(Thethaovanhoa.vn) - Đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Viễn, người từng giữ chức Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đơn vị nắm quyền tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá nội.
- Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Viễn: 'VPF vẫn phải phụ thuộc vào VFF'
- Ông Phạm Ngọc Viễn, TGĐ Công ty VPF: 'Hội CĐV FLC Thanh Hóa còn chưa đạt chuẩn'
- Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn: 'Vòng 24 V-League không có dấu hiệu tiêu cực'
Sau 6 năm gắn bó với 2 cương vị nói trên, ông Phạm Ngọc Viễn cũng đã chính thức không còn tham gia HĐQT VPF kể từ sau đại hội cổ đông vừa diễn ra vào cuối tuần vừa qua, song những chia sẻ của ông Viễn đối với PV TT&VH về công tác kêu gọi và vận động tài trợ cho V-League - giải đấu số 1 của bóng đá nội vẫn có những giá trị nhất định để có thể tham khảo.
Kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài
Theo đánh giá của ông Viễn, việc kêu gọi tài trợ cho các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá nội nói chung và V-League từ trước tới nay thường tập trung vào nhóm các doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp trong nước.
Dù vậy, với bối cảnh hiện nay và nhìn vào thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, rất khó để có thể mời một doanh nghiệp nội nào có thể tài trợ một số tiền lớn theo một bản hợp đồng dài hơi cho các giải đấu. Chưa nói tới vấn đề, hầu hết các doanh nghiệp nội thường quảng bá thương hiệu theo các phương án truyền thống hoặc mang đặc thù của riêng họ từ trước tới nay.
“Bên cạnh việc tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước, chúng ta cũng cần hướng đến các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở nhiều lĩnh vực khác nhau đang đầu tư hoặc đang tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam và nhu cầu quảng bá thương hiệu là có.
Nếu nắm bắt được nhu cầu của họ và tiếp cận được với các doanh nghiệp này, chắc chắn việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho V-League sẽ thực hiện được”, ông Viễn chia sẻ.
Ông Viễn cũng lý giải thêm về việc VPF nên hướng tới các doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình tìm kiếm nguồn tài trợ cho các đấu giải bóng đá chuyên nghiệp nói chung hoặc V-League nói riêng bởi hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài khi mở rộng thị trường tới Việt Nam, hầu hết họ đều là những doanh nghiệp lớn hoặc tập đoàn có tiềm lực mạnh về kinh tế. Điều này sẽ đảm bảo cho một nguồn tài trợ có giá trị hoặc có thể kéo dài về mặt thời gian.
V-League là một kênh quảng bá hiệu quả
Viện dẫn một câu trong các cuốn sách về marketing trong bóng đá, “Bóng đá là một sản phẩm”, ông Viễn cũng cho rằng V-League dù vẫn còn những tồn tại hay hạn chế ở mặt này, mặt khác, song đây là một kênh quảng bá rất hữu hiệu với chi phí thấp hơn so với các phương án quảng bá khác.
Nói một cách khác, V-League vẫn có giá trị đặc biệt bởi nó là một kênh quảng bá rất hữu hiệu khi nhận được sự quan tâm của số đông và có thể tiếp cận thường xuyên với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội
Những con số thống kê về khán giả cho thấy, V-League mùa giải 2017 thu hút được hơn 1.017.000 khán giả tới sân theo dõi trực tiếp 182 trận đấu (trung bình 5.619 người/trận) và ước chừng khoảng 350.000 người theo dõi trực tiếp các trận đấu qua mạng xã hội ở 1 vòng đấu (tương đương với 9,1 triệu lượt xem trực tiếp trong cả mùa giải). Hoặc đến thời điểm này, kênh VPF Media trên YouTube đã đạt xấp xỉ 74 triệu lượt xem và có hơn 143.000 người đăng ký theo dõi thường xuyên.
“Đây là những con số nói lên sức ảnh hưởng của V-League với khán giả. Nếu tính riêng về mặt chi phí, quảng bá thương hiệu qua bóng đá rõ ràng có lợi hơn so với rất nhiều loại hình quảng bá khác. Và tôi cho rằng, việc kêu gọi tài trợ cho giải đấu này dù khó nhưng không phải là không có cách làm hoặc không làm được kể cả trong thời điểm hiện nay”, ông Viễn chốt lại.
Hành trình gian nan đến với Toyota Toyota là nhà tài trợ nước ngoài duy nhất tài trợ cho V-League trong thời gian 3 năm liên tiếp với số tiền tài trợ tăng lên sau mỗi năm kể từ mùa giải 2015. Số tiền tài trợ dù không được công bố chính thức song chắc chắn không hề thua kém gói tài trợ 100 tỷ đồng mà Eximbank đã tài trợ trong giai đoạn từ mùa giải 2011 đến 2014. “Để có được gói tài trợ của Toyota từ mùa giải 2015 đến 2017, chúng tôi đã khá vất vả và quá trình đàm phán kéo dài từ đầu năm 2014 với rất nhiều lần đàm phán với đối tác từ cấp cao đến cấp thấp. Quá trình này kéo dài gần 1 năm và được giữ bí mật tuyệt đối cho tới phút cuối cùng”, ông Viễn cho biết. |
Vũ Lê
Tags