Đã có nhiều hồ sơ được gửi tới VFF để xin ứng cử vào vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam đang bị bỏ trống, gồm đủ các quốc tịch từ Âu tới Á, nhưng sau nỗi thất vọng mang tên Philippe Troussier, rất có thể VFF sẽ không còn mặn mà với các HLV tới từ châu Âu.
Theo thông tin mà Thể thao&Văn hoá có được, những HLV tới từ Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ nhận được sự chú ý nhiều hơn khi VFF tiến hành thẩm định hồ sơ ứng viên để đưa vào vòng tuyển chọn rút gọn.
Sự tương đồng về văn hoá giữa các quốc gia đồng văn chính là một lợi thế quan trọng của các HLV Nhật Bản và Hàn Quốc khi họ gửi hồ sơ ứng tuyển tới VFF, nhất là nhìn vào sự tương phản giữa HLV Park Hang Seo và HLV Troussier.
Ông Park đã may mắn hơn ông Troussier khi ông thầy người Hàn Quốc đến Việt Nam đúng vào thời điểm được làm việc với một nhóm cầu thủ có chất lượng chuyên môn rất tốt, còn ông Troussier lại nhận nhiệm vụ khi bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao lực lượng nên không tránh khỏi trục trặc.
Tuy nhiên, khó khăn khách quan mà ông Troussier gặp phải xem ra không nhiều bằng khó khăn chủ quan do cách làm việc của ông gây ra, từ phương pháp ứng xử với các cầu thủ, trong đó đặc biệt gây ức chế là sự thờ ơ, hay thậm chí là ác cảm, với những cựu binh dày dạn kinh nghiệm của đội tuyển Việt Nam, cho tới những phát biểu không thể kiểm soát của ông Troussier trước báo giới, khiến VFF phải vất vả đi chữa cháy sau mỗi cuộc họp báo.
Giống như ông Troussier, ông Park cũng đưa lên đội tuyển Việt Nam rất nhiều nhân sự theo ý của mình, nhưng khác với ông Troussier, đội ngũ trợ lý của ông Park hầu như không vấp phải bất cứ chỉ trích nào về năng lực làm việc của họ, còn ông Troussier thì làm cho người ta có cảm giác, cứ hễ là người cũ của PVF, nơi ông Troussier từng làm việc, thì sẽ được gọi lên đội tuyển Việt Nam, gồm cả trợ lý và cầu thủ, dù rằng không phải ai trong số họ cũng tỏ ra xứng đáng về trình độ chuyên môn.
Đã thế, ông Troussier lại bảo vệ cho sự lựa chọn sai lầm của mình về nhân sự bằng những lý lẽ rất bảo thủ, kiểu như "đây là lựa chọn của tôi, đây là đội bóng của tôi", trong khi tất cả đều biết đội tuyển Việt Nam không phải là tài sản của riêng ông Troussier, mà ông Troussier chỉ là người được thuê về để đem lại kết quả tốt nhất cho đội tuyển Việt Nam mà thôi.
Và trên tất cả, sau hơn 1 năm, HLV Troussier hầu như không thể xác lập được bất cứ dấu ấn nào ở đội tuyển Việt Nam cũng như U23 Việt Nam, ngoại trừ những thất bại liên miên trước các đối thủ mà trước đây chúng ta luôn bách chiến bách thắng, kiểu như Indonesia, và do đó, những lựa chọn hay phát biểu của HLV Troussier không thể nhận được sự chia sẻ hay thông cảm từ phía dư luận.
Thất bại về chuyên môn, không ổn trong cách ứng xử với truyền thông, và cũng không dám dũng cảm tự nguyện từ chức sau khi bị cả SVĐ hô vang "Troussier out, Troussier out", HLV Troussier thật sự đã để lại những ấn tượng khó phai, dĩ nhiên là theo chiều hướng không tích cực.
Điều này lại càng trở nên không tích cực hơn nữa khi so sánh về sự tương phản giữa phương pháp làm việc cũng như mức độ hiệu quả của ông Troussier với những ông thầy châu Á ở khu vực gần đây như Park Hang Seo, Shin Tae Yong hay Akira Nishino…
Sau những chuyện như thế, nếu VFF vẫn còn tha thiết với các HLV châu Âu sở hữu bản lý lịch hoành tráng mới là chuyện lạ, giống như người ta vẫn nói: "Chim sợ cành cong" để miêu tả những người đã từng bị tổn thương khi đối mặt với tình huống tương tự quá khứ thì trở nên hoảng sợ hay nghi hoặc.
Tags