Tranh cãi xung quanh tác phong ăn mặc khi đi mua đồ ở store Dior tại Anh, Mỹ vẫn còn tiếp diễn.
Ăn mặc thế nào khi đi mua quần áo tưởng như chỉ là câu chuyện cỏn con, vậy mà cũng có thể thành topic hút view, khiến cho cộng đồng mạng tranh cãi không biết chán. Cách đây ít lâu TikToker Trân Bánh Bao đăng tải một đoạn clip ăn mặc xuề xòa, trên tay cầm ly trà và tiến vào một cửa hàng Dior tại Boston (Mỹ). Theo lời nữ TikToker, cô đã bị các nhân viên ở đây coi thường, không đón tiếp.
Sau khi Trân Bánh Bao đăng tải video xoay quanh chuyện thử ăn mặc xuề xòa đi mua hàng Dior và bị nhân viên "bơ lác", cô đã thu về vô số bình luận trái chiều cùng lượt tương tác khủng.
Ngay sau đó, một TikToker khác có tên Thái Vi Vu - nhân viên ở 1 cửa hàng Dior tại Anh đã đăng video phản bác. Anh nói: "Seller bọn mình khá bận, phải check email, tiếp khách hàng online, in hóa đơn,... có nhiều việc để làm nên sẽ phải ưu tiên khách hàng tiềm năng trước, Bạn ăn mặc như vậy trông có giống khách hàng tiềm năng không?". Thái Vi Vu khẳng định với cách ăn mặc như vậy, Trân Bánh Bao đang thể hiện sự thiếu tôn trọng nhãn hàng và gây hiểu nhầm bản thân là "reseller" (những người chuyên mua và bán lại sản phẩm để "ăn" tiền chênh lệch).
Nam TikToker cũng nhấn mạnh việc Trân Bánh Bao đem cốc trà tới cửa hiệu thời trang có thể làm bẩn sản phẩm - một hành vi bị cấm kỵ ở Anh Quốc. Ngoài ra, anh cho rằng, không thể kết luận nhân viên Dior coi thường khách khi Trân Bánh Bao không có bằng chứng cụ thể mà chỉ nói suông.
Trước tranh cãi đôi bên, cư dân mạng đã có những phản ứng trái chiều:
Phản ứng cư dân mạng:
- "Đơn giản là những khách hàng không mua hàng thường ăn mặc như Trân, nên nhân viên không tiếp là chuyện thường".
- "Toàn nhìn mặt mà bắt hình dong".
- "Mỗi thương hiệu cao cấp đều có cách phục vụ khác nhau. Nhưng điểm chung là họ không thích có khách mang đồ ăn thức uống vào store như thế".
- "Ở Mỹ, mặc xuề xòa vào cửa hiệu cao cấp là chuyện thường".
- "Muốn được tôn trọng thì hãy tôn trọng thương hiệu trước đã".
- "Chị Trân mua đồ luôn cho họ sợ đi!".
Người trong cuộc nói gì?
Để có cái nhìn khách quan nhất, chúng tôi đã liên hệ với cả hai TikToker để nghe những chia sẻ về sự việc trên.
PV: Chào Quỳnh Trân, bạn nghĩ sao trước những chia sẻ của Thái Vi Vu?
Trân Bao: "Như em đã nói, cửa hàng Dior em tới nằm ở Boston, US (Mỹ), còn cửa hàng Dior anh Thái Vi Vu làm việc ở bên Anh. Hai nước, hai văn hoá mua sắm khác hoàn toàn nhau, nên ngay từ đầu anh Thái đã không có trải nghiệm mua sắm giống em. Em vẫn giữ quan điểm là việc ăn mặc như thế nào không quan trọng và không ảnh hưởng đến cửa hàng hay các vị khách khác. Nếu anh Thái coi trọng vẻ bề ngoài, anh có thể giữ quan điểm đó cho bản thân và không cần phải áp đặt lên người khác".
"Em đã đi rất nhiều cửa hàng thời trang cao cấp. Thậm chí, trong ngày xảy ra sự việc, em đã qua cửa hàng Dior khác gần đó để mua và được tiếp đãi công bằng, nhiệt tình. Những khách hàng thân thân quen sẽ có Sale Associate (Cộng tác viên bán hàng) riêng và được thông báo khi có sản phẩm ở store. Với em, việc các resellers gom hàng hay không chẳng ảnh hưởng gì đến trải nghiệm mua sắm của em. Và em không đồng ý với việc tuyên truyền hay mặc định người châu Á là reseller mà không hề dựa trên một thống kê cụ thể nào".
"Thực tế, đa phần mặt hàng thời trang khi lỗi mốt sẽ bị mang đi tiêu huỷ gây ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn bởi khách hay reseller đều tốt. Ở trên là theo quan điểm của em. Nếu muốn, anh Thái có thể hướng dẫn mọi người cách mặc đồ khi đi mua sắm một cách tự chủ và không tham gia vào câu chuyện của em".
Còn về phần mình, Thái Vi Vu từ chối chia sẻ thêm để tránh đẩy sự việc đi quá xa. Anh cũng đăng tải clip đính chính sự việc trên và khẳng định mình không ủng hộ việc phân biệt chủng tộc. Nam TikToker nhắc lại rằng, cách ăn mặc của Trân Bao có thể gây lầm tưởng cô nàng là "reseller" - đối tượng nằm trong "blacklist" của các thương hiệu. Ngoài ra, những vấn đề như không được mang thực phẩm vào không gian trưng bày; ăn mặc đẹp để tôn trọng nhãn hàng; hay những luận điểm ở video trước đó đều được nam TikToker nhắc lại, nhằm khẳng định quan điểm của mình là đúng.
Ai đúng ai sai?
Công bằng mà nói, lý lẽ của cả hai nhân vật đều có những điểm đúng. Với Trân Bánh Bao, cửa hàng Dior mà cô trải nghiệm nằm tại Mỹ. Ở đây, khách hàng có thể ăn mặc thoải mái (miễn không ăn mặc phản cảm và kém vệ sinh) mà vẫn có thể được tiếp đón một cách lịch sự.
Ngược lại, văn hóa ăn mặc khi tới các cửa hàng cao cấp ở Anh (nơi Thái Vi Vu sống), lại khắt khe hơn. Khách hàng cần thể hiện sự tôn trọng thương hiệu qua cách mặc đẹp, cũng như không mang đồ ăn, thức uống vào nơi bày bán sản phẩm.
Nói tóm lại, việc khách hàng mặc đẹp đơn giản là cách để họ làm đẹp bản thân ở mọi lúc và mọi nơi. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng một vị khách có dáng vẻ bình dân, phong cách thời trang đơn giản lại xứng đáng bị "bơ lác" khi bước chân vào cửa hiệu cao cấp. Cũng bởi lẽ đó, câu chuyện mặc đồ xuề xòa vào store đồ hiệu đến giờ vẫn là topic gây tranh cãi không ngớt. Còn bạn, bạn nghĩ sao?