầm và ít tiếng vang, trên một sân vận động vắng đến một nửa, trong một trận đấu mà đội bóng của anh chiến thắng, nhưng là một thắng lợi vô ích. Đấy là buổi chia tay của Andrea Pirlo, một trong những tên tuổi lớn nhất của bóng đá hiện đại.
Buổi chia tay ấy thực ra chẳng có gì hết. Không sâm banh, không cờ hoa, không đèn flash hay những lời có cánh từ các đồng đội. Mà bản thân Pirlo cũng chơi trận cuối cùng trong sự nghiệp dài và đầy vinh quang cũng như thăng trầm của mình mà hầu như cũng không chạm bóng bất cứ lần nào. Bởi Pirlo chỉ được đưa vào sân ở phút 90 trong trận đấu của New York City, khi trận đấu đã an bài và kết quả không đủ để tránh việc bị loại khỏi loạt play-off. Anh vào sân để thay cho hậu vệ người Costa Rica Ronald Matarrita và rốt cuộc, anh chỉ được đá vài phút.
BUỔI CHIA TAY KHÔNG NƯỚC MẮT
Nhưng trong vài phút ấy, người ta hô vang tên anh, cám ơn anh. Và khi tiếng còi cuối cùng của trận đấu cất lên, anh giơ hai cánh tay chào tất cả, mặt không biểu lộ một cảm xúc nào. Anh ôm những người đồng đội ở đội bóng Mỹ, anh tạm biệt những ngôi sao từng một thời là đối thủ của anh trên đất Châu Âu như David Villa. Những cảm xúc đã được giấu vào trong đôi mắt lạnh lùng không thể hiện bất cứ điều gì hết, để lại phía sau một sự nghiệp dài hơn 20 năm không thiếu vinh quang và trắc trở.
Marcello Lippi từng có lần bảo, Pirlo “nói bằng đôi chân”. Các tifosi đều hiểu điều ấy, vì đúng là anh nói trước micro rất ít, lên báo lại càng ít, còn cuộc sống bên ngoài sân cỏ của anh thì lại không mấy ồn ào cho dư luận thấy, dù chắc chắn nó cũng không ít sóng gió. Nhưng anh đã không khóc trong ngày chia tay sân cỏ, dù hàng triệu cổ động viên đã ngậm ngùi và có thể cũng đã rơi nước mắt khi nghe tin anh giã từ. Anh không chỉ đơn giản là một cái tên. Anh là rất nhiều đối với họ.
Pirlo chỉ khóc trên sân cỏ hai lần, khóc dữ dội, một lần là vì hạnh phúc và lần kia là vì đau đớn trong thất bại. Anh rơi nước mắt ở cùng một nơi: Berlin. Đấy là sân Olimpiastadion, ngay sau khi loạt luân lưu hạ đội Pháp ở chung kết World Cup 2006 đưa đội Ý tới chiếc Cúp vàng thế giới, và ngay sau khi tiếng còi kết thúc trận chung kết Champions League 2015 vang lên.
Anh khóc vì chiến thắng trên tầm thế giới, nhưng ở đấy 9 năm sau, anh cũng khóc vì hiểu rằng, trận thua Barcelona ấy chính là sự kết thúc hành trình sự nghiệp của mình trên sân cỏ Châu Âu, trong màu áo Juve. Chỉ có những người dũng cảm và bản lĩnh mới có thể nói lời chia tay khi mà người ta vẫn cần có anh, vẫn yêu anh, vẫn muốn anh ở lại. Nhưng thực ra, người ta chỉ rời bỏ nước Ý và Châu Âu khi không còn ham muốn đỉnh cao nữa. Anh cảm thấy như thế là quá đủ. Nước Mỹ trở thành nơi mà anh tìm lại mình và cho mình một cuộc sống mới, một gia đình mới sau khi đoạn tuyệt với những chân trời cũ, những kỷ niệm cũ, cuộc hôn nhân cũ.
Có thể nói thế nào về hai năm ở New York City của anh nhỉ? Một con số 0 tròn trĩnh. Cụ thể hơn, chỉ 1 bàn thắng, rất nhiều lần phải ngồi ghế dự bị và phải sống với một cái đầu gối từ lâu đã không để cho anh yên. Nhưng đấy là nơi anh có được sự bình yên. Bình yên theo mọi cách khi ra đường, khi đi xem bóng bầu dục, khi đi xem hát. Không ai làm phiền anh cả. Anh thích thế, dù ở đây lương anh không hề cao như hồi còn ở Ý.
Kể cả khi anh tuyên bố giã từ sân cỏ, ở Mỹ cũng chẳng mấy người quan tâm. Nhưng thế giới bóng đá ở những phần còn lại của thế giới thì nức nở. Những người đồng đội cũ, những chiến binh cùng anh vô địch năm 2006 và bao người hâm mộ gọi anh là “Maestro” (Bậc thầy). Có thể anh không phải là người được yêu mến theo kiểu cuồng nhiệt và được giới truyền thông tung hô một cách mạnh mẽ, nhưng tôi tin là anh rất được ngưỡng mộ vì những gì anh đã làm cho calcio và bóng đá thế giới. Cũng có thể, biết đâu đấy, một lúc nào đó, những thế hệ tiếp sau chúng ta cũng sẽ không biết đến anh, khi bóng đá thế giới bây giờ chỉ nhớ nhiều đến những ai đã ghi bàn thắng, càng nhiều càng tốt.
Pirlo không thế. Anh không phải là một tiền đạo, nhưng anh cũng ghi bàn, và rất nhiều bàn thắng của anh từ các pha đá phạt đều có thể coi là những tuyệt tác với các đường cong tinh tế như những nét cọ của Leonardo da Vinci. Dù là dưới cơn mưa, trên những sân ngập tuyết, trong những đêm giá lạnh, những đường bóng từ các quả đá phạt cong qua hàng rào và rồi chúc xuống đúng chỗ nó cần phải rơi xuống.
Anh sinh ra trong một thời điểm không hợp lý, một thời kỳ mà nước Ý có quá nhiều số 10 xuất chúng đang chơi bóng, từ Totti đến Roberto Baggio, thời kỳ mà bóng đá trở nên nhanh hơn, dữ dội và ít chạm hơn, pressing mạnh hơn và hàng thủ dâng cao hơn. Sự dữ dội đến chủ yếu ở hàng tiền vệ, nơi người ta chuộng những đấu sĩ có khả năng tranh chấp và phá hủy lối chơi đối phương. Pirlo kĩ thuật, nhưng không nhanh và thường sử dụng nhiều chạm, điều tối kỵ với thứ bóng đá ấy.
Video câu chuyện về Andrea Pirlo qua góc nhìn của nhà báo Anh Ngọc:
SỐ 10 Ở TUYẾN SAU
Nhưng ở Brescia, người thầy Carlo Mazzone, vốn đã có một số 10 thực thụ là Baggio, vì muốn dùng cả Pirlo nữa vì hiểu nhãn quan chiến thuật của anh là cực tốt, đã kéo anh xuống phía dưới. Và ở Milan, sau một mùa sử dụng anh như một tiền vệ phòng ngự, đứng trước nguy cơ thừa thãi các số 10 khi đã có cùng lúc những Rui Costa, Seedorf và sau này có thêm Kaka, Ancelotti đã kéo anh xuống sâu hơn nữa, ở giữa hàng tiền vệ và hậu vệ.
Thế là vị trí độc nhất vô nhị kiểu Pirlo đã ra đời như thế. Milan và đội tuyển Ý đã hồi sinh như thế, với vị trí ấy... Cho đến giờ, nhiều Milanista vẫn hậm hực về chuyện tại sao anh lại rời San Siro để đến Juve. Câu trả lời thật đơn giản: Milan lúc ấy đã có Ibra, còn lớn hơn cả một số 10, một người có ảnh hưởng lớn lao đến toàn đội không chỉ ở việc bóng dồn hết cho anh. Một lí do nữa: HLV Allegri lúc ấy thích dùng Van Bommel (đấy không phải là một nghệ sĩ, chắc chắn rồi) hơn là Pirlo. Phần còn lại chúng ta đã biết cả rồi.
Sự khác biệt mà Pirlo đã tạo ra cho bóng đá chính là những năm anh chơi ở Milan và Juve. Ở hai đội bóng ấy, có rất nhiều tiền đạo giỏi, không thiếu những số 10 xuất sắc, nhưng chỉ có một Pirlo, người luôn chơi gần các tiền vệ, người hỗ trợ họ mỗi khi họ bế tắc, người tung ra những đường chuyền ngắn và trung bình nhằm điều chỉnh nhịp độ trận đấu, người có thể bất ngờ thực hiện một đường chuyền dài phá bẫy việt vị để tiền đạo đội mình băng xuống đối mặt với thủ môn đối phương. Ai đó từng bảo, “nhìn kìa, Pirlo chuyền bóng mà không thèm mở mắt”.
Quả thật là thế. Một pha quay chậm lại bàn thắng từ loạt luân lưu mà anh thực hiện trong trận tứ kết EURO 2012 vào lưới đội Anh cho thấy, thậm chí anh không thèm ngẩng mặt lên. Đấy là một cú xúc thìa tuyệt hảo. Mà những pha xử lí như thế thì Pirlo không hề thiếu. Trái bóng là đồ đệ trung thành của anh, và anh có thể phái nó đến đâu anh muốn. Sân cỏ là ngôi nhà của anh, nơi anh thể hiện tất cả mọi khả năng bóng đá. Bây giờ, ngôi nhà đó không còn là anh cảm thấy vui vẻ nữa. Anh đã mỏi mệt và không còn hứng thú với nó nữa. Anh muốn gần gũi hơn với gia đình nhỏ và mới mẻ của mình (anh vừa có hai chúc nhóc sinh đôi với người bạn gái Valentina)...
VĨ THANH
Trong cái năm mà Totti đã ra đi, giờ lại thêm Pirlo, bóng đá Ý và thế giới mất đi những nghệ sĩ, những người truyền cảm hứng lớn lao cho những người yêu trái bóng. Lứa cầu thủ đem vinh quang đến cho nước Ý năm 2006 đã tan đàn xẻ nghé hết và bây giờ chỉ còn mỗi Gigi Buffon là chưa buông vũ khí.
Thế mà Gigi đáng yêu cũng đã 39 tuổi, đã trải qua tất cả, đã cười ở Berlin năm 2006 và đã khóc 10 năm sau đó, khi Italy thua Đức ở Bordeaux tại EURO. Anh chưa nói đến ngày chia tay, có lẽ vì còn rất khao khát làm một điều gì đó nữa với Juve và với đội Thiên Thanh, một phần cũng có thể anh thấy trách nhiệm dẫn đường thủ lĩnh của mình còn rất nặng nề. Anh thì đã có người kế cận, còn Pirlo thì chưa (đừng bao giờ nói Verratti là truyền nhân của Pirlo. Anh là duy nhất ở vị trí ấy. Vị trí ấy sinh ra là để cho anh).
Nhưng khác với Buffon, với Pirlo thì tất cả đã khép lại rồi, trên thực tế từ 2 năm trước, khi anh rời nước Ý, với những giọt nước mắt trên má, sau đêm Berlin thất bại.
Anh Ngọc