Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc

Thứ Sáu, 04/04/2025 11:02 GMT+7

Google News

Trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, hiếm có một tín ngưỡng nào có sức sống bền bỉ, mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đó không chỉ là một di sản văn hóa - được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - mà còn là hồn cốt dân tộc, là điểm tựa tâm linh cho triệu triệu người Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước và trên toàn thế giới.

Trong kỷ nguyên phát triển mới - khi đất nước đang vươn mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, từ khoa học đến hội nhập quốc tế - tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống mà còn đang từng bước được thắp sáng bằng tinh thần thời đại, tiếp tục là mạch nguồn văn hóa nuôi dưỡng bản sắc và khát vọng Việt Nam.

Hồn thiêng đất Tổ: Gốc rễ vững bền của dân tộc

Giữa muôn vàn biến thiên của lịch sử, giữa nhịp sống hối hả của thời đại mới, vẫn có một nơi mà trái tim của triệu người Việt cùng lặng lại - đó là đất Tổ linh thiêng, nơi đền Hùng uy nghiêm giữa núi Nghĩa Lĩnh mây trắng. Nơi ấy, không chỉ có rừng xanh, suối chảy và tiếng trống đồng ngân xa trong ký ức, mà còn là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi, là cội rễ vững bền của cả dân tộc.

Trong tâm thức người Việt, đó là nơi thiêng nhất trong những nơi thiêng, là khởi điểm của mọi hành trình, là nơi để mỗi người trở về, dù bằng đôi chân hay bằng những rung động sâu kín nhất trong tim.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc - Ảnh 1.

Đội tế lễ xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì) thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống tại đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ một mạch đạo lý rất Việt Nam - đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Chính từ lòng biết ơn sâu sắc đối với những bậc tiền nhân đã "khai sơn phá thạch", dựng nên đất nước, giữ gìn bờ cõi và xây nền cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc, tín ngưỡng ấy hình thành - như một mạch suối ngầm thấm vào từng lớp đất, từng lối sống, từng hơi thở của cộng đồng người Việt Nam. Đó là lòng tri ân không chỉ dành cho một cá nhân hay triều đại, mà là sự tôn kính đối với tổ tiên chung - các Vua Hùng - những người đầu tiên đã gọi tên đất nước này bằng một cái tên thiêng liêng: Văn Lang.

Mỗi năm, vào ngày 10 tháng Ba âm lịch, từ khắp các miền quê đất Việt Nam - từ đỉnh núi đến phố thị, từ bản làng nơi biên viễn cho đến hải đảo xa xôi - những dòng người lại hành hương về đất Tổ. Họ không đến chỉ để tham quan hay chiêm bái. Họ về để lắng lòng, để sống lại trong mình một phần ký ức dân tộc, để tìm về gốc rễ. Những nén hương thắp lên ở đền Thượng không chỉ là nghi lễ tôn giáo, mà là lời hứa với tiền nhân rằng: Con cháu hôm nay vẫn luôn ghi nhớ công ơn cha ông, vẫn tiếp bước trên con đường dựng nước và giữ nước. Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3.

Không cần lễ nghi cầu kỳ, không cần triết lý sâu xa, sự linh thiêng của tín ngưỡng thờ Hùng Vương được trao truyền như một ngọn lửa qua tay mẹ, tay bà, qua lời ru trưa Hè và mâm cơm giỗ Tổ đơn sơ nhưng ấm lòng. Đó là khi đứa trẻ được dạy rằng: "Con là cháu Rồng, con là con của đất nước này". Đó là khi người Việt Nam dù xa quê đến tận phương trời nào cũng đau đáu một ngày được trở về dâng hương nơi đất Tổ, để lòng mình lặng đi trong tiếng gió, trong hương trầm quyện khói, và trong dòng người nối dài như mạch sống dân tộc chưa từng đứt đoạn.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc - Ảnh 2.

Chủ tế thực hiện nghi thức hóa sớ tại đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân

Không giống như nhiều tín ngưỡng khác gắn với hệ thống giáo lý hay triết học tôn giáo, tín ngưỡng thờ Hùng Vương là tín ngưỡng của trái tim, của lòng thành kính. Nó không cần được lý giải, bởi nó được cảm nhận. Nó không phân biệt sang hèn, lớn nhỏ, bởi bất kỳ ai mang dòng máu Việt Nam cũng đều là con cháu Lạc Hồng. Các Vua Hùng không chỉ là biểu tượng của quá khứ, mà còn hiện diện sống động trong hiện tại - trong mỗi hành động hướng về nguồn cội, trong mỗi lễ hội, trong từng nét văn hóa làng quê, trong nếp sống, nếp nghĩ của người Việt Nam.

Và kỳ lạ thay, càng đi qua bao biến động của thời gian, tín ngưỡng ấy càng bền chặt, càng trở nên thiêng liêng và gần gũi. Trong mỗi trái tim người Việt Nam, dù đang mưu sinh nơi thành thị hay chắt chiu cuộc sống nơi đất khách, vẫn luôn có một vùng ký ức rất riêng mang tên "đất Tổ", nơi lưu giữ gốc gác tinh thần, nơi người ta tìm về không chỉ để cầu an, mà để cảm thấy mình vẫn là một phần trong dòng chảy bất tận của lịch sử dân tộc.

Hồn thiêng ấy không chỉ là hồn của một di tích, mà là hồn của non sông, là bản sắc tinh thần của một đất nước từng trải qua bao thử thách để tồn tại, để hồi sinh và vươn lên. Nó là mạch nguồn kết nối quá khứ với hiện tại, là nhịp cầu đưa người Việt Nam vượt qua những giới hạn của thời gian và không gian, để hiểu mình hơn, yêu đất nước mình sâu sắc hơn, và từ đó sống có trách nhiệm hơn với tương lai dân tộc.

Và chính bởi vậy, khi đứng trước bàn thờ Tổ, dù là một em bé hay một cụ già tóc bạc, dù là người dân quê chân chất hay người thành đạt giữa đô thị phồn hoa - ai cũng thấy tim mình rung lên một nhịp thành kính. Đó là sự đồng điệu không cần nói thành lời, là sức mạnh vô hình làm nên sự cố kết cộng đồng Việt Nam suốt bao đời - sức mạnh bắt nguồn từ niềm tin rằng: chúng ta có cùng một cội nguồn, có chung một tổ tiên, và có trách nhiệm giữ gìn, phát triển di sản ấy cho mai sau.

"Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vì thế không chỉ là tài sản văn hóa, mà là trụ cột tinh thần của dân tộc Việt Nam " - PGS-TS Bùi Hoài Sơn.

Phụ nữ - những người giữ lửa cho tín ngưỡng từ bao đời

Nếu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một ngọn lửa thiêng liêng cháy trong tâm thức dân tộc, thì phụ nữ chính là những người âm thầm gìn giữ, truyền lửa và sưởi ấm ngọn lửa ấy qua từng thế hệ. Không ồn ào, không rực rỡ, nhưng chính họ - những người mẹ, người bà, người chị - là những "nữ chủ tế" của đời sống tinh thần, là cầu nối giữa tổ tiên và thế hệ hôm nay bằng tình yêu, bằng niềm tin và bằng sự bền bỉ không gì có thể thay thế.

Từ xa xưa, trong không gian làng quê Việt Nam, người phụ nữ đã là trung tâm của đời sống gia đình - không chỉ là người gìn giữ nếp nhà, mà còn là người trông coi bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị mâm cơm ngày giỗ, thắp nén nhang trong những dịp lễ Tết. Trong những buổi lễ cúng gia tiên, hay những lần giỗ Tổ tổ chức tại đình làng, phụ nữ là người gói bánh chưng, nấu chè kho, tỉ mỉ xếp từng nén vàng thoi, hoa trái… Không ai dạy họ bằng sách vở, nhưng những nghi lễ truyền thống đã được truyền lại bằng chính đôi tay, bằng ánh mắt trìu mến của mẹ dành cho con, bằng lời ru "À ơi… con ơi nhớ lấy câu này, công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…" - những lời ru đã chở che bao thế hệ lớn lên trong sự kết nối thiêng liêng với tổ tiên.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc - Ảnh 4.

Trình diễn đánh trống đồng và đâm đuống tại Bảo tàng Hùng Vương (Khu Di tích lịch sử Đền Hùng)

Tại đất Tổ Phú Thọ - cái nôi của tín ngưỡng thờ Hùng - dấu ấn của người phụ nữ càng rõ nét. Họ không chỉ là người tham gia tích cực vào các hoạt động lễ hội, mà còn là người giữ gìn các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến tín ngưỡng, như hát Xoan, múa hát thờ thần. Nhiều bà, nhiều chị đã trở thành nghệ nhân hát Xoan - một trong những thành tố quan trọng được UNESCO ghi nhận cùng với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Những làn điệu Xoan cổ, từng tưởng bị mai một, đã được hồi sinh từ lòng yêu nghề, yêu quê hương và tinh thần gìn giữ cội nguồn của chính những người mẹ, người chị nơi đất Tổ.

Những người phụ nữ ấy không chỉ hát cho vui, mà họ hát bằng tâm, hát để kể lại lịch sử cha ông, để truyền lửa cho con cháu, để gìn giữ ký ức tập thể của cả cộng đồng. Họ không xem đó là "công việc", mà là trách nhiệm, là niềm tự hào, là sứ mệnh tinh thần cao quý mà mình phải gánh vác. Có những người mẹ, người bà suốt hàng chục năm gắn bó với hát Xoan, với đền Hùng, với các lễ hội truyền thống, mà chưa từng một lần nhận phần thưởng nào - phần thưởng lớn nhất của họ là ánh mắt say mê của con cháu, là niềm tin rằng truyền thống vẫn đang được giữ gìn, dù thời đại có đổi thay.

Ngày nay, trong kỷ nguyên số, vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn tín ngưỡng tổ tiên lại càng đa dạng và linh hoạt hơn. Họ không chỉ giữ lửa trong bếp nhà, trong bàn thờ tổ tiên, mà còn là người truyền cảm hứng cho cộng đồng bằng chính năng lượng và sự sáng tạo của mình. Nhiều cô giáo đưa những truyền thuyết về Hùng Vương vào giờ học sinh động cho học sinh tiểu học. Nhiều nhà nghiên cứu nữ đã dành cả đời mình để khai thác chiều sâu văn hóa của tín ngưỡng này, kết nối nó với các biểu hiện nghệ thuật, tâm linh, và xây dựng một nền tảng học thuật vững chắc. Không ít nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sáng tạo nội dung… là phụ nữ, đã mang hình ảnh các Vua Hùng, các biểu tượng của đất Tổ vào thời trang, vào sân khấu, vào mạng xã hội - những không gian mới của tín ngưỡng trong thời đại số.

Họ - những người phụ nữ thời hiện đại - vẫn đang thắp lên những ngọn lửa mới từ ánh lửa cũ. Từ những hành động giản dị: dạy con chắp tay trước bàn thờ tổ, đưa con về Phú Thọ trong dịp Giỗ Tổ, hay đơn giản là kể lại cho con nghe về "bánh chưng bánh giầy", về cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Chính từ đó, truyền thống không bị lãng quên, mà tiếp tục sống - trong nhịp sống mới, trong ngôn ngữ mới, nhưng vẫn mang linh hồn xưa cũ.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc - Ảnh 5.

Các thành viên của Hội Trại văn hóa, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) thực hiện gói bánh chưng và giã bánh giầy tại tại khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Và cũng không thể không nhắc đến những người phụ nữ kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Trong những cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu, châu Mỹ hay châu Úc, họ vẫn tổ chức giỗ Tổ, vẫn dạy con cháu mình nhớ nguồn cội. Trong căn hộ nhỏ giữa trời Tây, một bàn thờ nhỏ với bức ảnh các Vua Hùng, với nhành đào, chiếc bánh chưng… vẫn là nơi để họ tựa vào khi nhớ quê, là nơi để truyền dạy cho thế hệ thứ hai, thứ ba rằng: "Con là người Việt Nam. Con có Tổ quốc."

Có thể nói, trong suốt dòng chảy của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, người phụ nữ Việt Nam chính là dòng sông ngầm kiên cường, lặng lẽ chảy, nhưng đầy ắp phù sa văn hóa. Họ không chỉ gìn giữ tín ngưỡng ấy, mà còn làm cho nó sống động, gần gũi, và bền bỉ trong đời sống cộng đồng. Chính họ là nhịp cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa cha ông và con cháu, giữa đất Tổ và mọi miền đất nước. Và trong mỗi bước chân về đền Hùng, trong mỗi làn khói hương bay lên trời xanh, ta có thể thấy dáng hình của mẹ, của bà, của những người phụ nữ Việt Nam - đang lặng lẽ gánh trên vai sứ mệnh gìn giữ một phần linh hồn dân tộc.

Điểm tựa tinh thần để giữ vững bản sắc

Có thể nói, trong mỗi nén hương dâng lên các Vua Hùng là biết bao niềm tin, khát vọng và trách nhiệm gửi gắm. Đó không chỉ là hành động mang tính nghi lễ, mà là một cuộc đối thoại thầm lặng giữa con cháu hôm nay với tổ tiên ngàn xưa - một sự tiếp nối thiêng liêng không ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn. Mỗi lần trở về đất Tổ, đứng dưới tán rừng thông già nghe tiếng chuông ngân vang trong sương sớm, ta bỗng thấy lòng nhẹ bẫng - như thể giữa cuộc đời đầy rẫy những biến động, vẫn có một nơi để tâm hồn được trú ngụ, được lắng lại, được tiếp thêm sức mạnh.

Trong hành trình phát triển mới, nơi mà công nghệ, kinh tế, ngoại giao... trở thành những trụ cột hiện đại của quốc gia, ta càng cần hơn bao giờ hết những điểm tựa tinh thần để giữ vững bản sắc. Và chính tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bằng chiều sâu lịch sử, bằng sức sống bền bỉ của văn hóa dân gian, bằng năng lượng kết nối cộng đồng - đã và đang là ngọn lửa âm ỉ cháy trong từng người Việt Nam, để dù gió thời đại có thổi mạnh đến đâu, cội nguồn ấy vẫn không hề lay chuyển.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc - Ảnh 7.

Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ du khách tại Đền Hùng

Tín ngưỡng ấy, nhờ được gìn giữ và thắp sáng qua bàn tay người mẹ, qua lời ru của người bà, qua ánh mắt đầy tự hào của người cha dắt con lên đền Thượng, đang được tái sinh trong từng thế hệ trẻ. Đó là một thế hệ biết sử dụng công nghệ, biết hội nhập toàn cầu, nhưng cũng không quên thắp một nén nhang ngày Giỗ Tổ, không quên đặt tay lên ngực mình mỗi khi hát Quốc ca và thì thầm câu nói giản dị mà thiêng liêng: "Con là người Việt Nam."

Chúng ta có thể chưa biết tương lai sẽ đổi thay đến đâu, những thành tựu lớn lao nào sẽ được kiến tạo, những thách thức nào còn phía trước. Nhưng có một điều chắc chắn: nếu chúng ta vẫn biết hướng về cội nguồn, nếu vẫn còn một ngày trong năm để triệu người Việt Nam cùng hành hương về đất Tổ, nếu mỗi đứa trẻ sinh ra vẫn được nghe chuyện cha Rồng mẹ Tiên, vẫn học cách cúi đầu thành kính trước tổ tiên với lòng biết ơn sâu sắc - thì tương lai ấy sẽ là một tương lai có gốc, có rễ, có hồn.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vì thế không chỉ là tài sản văn hóa, mà là trụ cột tinh thần của dân tộc Việt Nam. Một trái tim đập bằng nhịp đập của yêu thương, biết ơn, kết nối và khát vọng. Để từ đó, chúng ta có thể viết tiếp giấc mơ Việt Nam - không chỉ hùng cường về kinh tế, hiện đại về công nghệ, mà còn sâu sắc trong văn hóa, vững chãi trong tinh thần, và trường tồn trong hồn cốt.

Từ mạch nguồn Phong Châu đến bốn phương trời, từ lớp lớp cháu con hôm nay đến những thế hệ mai sau - hành trình ấy vẫn tiếp tục. Và ánh lửa từ đất Tổ sẽ còn mãi bừng sáng - soi đường cho dân tộc Việt Nam trên con đường vươn ra biển lớn, mà vẫn luôn nhớ lối về quê cha đất Tổ.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›