“Patrick Modiano được coi là chuyên gia về Paris - với sự rành rẽ đáng kinh ngạc các đường phố, khu vực, lịch sử và con người. Hai chủ đề quan trọng trong các tác phẩm của Patrick Modiano: quá khứ, cụ thể là chiến tranh, cụ thể hơn nữa là Thế chiến thứ hai, trong mối quan hệ với người cha của mình - ông thường có câu chuyện đi xuyên thời gian về quãng thời gian chiến tranh; chủ đề quan trọng nữa là thân phận người Do Thái ở Pháp nói riêng và ở phương Tây nói chung.
Vì không theo học một cách bài bản nên tác phẩm của ông thường được coi là chứa đựng nhiều dẫn chiếu lạ, không hay thấy trong các tiểu thuyết Pháp thông thường”, dịch giả - nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng nhận định.
Ám ảnh người cha và nguồn cội
Patrick Modiano sinh ở ngoại ô Paris, trong một gia đình người Do Thái. Cha ông hoạt động bí mật với Quốc xã và hậu Quốc xã (sau 1945) nên chỉ có thể gặp con trai mình ở những nơi đông người. Ở tuổi 17, Patrick quyết định không tìm gặp cha nữa, cho đến khi ông này chết bí ẩn, không rõ nơi chôn cất.
“Patrick Modiano bị ám ảnh bởi thân thế và lý lịch Do Thái của gia đình và thời Pháp bị chiếm đóng bởi Đức, các nhân vật của ông thường là phản diện (Do Thái cộng tác với Quốc xã) theo cách tranh tối tranh sáng, chẳng có gì trắng đen rõ rệt, cho nên hay bị coi là khiêu khích và lạng quạng hai lề. Đây cũng chẳng có gì ghê gớm, nhưng trong nhiều thập niên Pháp không chấp nhận về thực tế này. Mặt khác, phía Do Thái lại càng gay gắt trước những cái được cho là bôi bác hay châm biếm chính nghĩa của họ. Patrick Modiano hay đùa, nhưng người Do Thái thì cho đó là những chuyện không đùa được. Văn phong Patrick Modiano ảnh hưởng bởi Raymond Queneau, vốn là thầy đùa và chơi chữ, nên nhiều tựa đề, câu chữ là không thể dịch”, nhà thơ Đỗ Kh. phân tích.
Trong từ điển thuật ngữ văn học, “modianienne” là khái niệm để chỉ phong cách của/và chịu ảnh hưởng từ Patrick Modiano. Nó bao hàm mấy ý niệm, mấy chủ đề chính: sự ám ảnh về việc tìm kiếm danh tính; sự bất lực trong khả năng thông hiểu những rối loạn của xã hội; nỗi ám về thời kỳ “nghề nghiệp Đức”.
Chính Patrick từng thú nhận: “Sau mỗi cuốn tiểu thuyết, tôi có cảm tưởng rằng mình đã xóa đi tất cả các ám ảnh từ quá khứ. Nhưng tôi biết nó sẽ trở lại nhiều và nhiều hơn nữa, nó sẽ chạm đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, vì nó đã là đời sống trong tôi. Để cuối cùng chúng ta thêm một lần xác định lại địa điểm và thời gian, nơi mà chúng ta được sinh ra”. Chính điều này mà Patrick Modiano cứ viết đi viết lại một nơi: Paris, với một đời sống và ưu tư gần như không thay đổi. Chính vậy nên mới có nhận định: Patrick Modiano suốt đời “chỉ viết một” tiểu thuyết.
5 tiểu thuyết hàng đầu
“Chắc chắn Patrick Modiano là nhà văn được nhiều người ưa thích, bằng chứng là ông ta dành được hầu hết các giải thưởng về văn chương của Pháp, ngay từ những tác phẩm đầu tiên. Với tôi, đó là một văn phong sạch sẽ, nghiêm túc, giản dị, giàu trí tưởng tượng, lôi cuốn, hiền lành, nhưng không mấy sáng tạo. Có thể phong Patrick Modiano là chuyên gia về chủ đề ký ức. Hầu như các nhân vật chính đều một hôm tự hỏi: Mình có đúng là mình bây giờ không, rồi bắt đầu cuộc tìm kiếm bản thể”, nhà văn Thuận nhận định.
Theo nhiều nhà nghiên cứu và phê bình quốc tế thì 5 tiểu thuyết hàng đầu của Patrick Modiano là: Rue Des Boutiques Obscures (xuất bản năm 1978, giải Goncourt, bản dịch của Dương Tường với tên gọi Phố những cửa hiệu u tối). Cốt truyện chính: Một người gần như mất trí nhớ, trên hành trình từ Polynesia đến Rome, đang cố gắng để thu thập dữ liệu về quá khứ và những người quen biết của mình.
Livret De Famille (1977, tạm dịch: Sổ của gia đình), một tiếp nối tư tưởng phi lý từ Vụ án của F.Kafka. Cốt truyện chính: Một cô gái nhỏ bị đưa ra tòa thị chính lấy lời khai miên viễn. Với các câu hỏi lớn: Tại sao việc chúng ta thuộc chủng tộc nào, tổ tiên chúng ta là ai lại quan trọng đến thế?
Du Plus Loin De L’oubli (1996, tạm dịch: Xa thẳm niềm quên lãng). Cốt truyện chính: Tác giả hồi tưởng về mối tình trong bóng tối với Jacqueline bí ẩn hồi những năm 1960. 15 năm sau khi chia tay, họ gặp lại nhau, nhưng cô ấy đã thay đổi tên của mình và phủ nhận quá khứ của họ. Những gì là thật và cái gì không thật là con đường của tiểu thuyết thơ mộng và bi thương này.
Dora Bruder (1997). Cốt truyện chính: Một cuộc điều tra về sự biến mất của cô gái trẻ người Do Thái, từng xuất hiện trên báo từ năm 1941. Struck bị ám ảnh bởi những di sản bí ẩn thời niên thiếu, nên đã dựa vào bất kỳ phế liệu thông tin nào có thể vẽ lại quá khứ bị đánh mất.
L’Horizon (2010, tạm dịch: Chân trời), là một tổng hòa các chủ đề này mà nhà văn này đã theo đuổi. Cốt truyện chính: Đó là chuyện gã Jean Bosmans đi tìm ký ức của người mẹ đã mất, rồi gặp lại cô gái trẻ và bí ẩn là Margaret Le Coz mà mình đã yêu trong những năm 1960. Hai tâm hồn cô quạnh lang thang nhiều tuần trên phố phường quanh co của Paris, nơi mà họ từng chạy trốn vì một bóng ma.
“Thành phố này bao quát cả đời tôi. Về chiều dài, những con đường hình học của nó vẫn còn mang dấu tích của lịch sử. Nhưng nếu bạn nhìn sâu vào nó, bạn vẫn có thể nhận ra vùng đất hoang xưa dưới lớp bê tông kia. Đây chính là gốc rễ của thế hệ chúng tôi”, Patrick Modiano nói về niềm yêu Paris của mình. Ở đây, ta có thể liên tưởng đến nhà văn Thạch Lam (1909-1942) khi nói về “tân quận” (theo nghĩa cố quận mới) Hà Nội; thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998) về tân quận Sài Gòn; và đạo diễn Woody Allen (1935) về tân quận New York... Tất cả đều bằng tình yêu mãnh liệt, sự hiểu biết uyên thâm, và sự chia sẻ vi tế.
Patrick Modiano với bạn đọc Việt
Một vài tiểu thuyết quan trọng của Patrick Modiano (như Phố những cửa hiệu u tối vừa đề cập ở trên) đã được dịch ra tiếng Việt, tái bản vài lần, đây cũng là cơ may cho độc giả.
Tiểu thuyết xuất bản đầu tay của ông, La Place De L’Étoile (1968, Vũ Đình Phòng dịch là Quảng trường ngôi sao), bán chạy trong nhiều thập niên, từng được giải Roger-Nimier và giải Feneon. Trong đó là nỗi băn khoăn và hoang tưởng của Raphael Schlemilovitch, một người Do Thái, trong việc truy tìm “căn cước” của mình. Còn trong Les Boulevards De Ceinture (1972, Dương Tường dịch Những đại lộ ngoại vi) là một hành trình tìm cha. Cuộc quay ngược thời gian để sống lại thời quá vãng, tại một ngôi làng giữa những người xa lạ. Trong số họ sẽ có một người là cha của kẻ đi tìm… Dans Le Café De La Jeunesse Perdue (2007, Trần Bạch Lan dịch là Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối) bắt nguồn từ thuyết vô định của triết gia Guy Debord. Hai nhân vật gặp nhau tại một quán cà phê, với niềm tin là: “Cuộc gặp gỡ của chúng tôi, giờ đây khi tôi nghĩ lại, như thể là cuộc gặp của hai người không có nổi một chỗ neo đậu trong đời. Tôi tin cả hai chúng tôi đều cô độc trong thế giới” (trang 103, bản tiếng Việt).
Được biết kiệt tác Du Plus Loin De L’oubli sắp có bản dịch tiếng Việt. Ngoài ra ông còn vài cuốn đáng chú ý khác như Une Jeunesse (1981, Một thời thanh xuân), De Si Braves Garçons (1982, Những chàng trai tốt biết mấy), Quartier Perdu (1985, Khu phố hẻo lánh), Vestiaire De L’enfance (1989, Phòng để quần áo thời ấu thơ), Voyage De Noces (1990, Chuyến du hành tân hôn), Un Cirque Passe (Một gánh xiếc đi quá), Un Pedigree (2005, Một phả hệ)...
“Thực sự, tôi không thích đọc lại quyển đầu tiên của mình. Không phải tôi không thích chúng, mà vì tôi không nhận ra mình nữa, như một diễn viên già xem lại mình khi tóc còn xanh”, Patrick Modiano nói.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags