Tìm lại khu vườn bị đánh mất

Thứ Tư, 20/07/2016 14:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, tôi gặp một người bạn, đó là người đàn ông đơn thân nuôi con trai 12 tuổi. Anh phân vân mùa Hè này, với hai tháng nghỉ Hè của cháu, sẽ cho cháu tham gia những hoạt động gì.

Cùng nhớ lại thời tuổi thơ của chúng tôi, những ngày Hè là thời gian thích thú nhất: chúng tôi có nhiều thời gian để khám phá thiên nhiên, chơi với bạn, đọc sách, được đi xem phim ở rạp, hát và đóng kịch trong đội văn nghệ của phường xã. Những đứa trẻ hôm nay, mùa Hè của các em ra sao?

Những khu vườn thời thơ bé của chúng ta đã và đang dần dần biến mất. Thay vào đó là cao ốc chọc trời, đường bê tông, hàng rào kiên cố gạch đá. Những cuốn sách và trò chơi lăn lộn ngoài sân vườn được thay bằng những chiếc điện thoại, máy tính bảng và trò chơi điện tử.

Sự nuối tiếc khoảng không gian đầy mơ mộng của ký ức có lẽ là lý do vì sao tôi đã không thể kiềm chế được nỗi xúc động ở phần kết vở kịch Thiên thần nhỏ của tôi tại sân khấu Hồng Hạc - một sân khấu mới của TP.HCM.


Cảnh trong kịch “Thiên thần nhỏ của tôi”

Tìm lại một không gian thưởng thức kịch nghiêm túc, đó là mục tiêu của ê kíp sân khấu Hồng Hạc. Nó được khởi xướng và gây dựng bởi một cái tên nổi tiếng của làng điện ảnh: đạo diễn Việt Linh - người chắp bút cho hầu hết các vở kịch.

Ra mắt lần đầu vào cuối năm 2015 với vở Thiên Thiên, chỉ sau hơn nửa năm, kịch mục của Hồng Hạc đã có thêm 6 vở khác được diễn luân phiên và nhiều khẩu vị: Giờ của quỷ, Tro tàn rực rỡ, Diễn viên hạng ba, Visa, Thiên thần nhỏ của tôi, Tấm và Hoàng hậu.

Vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển bước đầu, nhưng Hồng Hạc đã ghi dấu ấn bằng những nét cá tính riêng. Ví dụ trước khi mỗi vở kịch mở màn luôn có phần trình diễn âm nhạc ngắn, như lời dẫn nhẹ nhàng tới khán giả hãy chuẩn bị tâm thế tập trung vào việc thưởng thức. Và vở nào của Hồng Hạc cũng có kết thúc mở, như lời mời mọc, nhắn nhủ khán giả tham dự, tiếp tục sống với nó sau lúc hạ màn.

Đây là quyết định khá mạo hiểm của Việt Linh và ê kíp, bởi phần lớn khán giả xem kịch tại Việt Nam vốn còn chưa quen với tiết tấu nhanh, mạnh, cắt cảnh như phim, lại còn rủ rê họ động não (!).

Sự xuất hiện của Hồng Hạc trong bức tranh hoạt động nghệ thuật sân khấu của TP.HCM mang đến một làn gió mới. Nhất là trong bối cảnh các sân khấu thành phố đang dần bão hòa với các vở kịch na ná, dẫn dắt cảm xúc, cũng như bị thương mại hóa quá đà.

Sự khai phá nào hẳn cũng đầy thách thức. Đặc biệt, đạo diễn Việt Linh chủ động tìm kiếm những gương mặt trẻ tài năng và tin tưởng giao cho họ trọng trách đưa sân khấu đi. Những cái tên đạo diễn sân khấu mới toanh còn ít người biết đến như Chi Cù, Minh Trương, Thiên Huân hay những diễn viên kịch nổi tiếng lần đầu làm đạo diễn như Hồng Ánh, Lan Phương.

Dàn diễn viên của Hồng Hạc cũng hội tụ nhiều tên mới, trẻ như Lê Bê La, Anh Thơ, Khôi Trần, Đinh Mạnh Phúc… Đồng thời đây cũng là sân khấu dám đưa các diễn viên nước ngoài, trẻ em thủ vai chính trên sàn diễn.

Trở lại với người bạn của tôi với đứa con trai và mùa Hè của cháu. Tôi đề xuất anh đưa cháu đi xem kịch tại sân khấu Hồng Hạc, bất kể việc Thiên thần nhỏ của tôi không hẳn dễ xem với khán giả nhỏ tuổi tuy dựa trên truyện nổi tiếng của Nguyễn Nhật Ánh.

Bởi bên cạnh sự vui tươi nhí nhảnh còn có những chiều sâu cảm xúc của câu chuyện về một thời cách khá xa không thật gần gũi với con trẻ thời nay, đòi hỏi sự động não chứ không đơn thuần giải trí.

Dù vậy, tôi tin cháu sẽ tìm được sự đồng điệu trong các nhân vật được hóa thân tuyệt vời bởi các diễn viên nhí Trọng Khang, Hà Mi, Thuận Hưng cùng không gian sân khấu được đầu tư kỹ lưỡng. Tôi tin tình yêu nghệ thuật của cháu sẽ được khơi dậy với những tác phẩm như Thiên thần nhỏ của tôi, và bạn của tôi sẽ có một địa chỉ tin cậy với sân khấu Hồng Hạc - nơi gặp gỡ của điện ảnh và sân khấu.

Mạnh Cường Vũ
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›