(Thethaovanhoa.vn) - Lâu nay, có một chi tiết cơ hồ đã trở nên “nhạy cảm” liên quan đến sách của nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) mà những ai quan tâm đều trông chờ tin tức, ấy là vẫn chưa tìm thấy bản in sách lần đầu của tiểu thuyết Số đỏ!
Cần nhắc lại, Số đỏ ra mắt lần đầu tiên dưới dạng truyện đăng đều kỳ trên tuần san Hà Nội Báo, (từ số 40, ra ngày 7/10/1936) liên tục 16 kỳ, cho đến khi tuần báo này bị cấm (số 55, ra ngày 20/1/1937), tức là truyện chưa đăng hết. Sau đó, toàn bộ 20 chương truyện Số đỏ được nhà in Lê Cường (88 Phố Huế, Hà Nội) xuất bản lần đầu thành sách riêng vào năm 1938.
Bản in hoàn chỉnh lần đầu toàn bộ 20 chương Số đỏ ấy (bản Lê Cường 1938), suốt nhiều năm dài dường như đã được xem là mất văn bản, khi tại mấy thư viện lớn sách này đều không có hoặc từng có nhưng đã bị mất. Trên thị trường sách báo cũ suốt nhiều năm, ít ra từ những năm 1980 cho đến gần đây đều không thấy xuất hiện ấn bản này.
Người ta chỉ còn tìm thấy 2 bản in tái bản sớm hơn cả: bản in của NXB Minh Đức (Hà Nội, 1946), và bản in của NXB Mai Lĩnh (Hà Nội, 1952). Điều chắc chắn là cả hai bản này đều in theo bản Lê Cường 1938, vì nếu chỉ theo các số Hà Nội Báo thì không thể có đủ 4 chương cuối. Các bản in lại tiểu thuyết Số đỏ tại Hà Nội hoặc Sài Gòn, từ năm 1957 trở đi cho đến tận những năm 2010, đều sử dụng phiên bản từ một trong hai bản Minh Đức 1946 hoặc Mai Lĩnh 1952. Nếu khảo sát chi tiết sẽ thấy tình trạng dị bản nảy sinh ở các bản in Số đỏ khác nhau là khá phồn tạp, trên đại thể câu chuyện do Vũ Trọng Phụng kể tuy đã chịu những sai chệch nhất định, nhưng vẫn chưa bị mất mát quá lớn.
Và rồi tin vui rốt cuộc cũng xuất hiện. Từ giữa năm 2019 này, qua trao đổi giữa các thành viên cũ của diễn đàn “Sách xưa”, tôi được biết có một cuốn Số đỏ bản in Lê Cường 1938 hiện thuộc sở hữu của một bạn chơi sách cũ ở TP.HCM, bạn Nguyễn Ngọc Hoài Nam. Tôi đã liên lạc với bạn Hoài Nam, xin bạn một bản chụp các trang của ấn bản này, và gần đây các bạn của Hoài Nam đã gửi cho tôi những trang chụp từ sách Số đỏ bản Lê Cường 1938.
là sau 80 năm kể từ khi được in và phát hành, bản in sách lần đầu tiểu thuyết Số đỏ vẫn có ít nhất một cuốn còn lưu giữ được. Đối với người trong giới nghiên cứu như tôi, đây là tin rất hay. Còn nhớ, từ dăm năm trước, khi làm khảo dị giữa các bản in để hoàn thành công trình Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Số đỏ (NXB Văn hóa văn nghệ TP.HCM 2017), tôi vẫn để trống dữ liệu của bản B tức bản Lê Cường 1938, là bản in lần thứ hai, kể từ sau bản đăng trên Hà Nội Báo.
Lại Nguyên Ân
(Nhà nghiên cứu)
Tags