Tín hiệu từ Nhà hát Lớn của Bộ trưởng và hi vọng phục hưng các thương hiệu văn hóa

Chủ nhật, 17/07/2016 07:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Để ý, ta sẽ thấy rằng, trong profile của các nghệ sĩ chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế, thường có những thông tin kiểu như: đã từng biểu diễn tại nhà hát x, y, z... Những cụm từ đó như một bảo chứng bằng vàng ròng về "đẳng cấp" của nghệ sĩ, mà không phải là các giải thưởng hay các huy chương.

1. Mỗi nhà hát lớn trên thế giới đều có những quy định ngặt nghèo về việc biểu diễn. Không phải cứ nổi tiếng là đều được biểu diễn mà phải tùy thuộc vào cấp độ về văn hóa, để làm sao Nhà hát vẫn phải giữ nguyên được giá trị của mình qua thời gian.

Chẳng hạn như nhà hát Opéra Garnier ở Paris (Pháp) được xây vào năm 1773 với một mục đích duy nhất, trở thành thánh đường âm nhạc với tất cả sự tôn quý nhất dành cho thể loại âm nhạc được kính nể nhất: cổ điển. Nó mang giá trị của vĩnh cửu, như một biểu tượng văn hóa Paris trang trọng và văn minh.


Nhà hát Opéra Garnier

Và cho đến nay, chuyện những danh ca của những thể loại nhạc phổ thông như Charles Aznavour, George Michael từng biểu diễn tại đây là chuyện rất hãn hữu. Hoặc album của nghệ sỹ phải có hơi thiên hướng về cổ điển (như George Michael) hoặc phải trở thành một biểu tượng của âm nhạc (như Charles Aznavour), mới được cân nhắc.

Trong những trường hợp mà danh tiếng của những nghệ sỹ âm nhạc phổ thông quá lớn thì họ sẽ chọn nhà Odéon (còn có tên Théâtre de l'Europe), cũng là một trong những nhà hát danh tiếng nhất Paris. Nơi đây được xem là nhà hát của kịch nghệ châu Âu nhưng những ca sĩ danh tiếng của dòng nhạc pop, rock cũng có thể đến đây biểu diễn và cũng được chọn lọc khắt khe.

Mỗi album phát hành mà có ghi thêm “live at Odeon” (biểu diễn tại Odeon) bao giờ cũng được xem là bảo chứng về chất lượng của người biểu diễn và thường bán rất chạy.

Nhưng Odeon là một trường hợp gần như ngoại lệ bởi hầu hết tất cả các nhà hát được xem là thánh đường âm nhạc thường chỉ dành để tôn vinh âm nhạc cổ điển, múa, ballet… Dù là Opera Semperoper ở Đức hay Ermitazh (Nga), La Scala (Italia) cũng đều như vậy.

2. Lại nhớ, 6 năm trước, trong dịp "10 năm tái ngộ", ca sĩ Tuấn Vũ đã có liền tù tì mấy đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sức hút phòng vé khiến cho chàng ca sĩ "nhạc sến" một thời này, ban đầu chỉ định làm "một đêm duy nhất", cuối cùng dùng dằng phải đến 5 năm đêm "duy nhất" mới chịu "chia tay" thánh đường nghệ thuật này.

Tiếp theo Tuấn Vũ, "đệ tử chân truyền của Chế Linh" là Mai Quốc Huy cũng làm liveshow khủng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hồi đó, ông Nguyễn Quang Long còn làm Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội đã "phát ngượng" với mấy chữ "đệ tử chân truyền" này trên các băng-rôn của chương trình. Tuy nhiên, chương trình vẫn diễn ra tại Nhà hát Lớn.


Nhà hát Lớn Hà Nội

Công bằng mà nói, Nhà hát Lớn Hà Nội, ngoài các chương trình phục vụ chính trị, xã hội và các chương trình nghệ thuật lớn, còn tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng và nhiệm vụ mình.

Và xưa nay, cũng chưa thấy có quy định nào "cấm" đem nhạc sến vào Nhà hát Lớn. Hơn nữa, với một quy định cấm như thế, còn mang tính kỳ thị, bởi tất cả các dòng nhạc đều có quyền bình đẳng như nhau.

3. Vấn đề là không phải "cấm" những chương trình nào vào Nhà hát Lớn Hà Nội, mà phải xây dựng thương hiệu Nhà hát Lớn bằng cách chọn lọc những chương trình lớn, xứng tầm với nó, để mỗi tấm vé hay giấy mời từ Nhà hát Lớn phát ra là một bảo chứng cho đẳng cấp nghệ thuật của chương trình.

Để 'giấc mơ Nhà hát Lớn' thành hiện thực

Để 'giấc mơ Nhà hát Lớn' thành hiện thực

Không quá lời khi gọi việc biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội là một giấc mơ với bất cứ nghệ sĩ nào. Bởi bên cạnh bề dày văn hóa và sự sang trọng từng được mặc định trong lịch sử mức giá thuê khá cao

Theo nghĩa đó, dư luận chắc chắn sẽ ủng hộ chủ trương tạo cơ chế ưu tiên khai thác Nhà hát Lớn làm nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Muốn thế, đầu tiên phải có cơ chế về giá để các tác phẩm này có thể vượt được cửa ải là giá thuê thánh đường này, lên tới hàng chục triệu đồng mỗi đêm.

4. Nhìn rộng ra, trong thời đại kinh tế thị trường, không ít các thương hiệu văn hóa đã không còn giữ được "chất" của mình nữa, mà phải bươn chải theo cơ chế dịch vụ.

Còn bao nhiêu cái logo nhà xuất bản còn được coi là bảo chứng bằng vàng ròng khi được in lên bìa các tác phẩm mà nó cấp giấy phép? Dưới danh nghĩa liên kết xuất bản, khá nhiều thương hiệu xuất bản nổi tiếng một thời chỉ còn là nơi "bán giấy phép".

'Ngập' sao Hoa ngữ, vắng tinh hoa và 'nhập siêu' thần tượng

'Ngập' sao Hoa ngữ, vắng tinh hoa và 'nhập siêu' thần tượng

Tại hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch mới đây, vị 'tư lệnh' ngành, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói rằng, đã lâu lắm rồi nghệ thuật Việt Nam chưa có những tinh hoa.

Rồi còn những hãng phim nữa? Thay tên, đổi chủ có còn giữa được thương hiệu nữa không?

Đó là điều rất đáng tiếc cho ngành văn hóa.

Hy vọng rằng tín hiệu mới từ Nhà hát Lớn sẽ đánh dấu một thời kỳ phục hưng của các thương hiệu văn hóa.

Đông Kinh - Rong Ca
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›