Cùng với công tác khảo cổ và xây dựng hệ thống bảo tàng trưng bày, việc phục dựng các nghi lễ, diễn xướng trong quá khứ luôn được coi là giải pháp để tìm lại “phần hồn” của Hoàng thành Thăng Long và giúp Di sản Thế giới này tồn tại như một đại diện cho những giá trị văn hóa trong chiều dài lịch sử dân tộc.
Và trong hàng loạt di sản phi vật thể từng gắn với sự tồn tại của Hoàng thành Thăng Long, lễ hội đèn Quảng Chiếu vẫn luôn nhận về sự quan tâm đặc biệt bởi quy mô và vị trí đặc thù từng có.
"Nhận diện" một lễ hội lớn thời Lý
Thực tế, việc nghiên cứu tìm lại diện mạo của hội đèn Quảng Chiếu đã được giới sử học đặt ra từ rất sớm, trước khi Hoàng thành Thăng Long nhận danh hiệu Di sản Thế giới. Đơn giản, đây được coi là một sự kiện văn hóa - tâm linh đặc biệt tại kinh thành Thăng Long trong thế kỉ 12 do vương triều Lý tổ chức và diễn ra tại khoảng không gian trước cửa Đoan Môn hiện nay.
Ít nhất, các sử liệu cũ có ghi lại 5 lần hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức trong giai đoạn này, cụ thể là vào các năm 1110, 1116, 1120 và 1126 (2 lần). Ngoại trừ một lần mở hội vào tháng 9 năm 1926 cho sứ thần Chiêm Thành vào xem, các lần tổ chức còn lại đều diễn ra vào tháng Giêng hay tháng Hai. Dù vậy, những thông tin về hình thức và nội dung của lễ hội này chỉ được ghi vắn tắt trong văn bia cổ Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Đọi (Hà Nam) với cảnh“dựng đài cao Quảng Chiếu, hướng sân trước Đoan Môn. Trong nêu một cột; ngoài đặt bẩy tầng. Lại có bảo thánh trang nghiêm; điện vàng viện báu…”.
Trên cơ sở này, các dữ liệu về lễ hội này vẫn được các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và bổ chú trong khoảng thời gian vài chục năm trở lại đây. Cụ thể, vào năm 2000, một nghiên cứu của cố GS Hà Văn Tấn đã đưa ra một số phác thảo về hội đèn Quảng Chiếu ở Thăng Long. Cụ thể, điểm nhấn của hội đèn này là 7 ngôi tháp xếp thành một hàng, trên mỗi tháp đặt một pho tượng Phật. Tại đó, tháp chính giữa bằng vàng, hai bên tháp vàng lần lượt là các tòa tháp làm bằng bạc, gỗ mun ô văn và ngà voi. Về nội dung, lễ hội này chịu ảnh hưởng rõ nét của Mật giáo, có liên quan với với lễ thí thực cho ma đói và cô hồn.
Rộng hơn, theo một số ý kiến khác, lễ hội này là sự hòa trộn tổng hợp giữa nghi lễ tôn giáo với nghi thức triều đình và sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian. Như vậy, hội đèn Quảng Chiếu mang tính chất kép của thế tục và tôn giáo, trong đó không thể tách rời mục đích kêu gọi đoàn kết, cầu quốc thái - dân an và tôn vinh trí tuệ của con người. (2 chữ Quảng Chiếu là khái niệm của Phật giáo, có nghĩa là ánh sáng lan tỏa khắp nơi, kể cả chỗ tối tăm và uẩn khuất nhất trong tâm thức mỗi cá nhân).
Tiếp đó, sau thời điểm kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010, ý tưởng phục dựng lễ hội này tại Hoàng thành Thăng Long - Di sản thế giới vừa được công nhận - tiếp tục được nhiều chuyên gia nhắc tới. Nói như cố GS sử học Phan Huy Lê, có thể coi việc phục dựng lễ hội này là điểm khởi đầu hợp lý nhất trong việc dần tìm lại các giá trị văn hóa phi vật thể thời Lý, Trần - vốn là nhiệm vụ lớn của ngành sử học.
“Dồn hòa vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày, thỏa tâm mục của thế gian, già nay trẻ lại” (phần nói về ý nghĩa của hội đèn Quảng Chiếu trên văn bia Sùng Thiện Diên Linh). |
"Quảng chiếu" không gian, thời gian và nhân gian
Đáng nói, vào năm 2012, ý tưởng phục dựng hội đèn Quảng Chiếu của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội đã được tôn vinh ở hạng mục Ý tưởng của giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức.
Theo những ý tưởng được đề xuất khi đó, lễ hội này sẽ được tổ chức tại Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long trong 1 ngày 1 đêm. Không gian tổ chức lễ hội được trang trí đèn nến và có các hoạt động như thỉnh 3 hồi chuông trống, rước nước, dâng hương và thắp đèn quảng chiếu, dâng lục cúng. khai ấn cát tường...
Còn ở thời điểm hiện tại, khi trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia đều cho rằng việc phục dựng hội đèn Quảng Chiếu là hợp lý và cần tiếp tục nghiên cứu để sớm hoàn thiện và triển khai sớm. Trong đó, hình thức của lễ hội cần tìm được cách tiếp cận hợp lý để không khiên cưỡng mà có sự hài hòa giữa quá khứ và hiện tại.
“Hội đèn Quảng Chiếu cần phục dựng trên tinh thần giữ gìn phần hồn của lễ hội xưa, đồng thời có sự sáng tạo để hồn cốt ấy được sáng rõ, sâu rộng và có ý nghĩa thiết thực hơn trong thời đại hiện nay” -TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho biết - “Như thế, việc phục dựng không thể bó hẹp trong tư tưởng “cúng thí ma đói” hay cầu trường thọ mà phải làm rõ tư tưởng quốc thái - dân an bao trùm lên nó.
Cũng theo TS Chức, điểm quan trọng nhất để tạo nên hồn cốt của lễ hội là việc giữ được ý nghĩa sâu xa của chữ Quảng Chiếu. Như phân tích của ông, 2 chữ này phải được hiểu với ý nghĩa rộng lớn và đầy đủ: Quảng chiếu không gian - quảng chiếu thời gian - quảng chiếu nhân gian. Và do vậy, tất cả các lớp ý nghĩa từng có của hội đèn này đều có thể tựu trung bao quát vào ý nghĩa chủ đạo quốc thái - an dân. “Suy cho cùng quốc thái - dân an là ý nguyện, là mong ước muôn đời của người dân đất Việt dù ở thời đại nào”, TS Chức cho biết.
- Tìm sức sống mới cho Hoàng thành Thăng Long (Kỳ 2): Từ Bảo tàng hoàng cung tới Bảo tàng khảo cổ ngoài trời
- Tìm sức sống mới cho Hoàng thành Thăng Long (Kỳ 1): 'Giấc mơ lớn' về điện Kính Thiên
Theo chuyên gia này, ở giai đoạn thử nghiệm, UBND TP Hà Nội nên chủ trì tổ chức lễ hội cùng sự phối hợp tổ chức của các tổ chức, cơ quan hữu quan trên cơ sở vận động xã hội hóa hoạt động văn hóa. Việc tổ chức cần khai thác hợp lý các yếu tố truyền thống và hiện đại; kết hợp hài hòa giữa nghi lễ Phật giáo và các loại hình nghệ thuật ánh sáng, âm thanh, múa, rước đèn truyền thống và các loại hình diễn xướng dân gian. Trang nghiêm - hoành tráng - hấp dẫn - thiết thực là yêu cầu và cũng là tôn chỉ của lễ hội.
Riêng về tên gọi của lễ hội - với 2 thành tố “đèn” và “Quảng Chiếu” - cũng đã có ý kiến cho rằng chỉ cần chữ “Quảng Chiếu” bởi đèn chỉ là công cụ tạo ra ánh sáng để quảng chiếu, hơn nữa lễ hội cũ thật ra sử dụng ánh sáng từ nến (lạp). Tuy nhiên, ThS Nguyễn Đức Trọng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng không thể bỏ chữ “đèn” trong tên gọi. Từ góc nhìn du lịch, ông đề xuất nên mở rộng khái niệm này, nghĩa là bao gồm cả những loại đèn và ánh sáng hiện đại bên cạnh các loại đèn truyền thống. Bởi, ở một mức độ nhất định, việc tổ chức một lễ hội lớn như vậy cũng cần đặc biệt chú ý tới việc áp dụng công nghệ trong thời đại 4.0, cũng như có những sáng tạo hợp lý để hội đèn Quảng Chiếu thực sự trở thành một sự kiện văn hóa thu hút khán giả hiện đại.
Phục dựng các nghi thức cung đình Trong vài năm trở lại đây, các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã bước đầu ứng dụng một số kết quả nghiên cứu vào công tác trưng bày, diễn giải hoặc tái hiện phần nào các nghi lễ, lễ hội, trò chơi, trò diễn... từng gắn với Hoàng thành Thăng Long trong lịch sử. Cụ thể, đó là các lễ ban quạt trong ngày Tết Đoan Ngọ, lễ dựng nêu và cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp, lễ tiến Ngự lịch vào thời điểm giáp Tết, lễ Tiến Xuân ngưu (dâng trâu lên nhà vua trong dịp Xuân). Nhìn chung, các nghi lễ này được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa, có kèm theo trưng bày tư liệu và cung cấp thông tin tới du khách. Theo các chuyên gia, cách tiếp cận này đã bước đầu phát huy hiệu quả, tạo nên sức hấp dẫn đặc thù cho Hoàng thành Thăng Long và cần được tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Đặc biệt, các nghi thức gắn với những kỳ thi đình tại Hoàng thành Thăng Long (từng được tổ chức trưng bày tư liệu vào năm 2018) nên được nghiên cứu để sáng tạo và tái hiện một phần. |
Hoàng Nguyên
Tags