TikTok trong 'tầm ngắm' của Mỹ

Thứ Năm, 25/04/2024 14:35 GMT+7

Google News

Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc phê chuẩn vào ngày 20/4, Thượng viện Mỹ ngày 23/4 cũng đã có bước đi tương tự. 

Hiện Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ ký dự luật trên để ban hành thành luật. Việc thông qua dự luật trên có thể đưa đến động thái cấm TikTok hoạt động tại thị trường Mỹ. Trước đó, TikTok cũng đã đối mặt với những án phạt tại thị trường châu Âu.

Sức hút của TikTok

TikTok là một nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay. Nó cho phép người dùng tạo, xem và chia sẻ các video ngắn đa dạng chủ đề. Với tâm lý thích xem lười đọc, muốn sự ngắn gọn của đa số giới trẻ thời nay, những nội dung ngắn trên Tiktok ngay lập tức "gây nghiện" và sở hữu lượng tương tác "khủng" từ người dùng.

Năm 2016, TikTok ra mắt người dùng tại Trung Quốc với cái tên Douyin (công ty mẹ là Bytedance). Ngay lập tức, mạng xã hội này chiếm lĩnh được thị phần và vượt qua một số đối thủ nhờ những trải nghiệm mới thú vị thông qua các nội dung video ngắn đa dạng, đặc sắc tới người dùng. Ở phạm vi toàn cầu, quy mô người dùng của TikTok duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong 5 năm. Số lượng người dùng truy cập TikTok đạt mốc hơn một tỷ người dùng mỗi tháng, trong đó, có đến 1/4 người dùng đến từ khu vực Đông Nam Á.

 TikTok trong 'tầm ngắm' của Mỹ - Ảnh 1.

TikTok ra mắt người dùng tại Trung Quốc với cái tên Douyin. Ảnh: Internet

Tại nhiều quốc gia và khu vực, TikTok đã trở thành ứng dụng có thời gian sử dụng của người dùng cao nhất. Dữ liệu của cơ quan nghiên cứu thị trường Apptopia cũng cho thấy, trong năm 2022, TikTok đứng đầu trong danh sách 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu với 672 triệu lượt. Tiếp đó là Instagram ở vị trí số hai với 548 triệu. Cùng với đó, lượt tải xuống của Facebook lại giảm mạnh.

Một trong những ưu điểm nổi bật của TikTok "hút" được người dùng bởi tính năng đặc sắc như cho phép người dùng xem, tạo và chia sẻ các video ngắn đa dạng các chủ đề khác nhau với hiệu ứng phù hợp với sở thích cá nhân như bộ lọc, nhạc nền, hiệu ứng, nhãn dán vào video... Đây là một trong những điểm nhấn giúp TikTok vượt qua các đối thủ.

Theo các nhà phân tích, TikTok có đầy đủ các ưu thế trên 5 phương diện mà nền tảng xã hội cung cấp cho người dùng, là: khẳng định bản sắc, kết nối với xã hội, chứng tỏ khả năng sáng tạo, thể hiện cảm xúc và khả năng chia sẻ. Đa số người dùng TikTok là người trẻ, khó khẳng định hay thể hiện bản thân trong học tập, công việc, nhưng TikTok cho họ bệ đỡ để khẳng định bản sắc, thể hiện bản thân trong cộng đồng mạng, kết nối với nhiều người. TikTok có sẵn các "bản mẫu" định dạng video, có nhạc, có hiệu ứng hình ảnh và âm thanh bắt mắt, người dùng không cần phải có khả năng sáng tạo chuyên nghiệp nhưng vẫn có clip đẹp như được sản xuất bởi người chuyên nghiệp.

Giới chuyên môn đánh giá TikTok đã làm thay đổi phương tiện truyền thông xã hội và là "cỗ máy có khả năng lan truyền lớn nhất thế giới". Tiktok đã đem đến một sân chơi giải trí cho hàng triệu người dùng như cập nhật tin tức xã hội, bắt kịp xu hướng nhanh chóng... Đồng thời, mạng xã hội này đã giúp nhiều bạn trẻ không chỉ khám phá thế mạnh, phát triển bản thân mà còn đem lại một nguồn thu nhập đáng kể.

Tuy nhiên, TikTok cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi lượng dữ liệu người dùng mà nền tảng này thu thập là vô cùng lớn. Hệ lụy của việc Tiktok tăng trưởng nhanh, phát triển nhiều clip ngắn thu hút người sử dụng đã và đang tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội… Do tác động tiềm tàng đối với giới trẻ nên hiện TikTok cũng phải đối mặt với các hạn chế tại nhiều quốc gia do vi phạm các quy định về dữ liệu.

 TikTok trong 'tầm ngắm' của Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Những lệnh cấm với TikTok

Lâu nay, các quan chức Mỹ và phương Tây đã lên tiếng cảnh báo về sự phổ biến của TikTok với giới trẻ, cáo buộc rằng ứng dụng này cho phép Trung Quốc theo dõi người dùng. Hiện nay, TikTok có đến 170 triệu người dùng chỉ tính riêng ở Mỹ.

Đối với châu Âu, kể từ cuối tháng 8/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các nghĩa vụ nghiêm ngặt hơn đối với 19 nền tảng ứng dụng lớn, trong đó có TikTok, như một phần của Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) mới. DSA được đánh giá là một trong những bộ luật tham vọng nhất của EU về kiểm soát nội dung trực tuyến, thông qua việc áp đặt những nghĩa vụ quan trọng với các nền tảng trực tuyến. DSA nhằm mục tiêu tạo ra một khung quy định nội dung thống nhất trên toàn EU, mang lại sự rõ ràng và chính xác hơn cho các quy trình kiểm duyệt nội dung trên không gian mạng. Các quy định có thể áp dụng là lệnh cấm quảng cáo có mục tiêu sử dụng thông tin nhạy cảm của người dùng, như xu hướng giới tính đặc biệt, tôn giáo, sắc tộc hoặc chính trị; hạn chế trong việc hướng các quảng cáo có mục tiêu đến đối tượng trẻ; yêu cầu thực hiện nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu cần thiết với cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý khi được yêu cầu… Đạo luật này cho thấy nỗ lực của châu Âu nhằm xây dựng không gian trực tuyến an toàn, lành mạnh cho người dùng.

Trong một bước đi mới, tháng 2/2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức tiến hành các thủ tục tố tụng đối với nền tảng truyền thông xã hội TikTok của công ty ByteDance theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) nhằm đánh giá xem nền tảng này có hành động mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em hay không. EC cho rằng TikTok phải tuân thủ đầy đủ các quy định trong đạo luật này, đồng thời phải đóng vai trò đặc biệt trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên trên không gian mạng.

 TikTok trong 'tầm ngắm' của Mỹ - Ảnh 3.

Ảnh: Internet

Tiếp đó, ngày 22/4/2024, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo TikTok phải cung cấp báo cáo đánh giá rủi ro của ứng dụng TikTok Lite, nếu không sẽ phải đối mặt với án phạt. EC cũng ra thời hạn chót, đến ngày 3/5, để TikTok cung cấp thêm thông tin được yêu cầu. Nếu không đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý, TikTok có thể phải đối mặt với án phạt lên tới 1% tổng thu nhập hằng năm hoặc doanh thu toàn cầu và các khoản phạt định kỳ lên tới 5% thu nhập trung bình hằng ngày hoặc doanh thu hằng năm trên toàn thế giới…

Trong khi đó, ở thị trường Mỹ, TikTok đã lọt vào tầm ngắm của Chính phủ Mỹ trong nhiều năm qua, khi các nhà chức trách cho rằng nền tảng này cho phép Trung Quốc theo dõi người dùng ở nước này. Hồi tháng 3/2024, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép TikTok có 6 tháng để kiếm đối tác mua lại công ty. Nếu không tuân thủ, ứng dụng này sẽ bị cấm trên tất cả các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ cũng như trên "các dịch vụ Internet có hỗ trợ TikTok". Tuy nhiên khi đó, dự luật này đã bị Thượng viện bác bỏ.

Ngày 20/4/2024, Hạ viện Mỹ tiếp tục bỏ phiếu thông qua dự luật về TikTok. Đây là lần thứ hai các nhà lập pháp Mỹ thông qua một dự luật có thể dẫn tới việc cấm sử dụng TikTok trên toàn bộ nước Mỹ. Ba ngày sau đó, Thượng viện Mỹ ngày 23/4 đã phê chuẩn dự luật trên, theo đó yêu cầu công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc thoái vốn khỏi ứng dụng truyền thông xã hội được sử dụng rộng rãi là TikTok trong khoảng 9 tháng nếu không ứng dụng này sẽ phải rút khỏi thị trường Mỹ.

Điểm khác biệt so với dự luật hồi tháng 3 là thay vì thời hạn 6 tháng, lần này TikTok sẽ có thời hạn 9 tháng để tìm đối tác mua lại công ty. Thời hạn này có thể được chính phủ Mỹ kéo dài thêm 3 tháng nữa nếu Tổng thống Biden xác định rằng đã có tiến triển trong việc mua bán.

Tuy dự luật còn cần có chữ ký ban hành của Tổng thống Joe Biden song đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Biden khẳng định sẽ ký ban hành dự luật trên. Dự luật trên cũng trao cho Tổng thống Mỹ quyền chỉ định các ứng dụng khác là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nếu chúng được kiểm soát bởi một quốc gia được coi là thù địch.

Theo các nhà phân tích, nếu Tổng thống Mỹ Biden ký thông qua dự luật trên, TikTok sẽ có 9 tháng để tìm người mua. Nếu TikTok không thể tách rời khỏi công ty mẹ ByteDance, nó sẽ bị cấm hoàn toàn trên đất Mỹ. Nhưng điều này là rất khó bởi ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc, và Chính phủ Trung Quốc luôn phản đối việc mua bán này. TikTok từ lâu đã khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu dữ liệu của người Mỹ và nếu được yêu cầu, công ty cũng sẽ hoàn toàn từ chối cung cấp. Nhưng theo luật tình báo quốc gia Trung Quốc, TikTok sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc cung cấp thông tin về người dùng ứng dụng. Phản ứng trước động thái từ Quốc hội Mỹ, TikTok cho rằng dự luật sẽ tác động đến 7 triệu doanh nghiệp và cản trở một nền tảng đóng góp 24 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ mỗi năm.

An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›