“Món cá rán sông Hằng là số một trần gian. Ta có thể ngày ba bữa ăn món cá rán ấy mà không biết chán”. Tiểu thuyết Đức Phật, nữ chúa và điệp viên (NXB Trẻ, 2022) của Hồ Anh Thái bắt đầu như thế. Từ một hình ảnh tầm thường, với khát vọng ăn uống “phàm phu” và dục vọng đời thường, độc giả sẽ bước vào không gian kỳ lạ, uyên áo của xứ Ấn Độ.
Người nói ra câu ở trên là một nhà sư. Y đang tạm bỏ bộ cà sa, khoác lên mình tấm áo thương nhân thòm thèm món cá rán. Nhưng quái lạ hơn nữa, y không phải nhà sư, cũng chẳng phải thương nhân, mà là điệp viên của triều đình cài cắm vào tăng đoàn của Đức Phật.
Hư hư thực thực
Như đang chơi trò búp bê Nga, cứ bóc ra một lớp thì lại có một búp bê khác ở bên trong, nhân vật trong Đức Phật, nữ chúa và điệp viên được bao phủ bởi những lốt áo, mỗi lốt áo là một nhân dạng, hư hư thực thực và ai biết chắc bản diện nào đang làm chủ bản diện nào.
Giống gã điệp viên đóng giả nhà sư, có lúc nào trên đường “hành đạo” cũng quên cái thân phận điệp viên mà tưởng mình là nhà sư thật? Và nữ chúa, rồi bác sĩ Kirit cùng con gái của ông, liệu có lúc nào quên đâu là “bản lai diên mục” của mình, quên đi quá khứ, để sống một cuộc đời, một nhân diện mới.
Ngay từ cái tên, tiểu thuyết đã gợi nhắc đến một tiểu thuyết khác của Hồ Anh Thái, Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Tuy quyển mới có dung lượng khiêm tốn hơn, nhưng lại bao hàm nhiều nhân vật, nhiều cuộc đời. Ở đó, như đã nói, mỗi nhân vật lại tự khoác lên mình nhiều “lốt” giả trang khác với những mục đích riêng trong một Ấn Độ cổ đại của các tiểu vương, tướng cướp, giáo sĩ và Đức Phật.
Việc thể hiện góc nhìn riêng về hình tượng Đức Phật, với Hồ Anh Thái, dường như đã hoàn tất trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Đó là việc trả thánh nhân của một tôn giáo về lại con người lịch sử với những phiền muộn của một vị giáo chủ phải lãnh đạo tín đồ của mình trong buổi lập đạo. Khi mà những tranh cãi giữa các nhà sư trong tăng đoàn vẫn diễn ra, khi mà một niềm tin mới đang đối chọi lại với niềm tin cũ, khi mà những tư tưởng bình đẳng của Phật giáo va chạm với hệ thống đẳng cấp lâu đời của vùng đất Ấn Độ.
Đức Phật trong các sách này dường như mang tính biểu tượng cho sự dẫn dắt của vị lãnh tụ tinh thần trong thời buổi vô minh. Ở đó, các nhân vật ràng rịt trong tham ái, có tình yêu say đắm và hy sinh, có oán thù chồng chất oán thù, như vòng lẩn quẩn không lối thoát.
“Phật đang phiền lòng”
Trong Đức Phật, nữ chúa và điệp viên, khi lần đầu xuất hiện, Đức Phật được giới thiệu bằng câu: “Phật đang phiền lòng”. Nỗi ưu phiền của Đức Phật cũng thể hiện những ưu phiền của toàn tác phẩm, của những con người vĩnh viễn khát khao, nhưng vĩnh viễn bất hạnh và dở dang, như chính bức tranh mà cô gái/nữ chúa/sư nữ để lại trên mặt đất trước lúc lìa đời, với hình ảnh bồ đề, con voi trắng “gợi liên tưởng về sự đản sinh và tư tưởng của Phật”.
Sư nữ đã chết trên chính hình ảnh đó, sau một đời đau khổ, một đời dọc ngang như huyền thoại, để cuối cùng chịu quy thuận không phải bởi cường quyền, mà trước sự từ bi, buông bỏ của Phật pháp. Ngỡ tưởng như thế là khép lại ân oán. Nhưng cuộc đời nếu dễ dàng đến vậy hẳn đã không có nữ chúa, không có điệp viên, không có bạo quân và có lẽ cũng không cần mong cầu đến
Đức Phật.
Tiếp thuyết này như một sự liên kết với tập truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng kim tước của chính Hồ Anh Thái, với tất cả sự bất ổn của xã hội, bất bình đẳng, đức tin và mê tín. Như thể lục địa này bất biến trước thời gian, hoặc có thể nói ẩn dưới chiếc áo hiện đại, các cao ốc, sự phát triển công nghệ thông tin… thì Ấn Độ ngày nay vẫn vẹn như Ấn Độ thời Đức Phật tại thế.
- Nhà văn Hồ Anh Thái suy ngẫm về số phận những cuốn sách
- Nhà văn Hồ Anh Thái: Rung động sâu sắc với thân phận đàn bà
- Nhà văn Hồ Anh Thái: Tiếp tục viết từ ngoài biên giới
Như hình ảnh con rắn cắn vào đuôi mình, cái vòng lẩn quẩn của các nhân vật rồi sẽ dẫn họ đến kết thúc bất hạnh. Câu chuyện bắt đầu ở quán cá rán bên sông và kết thúc bằng lời hẹn của người cha với đứa con-gái-thuốc-độc của mình. “Bao giờ xong lần gặp gỡ với nhà vua rồi, con chỉ việc chạy ra quán cá này. Cha sẽ chờ con ở dưới bến sông này. Cha con ta sẽ trở về phố núi”.
Khi nói hứa hẹn như thế, ông thừa biết sau khi gặp nhà vua, đứa con gái sẽ không bao giờ trở lại để kịp ra tới bên sông. Câu chuyện kết thúc ở bến sông đó, bến sông hiện lên trong tâm tưởng của người cha.
Trong Phật giáo có hình ảnh “đáo bỉ ngạn” như một sự vượt thoát để tìm ra giác ngộ hoặc sự giải thoát. Ở Đức Phật, nữ chúa và điệp viên, đứa con gái thậm chí sẽ không ra được tới bờ sông chứ đừng nói hành trình gian nan sang bờ bên kia. Cái bến sông mà thiếu nữ không còn khả năng đến được đó như thể hành trình thoát khổ của con người, nhọc nhằn và nặng nề biết bao nhiêu.
Huỳnh Trọng Khang
Tags