Một Tiktoker đã "gây bão" cõi mạng sau khi đăng video với nội dung nhạo báng du khách đội mũ beret ở Paris.
Paris với đủ những mỹ từ như "kinh đô ánh sáng", "thành phố tình yêu" rõ ràng là một trong những địa điểm được nhiều du khách mong ước ghé thăm nhất trên thế giới. Khi ngành du lịch "rục rịch" trở lại sau đại dịch, không có gì khó hiểu khi hàng trăm nghìn du khách đã lập tức đổ đến thành phố này nhằm chiêm ngưỡng văn hóa, cảnh đẹp và... lòng hiếu khách của nó.
Tuy nhiên, có lẽ không phải cư dân Paris nào cũng thành thực hiếu khách. Gần đây, trên trang Tiktok cá nhân, người dùng @elzapilane đã đăng tải một video với dòng chữ "Du khách đội mũ beret ở Paris trông cũng ra gì đấy!" kèm hình ảnh những khách du lịch quanh thành phố trong trang phục này.
Đáng chú ý, nội dung của video được nhiều người dùng đánh giá là mỉa mai việc mặc trang phục tại "kinh đô ánh sáng". Hiện video đã được chủ sở hữu gỡ xuống.
Không chỉ có @elzapilane, nhiều người dùng Tiktok khác cũng "hưởng ứng" trào lưu nhạo báng du khách đội mũ beret". Tài khoản @itslaurenep_ đăng tải một video tương tự với hình du khách được quay lại mà không xin phép, với dòng chữ: "Để tôi đoán, lại có một mùa mới của Emily in Paris" và "Chúng tôi không đội mũ beret".
Emily in Paris là một loạt phim truyền hình của Netflix, lấy bối cảnh một cô gái Mỹ đến Paris làm việc và gặp những va chạm văn hóa bất ngờ. Một trang phục được Emily hết sức yêu thích là mũ beret.
Với nhiều du khách quốc tế, có một ấn tượng đặc biệt sâu sắc về chiếc mũ này gắn liền với hình ảnh nước Pháp nhờ công truyền bá các ấn phẩm truyền thông, hình ảnh... Tiktoker @hellofrenchnyc phân tích trong một video đăng tải hồi tháng 9 năm ngoái rằng mũ beret là một cliché (tức điều sáo rỗng) mà mọi người lầm tưởng về người Pháp và nhấn mạnh rằng người Pháp không thường sử dụng trang phục này.
Theo - một thành viên trong video của @hellofrenchnyc giải thích, "Chúng tôi (người Pháp) không đội mũ beret hàng ngày vì đây là một phụ kiện rất lỗi mốt. Mũ beret được đội bởi những người chăn cừu Pháp ở miền nam nước Pháp. Nên nó chẳng phải một phụ kiện ngầu, cũng chẳng 'trendy' chút nào cả...".
Celia, một thành viên còn lại tiếp lời: "Ở Paris, mũ beret là dành cho du khách và influencer".
Không chỉ một vài người Pháp bản địa có thái độ kỳ khôi với việc du khách đội mũ beret, mà một số tạp chí cũng vậy. Hồi năm 2018, cây viết Samantha Feher có bài viết với tựa đề "Làm sao để đội mũ beret mà không trông y như một du khách" trên trang Style Caster, như thể ăn mặc như một du khách là điều gì đó nên tránh, dẫu bản chất việc đó chẳng có gì sai.
Đáp lại video của @elzapilane trên Tiktok, không ít người tỏ ra bức xúc. Nổi bật trong số đó là video của @lilykltran (Lily Tran) có 781 nghìn lượt xem và 110 nghìn lượt thích tính đến sáng 10/1.
Trong video, cô phản bác thái độ phân biệt du khách và lập luận:
"Trường hợp này cũng như khi tôi còn ở Việt Nam và rất nhiều du khách đội nón lá. Chỉ trừ việc, tôi không nhạo báng họ. Trên thực tế, tôi thấy như thế đáng yêu. Ý tôi là, họ đang ở Việt Nam và có mong muốn ôm trọn nền văn hóa.
Nón lá là một phần của văn hóa Việt Nam, tương tự như cách mà beret là một phần của văn hóa Pháp. Ý tôi là, họ chỉ đang vui vẻ tận hưởng và không hề bất kính. Thế thì tại sao chúng ta lại nhạo báng họ? Tôi nghĩ những người tiêu cực đang nhạo báng niềm vui của người khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong đời".
Lập luận của Lily đã nói thay nỗi lòng của rất nhiều người. Việc ai đó ham thích, muốn tìm hiểu về văn hóa và có những hành động trân trọng như sử dụng trang phục văn hóa của đất nước khác, thì đó là một hành vi đáng hoan nghênh. Thay vì nhận xét đó là một trang phục lỗi thời, "nhà quê" hay có thái độ khinh khỉnh, đáng ra thái độ đúng nên là chào đón và vui mừng như Lily nói.
Bình luận dưới video của Lily, rất nhiều người đồng tình:
"Là một người ở miền nam nước Mỹ, tôi luôn thấy thật đáng yêu khi khách du lịch mua mũ cao bồi, điều đó thực sự rất dễ thương".
"Video này thật dễ chịu. Cảm ơn vì đã ủng hộ những người trân trọng văn hóa địa phương".
"Đúng! Thật vô cùng thô lỗ khi bí mật ghi hình mọi người với ý định đăng lên mạng và chế nhạo họ".
Trong một video đáng chú ý khác, tài khoản @nuttybutter96 nhấn mạnh: "Hãy dừng miệt thị du khách khi họ làm những điều khách du lịch thường làm". Hành vi ghi hình người khác không được phép, thậm chí không che mặt đã đáng lên án, nhưng còn dùng video như vậy để nhạo báng họ thì còn sai trái hơn.
Rút ra điều gì?
Một điểm đáng chú ý khác mà @nuttybutter96 chỉ ra là việc đi du lịch tới những thành phố lớn như Los Angeles, New York hay Paris có thể là ước mơ của nhiều người, và có khi họ phải dành dụm tiền nhiều năm để làm được điều đó. Hơn nữa, số tiền đó còn đang được dùng để phát triển kinh tế địa phương.
Vì vậy, nguyên tắc lịch sự mà những người bản địa có thể lam với du khách đó là hãy để họ yên, để họ tận hưởng không gian sống đó một cách thoải mái, không cần âu lo bị đánh giá (hay ghi hình cho hàng triệu người xem với thái độ khinh khỉnh).
Nếu du khách muốn đội nón lá khi đến Việt Nam, mặc Hanbok khi đến Hàn, mặc Yukata khi đến Nhật Bản, và beret khi đến Pháp, hãy để họ tận hưởng niềm vui hồn nhiên, trong sáng đó trong một không gian chào mừng, sẻ chia và không phán xét.
Sau khi nhận được nhiều ý kiến phản bác, cuối cùng Tiktoker @elzapilane cũng đã đăng tải video xin lỗi và mong mọi người tha thứ vì hành động thiếu suy nghĩ của mình.
Vụ việc của @elzapilane có vẻ như đã kết thúc ở đây khi cô nhận ra lỗi sai. Tuy nhiên, một điều chúng ta cần rút ra để tránh những hành vi tương tự, đó là: Mạng xã hội là một không gian mở, với nhiều con người từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Thay vì phán xét và lan truyền một thông điệp hay thái độ tiêu cực, hãy trân trọng những niềm vui và sự tự do cá nhân của người khác, thậm chí khuyến khích mọi người cùng sẻ chia nền văn hóa của nhau.
Chỉ có như thế chúng ta mới tạo ra một môi trường mạng và không gian du lịch thoải mái, lành mạnh cho mọi người.
(Tổng Hợp)
Tags