(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện chiếc máy bay của hãng AirAsia mất tích trong hành trình từ Indonesia tới Singapore trong sáng 28/12 có thể sẽ là thử thách lớn đối với ngành hàng không giá rẻ của khu vực Đông Nam Á.
Vụ chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 bị mất tích đã khép lại một năm đầy thảm họa đối với ngành hàng không ở Malaysia, một trong những nước phát triển và thịnh vượng nhất trong khu vực.
Trước đó, vào ngày 8/3, chiếc máy bay mang số hiệu MH370, chở 239 hành khách và phi hành đoàn của hãng hàng không Malaysia Airlines đã mất tích khi trên đường từ thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy dấu vết của chiếc máy bay này.
Chưa dừng lại ở đó, tai họa lại xảy ra vào ngày 17/7 năm nay, khi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 cũng của hãng Malaysia Airlines đã bị rơi khi đi ngang qua khu vực phía Đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Hành khách lên một chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ AirAsia (nguồn Google)
Hãng Malaysia Airlines nằm dưới sự quản lý của Cục Hàng không quốc gia Malaysia. Hiện các hãng hàng không nổi tiếng đang “ăn nên làm ra” và thuộc sở hữu tư nhân như AirAsia đang tạo thách thức lớn cho các đối thủ như Malaysia Airlines. Sức cạnh tranh lớn của AirAsia tới từ việc hãng có nhiều đường bay nối các thành phố lớn, cũng như các tuyến bay nối hàng ngàn hòn đảo xa xôi, hẻo lánh trong khu vực Đông Nam Á.
Giới quan sát cho rằng AirAsia nói riêng và các hãng hàng không giá rẻ ở Đông Nam Á nói chung phát triển nhanh nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố về nhân khẩu học, kinh tế và địa lý. Cụ thể về địa lý, khu vực này có nhiều hòn đảo và quần đảo, do vậy sự di chuyển nhanh chóng giữa các địa điểm này chỉ có thể thực hiện bằng máy bay. Với hơn 600 triệu người sống trong khu vực, chuyện đi lại bằng máy bay từng rất xa xỉ nay đã nằm trong tầm với, nhờ máy bay của các hãng hàng không giá rẻ.
Theo thống kê hồi năm 2013, 60% các chuyến bay trong khu vực là do các hãng hàng không giá rẻ thực hiện. Lion Air, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất trong khu vực, đang sở hữu 96 máy bay và có tới 561 tuyến bay thường xuyên. Trong khi đó, AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn thứ 3 trong khu vực, có 76 máy bay và 331 tuyến bay thường xuyên.
Với việc người ta không biết rõ nguyên nhân dẫn tới vụ mất tích của chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 và trước đó là vụ MH370, các chuyên gia không tin vào việc hàng không giá rẻ sẽ chịu ảnh hưởng từ những sự kiện này. Họ cũng nói rằng sự mất tích của các máy bay trên trong năm nay không thuộc về một xu hướng chung mà chỉ là các hiện tượng cá biệt.
"Tôi chẳng thấy có bất kỳ yếu tố lặp lại nào trong các vụ mất tích ấy" - Keith Mackey, một chuyên gia an toàn hàng không Mỹ nói - "Điểm chung duy nhất tôi thấy là các công ty này (AirAsia và Malaysia Airlines) đều đăng ký hoạt động ở Malaysia".
Mackey cũng nói rằng tiêu chuẩn huấn luyện phi công ở Malaysia không cao bằng Mỹ. Tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy trình độ của phi công là lý do khiến các máy bay trên mất tích.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể biết rõ vụ mất tích máy bay hôm 28/12 sẽ tác động như thế nào tới sự phát triển của hãng hàng không giá rẻ AirAsia. Trong thời điểm năm 2012-2013, doanh thu của hãng này đã tăng trưởng tới 238%, mặc dù đang phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt ở khu vực Đông Nam Á. Trước đây, công ty này từng nắm kỷ lục về độ an toàn và chưa hề xảy ra vụ rơi máy bay nào.
Tuấn Vĩ