Tìm thấy di cốt 'cha đẻ' Đông Ki sốt

Thứ Năm, 19/03/2015 10:06 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà khảo cổ Tây Ban Nha vừa tìm thấy di cốt của nhà văn Miguel de Cervantes, tác giả kiệt tác văn học Don Quixote (từng được dịch là Đôn Kihôtê hay Đông Ki sốt), gần 400 năm sau khi ông qua đời.

Nhà nhân chủng học Francisco Etxeberria cho biết sau 1 năm tìm kiếm, nhóm của ông đã xác định được nhiều mảnh di cốt của Cervantes trong một hầm thuộc tu viện dòng Trinitarian ở thủ đô Madrid.

"Chúng tôi tin mình đã tìm thấy di cốt của nhà văn"

Cervantes qua đời ngày 22/4/1616, ở tuổi 69. Theo nguyện vọng cá nhân, thi hài ông được quàn tại tu viện Trinitarian. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ 17, quan tài của ông được chuyển tới một nơi khác, trong thời gian tu viện được xây dựng lại. Kể từ năm 1673, chiếc quan tài đã biến mất một cách bí ẩn trong nhiều thế kỷ.  

Tới đầu năm nay, các nhà khảo cổ đã sử dụng camera hồng ngoại, máy quét 3D, radar kiểm tra lòng đất và phát hiện ra một hầm mộ bị lãng quên trong tu viện. Họ xác định được 33 hốc tường và cho rằng chúng có thể chứa di cốt của Cervantes.


Chân dung nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes

Hồi tháng 1, nhóm nghiên cứu thông báo trong quá trình khai quật, họ đã tìm thấy các phần của một chiếc quan tài đã bị mục, trên có đóng đinh hai chữ “MC” (các chữ cái đầu tiên trong tên của nhà văn). Họ còn tìm thấy di cốt của ít nhất 10 người.

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang kiểm tra, phân tích và xác định di cốt của Cervantes. Công việc này gặp khó khăn lớn do nhiều di cốt đã mục nát, không thể tiến hành xét nghiệm.

Mặc dù chưa có bằng chứng di truyền, nhóm nghiên cứu vẫn tự tin cho rằng họ đã tìm thấy Cervantes."Dựa vào các nguồn tư liệu lịch sử nói về nơi chôn cất Cervantes và nhiều người khác được mai táng cùng ông, chúng tôi tin là mình đã tìm thấy di cốt của nhà văn” – nhà nhân chủng học Almudena Garcia Rubio nói với BBC.

Tại cuộc họp báo được tổ chức hôm 17/3, nhà điều tra Luis Avial nói rằng Cervantes sẽ được cải táng với “đầy lòng kính trọng” tại chính tu viện Trinitarian, như mong muốn của ông. “Cervantes đã yêu cầu được chôn cất tại đây và ông sẽ tiếp tục được an nghỉ tại tu viện này. Sang năm, hầm mộ sẽ lần đầu tiên đón công chúng tham quan, nhân kỷ niệm 400 năm ngày mất của Cervantes” - Luis Avial, thành viên trong nhóm tìm kiếm, cho biết.


Các chuyên gia đang tiến hành phân tách và xác định di cốt nhà văn Cervantes

Nhân vật quan trọng trong lịch sử Tây Ban Nha

Được biết trong quá trình xác định di cốt Cervantes, nhóm chuyên gia này đã vận dụng cả thông tin thu được từ nhiều chuyện riêng về của Cervantes. Cụ thể, một thời gian ngắn trước khi Cervantes qua đời, nhà văn viết rằng ông chỉ còn 6 cái răng. Ngoài ra người ta cũng biết rằng ông từng đi lính và bị thương khi chiến đấu.

Năm 1571, hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào khu vực Địa Trung Hải. Tây Ban Nha và Cộng hòa Venice tổ chức hạm đội Liên minh chống lại lực lượng này. Hạm đội Liên minh đánh tan quân Thổ trong trận Lepanto và Cervantes tham gia trận này. Ông được cho là trúng 3 phát đạn súng hỏa mai, bị thương ở ngực và ở tay.

Cervantes hiện vẫn là nhân vật trong “tháp ngà” của nền văn hóa Tây Ban Nha. Kiệt tác văn học của ông, Don Quixote – Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha (The Adventures of the Ingenious Nobleman Don Quixote of La Mancha) đã làm thay đổi nền văn học xứ sở bò tót. Tiểu thuyết này được in thành 2 cuốn và xuất bản vào các năm 1605 và 1615.

Don Quixote là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất từng được xuất bản. Đây còn là một trong những cuốn tiểu thuyết có nhiều độc giả nhất, được dịch sang nhiều thứ tiếng nhất thế giới.

Các dấu mốc trong cuộc đời và sự nghiệp Cervantes:

Năm 1547: Cervantes chào đời ở gần Madrid.
Năm 1571: Bị thương trong trận đánh Lepanto.
Năm 1575: Bị bắt và bị tù 5 năm ở Algiers.
Năm 1605: Xuất bản phần đầu cuốn tiểu thuyết Don Quixote.
Năm 1615: Xuất bản phần 2 tiểu thuyết  Don Quixote.
Năm 1616: Qua đời ở tuổi 69 do bệnh tiểu đường. Thi hài ông được chôn cất trong tu viện dòng Trinitarian.
Năm1673: Thi hài ông bị thất lạc khi tu viện được xây dựng lại.
Năm 2015: Giới nghiên cứu tìm lại được ngôi mộ ông trong tu viện.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›