Tiêu tiền kiểu VPF

Thứ Tư, 06/12/2017 06:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) -363,8 tỷ đồng là con số chi trong báo cáo của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), theo báo Tuổi Trẻ. Bất cứ ai cũng có thể phát hoảng khi nhìn vào và tất nhiên, hoài nghi và không loại trừ khả năng đây là một bản báo cáo chưa đầy đủ, hoặc khống (hòng báo lỗ). Đơn giản, tiền bóng đá đâu dễ kiếm mà... tiêu ghê thế!?

Chi cho ai, vào đâu?

Theo bản báo cáo được đăng tải, tổng số tiền phụ cấp và chi phí đi lại, lưu chú của thành viên BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V-League, hạng Nhất quốc gia và Cúp Quốc gia mùa giải 2017, Ban Kỷ luật, Ban Trọng tài, giám sát và trọng tàilà 54 tỷ đồng. Nhân tiện, chúng tôi đã tính nhẩm như thế này - Chế độ cho một ê-kíp bao gồm giám sát và các trọng tài là 38 triệu đồng/trận đấu V-League (8 triệu cho trọng tài chính và 6 triệu cho các trợ lý trọng tàivà giám sát). Tiền di chuyển và lưu trú khoảng 24 triệu đồng, suy ra, VPF sẽ phải chi tầm 60 triệu đồng/trận đấu x 182 trận (V-League)= 10,92 tỷ đồng (làm tròn 11 tỷ đồng).

Cứ cho là chế độ được giữ nguyên, với 42 trận ở giải hạng Nhất quốc gia và bằng với số này ở Cúp Quốc gia, thêm mỗi trận là một quan chức VPF giám sát, một thành viên Ban kỷ luật..., số tiền cũng không khủng đến vậy.

Một trọng tài V-League khi được chúng tôi chia sẻ bản báo cáo này, đã không khỏi sửng sốt. Có ít nhất 2 tình huống xảy ra ở đây, thứ nhất VPF thu ít (điều này chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau bài viết), mà lại vung tay quá trán (chi), thì báo cáo lỗ là đương nhiên, ngoài ra, lấy tiền đâu bù vào? Tình huống thứ 2 có phần "oan Thị Mầu" cho đội ngũ giám sát và các trọng tài, họ bị tiếng là được nhà tổ chức giải chi rất nhiều tiền, nhưng trên thực tế đem về cho gia đình, vợ con lại chẳng bao nhiêu. Nên nhớ, ngoài các đội bóng, thì giám sát và trọng tài là mắt xích quan trọng bậc nhất cấu tạo nên các trận đấu và giải đấu, chứ không phải BTC.

Trên đây, chúng ta mới chỉ đề cập đến 2 đề mục đầu tiên trong bảng chi có đến 9 đầu mục và có những đầu mục con số còn cao gấp mấy lần. Ví như 137,5 tỷ đồng cho "Chi phí trao đổi sóng truyền hình", một khái niệm khá trừu tượng, khi V-League đã bán được bản quyền truyền hình từ nhiều năm trước khi VPF ra đời. Hoặc 31 tỷ đồng cho VFF hay 20 tỷ đồng cho truyền thông, sự kiện..., là chi cái chi!? Ai chả biết mỗi năm, VPF vẫn phải nộp lại cho Cổ đông chính - đồng thời là ông chủ VFF, nhưng có nhiều đến thế không? VPF vốn là nhà tổ chức giải đấu, nhà đầu tư, nhưng cũng tự "charge" đến 29,4 tỷ đồng chi phí quản lý, gọi nôm na là tiền công.

Người trong cuộc nói gì?

Chúng tôi đã đã gặp và có 15 phút trao đổi với nguyên Phó Chủ tịch HĐQT VPF, ông Nguyễn Công Khế, khi ông đang thị sát VCK U21 quốc gia - Cúp Báo Thanh Niên 2017 tại Bình Dương. Và ông Khế cũng giật mình khi nhìn vào bảng chi mà VPF báo cáo. Không tin vào mắt mình, ông cựu Phó Chủ tịchbắt máy gọi cho cựu Chủ tịch HĐQT là Võ Quốc Thắng, để hỏi rõ ngọn ngành.

"Anh có đọc bản báo cáo tài chính được báo Tuổi Trẻđăng số hôm nay chưa? Tiền đâu mà chi lắm thế? Chúng ta (VPF) chỉ thu về chừng hơn 80 tỷ đồng tiền tài trợ/năm (trong đó khoảng 40 tỷ đồng của Toyota), mà tôi thấy chi đến gần 400 tỷ đồng", một đoạn thoại giữa 2 nhân vật từng có thời gian dài đứng đầu VPF.

Không rõ ở đầu dây bên kia, ông Thắng nói gì, nhưng nguyên Tổng biên tậpbáo Thanh Niên, Nguyễn Công Khế khẳng định, nếu cứ làm bóng đá theo kiểu này thì không thể khá được. "Kiểu này" mà ông Khế đề cập, đấy là những người háo danh lợi luôn cố gắng nhảy vào các công ty, tổ chức bóng đá, sẵn sàng tranh quyền để đoạt lợi, thay vì chăm sóc và làm bóng đá một cách tử tế, có cương lĩnh hành động rõ ràng. "Tôi và anh Võ Quốc Thắng quyết định rút, bởi tự chúng tôi thấy không thể thay đổi được điều gì, với cơ chế này. Cơ chế không có chỗ cho những người làm bóng đá theo kiểu xã hội hóa thực sự, không màng đến tiền", ông Khế nói.

'Nội soi' Chủ tịch và Phó Chủ tịch VPF

'Nội soi' Chủ tịch và Phó Chủ tịch VPF

Nhiệm kỳ mới của tân Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú, Trần Mạnh Hùng sẽ có quá nhiều khó khăn cần giải quyết. Hy vọng gì ở hai doanh nghiệp khá nổi này.

Ông Khế không tin vào bản báo cáo được công bố. Nhân tiện, ông cũng cho biết kể từ khi bước vào VPF, ông chưa từng nhận một đồng thù lao hay phụ cấp nào, với vai trò của một Phó Chủ tịch (ứng cử độc lập) VPF, mặc dù một trong những chức năng chính của ông là "kiếm tiền cho công ty".

Tùy Phong

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›