Những hoạt động của kỳ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2023 vừa khép lại cùng chuỗi ngày nghỉ lễ dài trên cả nước. Và nhìn lại chuỗi ngày ấy, một lần nữa, ta vẫn phải ấn tượng mạnh trước những tác động rất lớn của công nghệ số, chuyển đổi số đến lĩnh vực văn hoá, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
1. Từ thực tiễn hiện nay, có thể nhận thấy công nghệ số đã tác động đến tâm thức thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam một cách đa chiều. Công nghệ số đã giúp người Việt Nam tiếp cận với thông tin về Giỗ Tổ một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn thông qua các trang web, blog và các ứng dụng di động. Ngoài ra, các hoạt động truyền thống cũng đã được phát triển thông qua sử dụng công nghệ số như trình diễn nghệ thuật, truyền tải thông điệp về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Nhờ công nghệ số, nhiều người đã có thể tham dự lễ hội hoặc các thực hành tín ngưỡng một cách gián tiếp qua các nền tảng công nghệ. Ngoài ra, những người chưa đến đền Hùng cũng có thể xem, tham quan tìm hiểu thông qua nền tảng số. Họ có thể biết được nhiều thông tin, cơ sở thờ tự, các hiện vật cũng như tổng quan khu di tích thờ Hùng Vương.
Điển hình, ngày 25/4 (tức ngày 6/3 năm Quý Mão) vừa qua, đoàn kiều bào gồm hơn 100 đại biểu đang sống ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã trở về vùng đất Tổ thực hiện lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng.
Đây là sự kiện được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức. Trong không khí trang nghiêm, trước anh linh các Vua Hùng, đoàn đã dâng hương tỏ lòng thành kính tri ân công đức Tổ tiên và cầu nguyện cho sự thịnh vượng của đất nước, khẳng định được vị thế của đất nước trên trường quốc tế cũng như sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, cùng hướng về ngày Giỗ Tổ và quảng bá tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2023 đã được tổ chức với sự phối hợp giữa phía Việt Nam và các tổ chức quốc tế tại nhiều quốc gia, trong đó có Tổng hội người Việt Nam tại Lào, Hội Hữu nghị Malasyia - Việt Nam, Cộng đồng người Việt tại Saint Petersburg (Liên bang Nga)… Chương trình diễn ra trực tiếp tại Đức (nước tổ chức trọng điểm châu Âu) ngày 23/4 và Lào (nước tổ chức trọng điểm châu Á) vào ngày chính lễ 29/4 với sự tham gia của các đại biểu, kiều bào từ gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, sự kiện cũng được thực hiện trực tuyến, kết nối với hàng chục điểm cầu trên thế giới vào ngày lễ chính, lúc 13 giờ (giờ Việt Nam) ngày 29/4 (tức ngày 10/3 âm lịch).
Đây chính là kết quả trong hành trình hơn 8 năm qua của Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu hướng tới mục tiêu nhằm lan toả, định vị văn hoá Việt Nam trên toàn cầu. Các hoạt động của dự án đều thể hiện lòng biết ơn cội nguồn, tổ tiên, nỗ lực kết nối người Việt Nam toàn cầu, được truyền thông rộng rãi trên nền tảng công nghệ số, được đồng bào ghi nhận, bạn bè quốc tế đánh giá cao.
2. Còn nhớ, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, tất cả các cơ sở thờ tự đều buộc đóng cửa, không đón khách thăm quan, mọi hoạt động tương tự cũng đều tạm dừng. Những lúc như thế, công nghệ số đã là trợ thủ đắc lực hơn bao giờ hết.
Hiện nay, du lịch và lễ hội đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và có những bước chuyển biến đột phá, gắn liền với công nghệ số. Việc quảng bá hình ảnh, mở rộng, nâng cấp các sản phẩm dịch vụ văn hoá tâm linh, du lịch hướng về nguồn được ưu tiên khai thác phục vụ khách tham quan, hành lễ. Nhờ nền tảng này, chúng ta bất cứ khi nào, ở đâu cũng có thể tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí tham dự vào không gian lễ hội và các hoạt động của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Với những ý nghĩa đó, công nghệ số/chuyển đổi số góp phần lan toả giá trị tín ngưỡng Hùng Vương đến với nhiều người trên khắp thế giới, qua đó góp phần tô đậm thêm tâm thức của người dân đối với tín ngưỡng Hùng Vương
Mặt khác, trước sự bùng nổ của các trò chơi trực tuyến, hoạt động quảng cáo, dịch vụ thương mại hay các nội dung giải trí khác, nhiều người trẻ ngày nay dành nhiều thời gian cho việc giải trí trên mạng thay vì tìm hiểu lịch sử, văn hoá, kiến thức về tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Đáng nói, sự phát triển của công nghệ số cũng có thể gây ra mất cân bằng về tâm linh và văn hóa, khiến cho một số người đánh giá giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo một cách khác, chỉ coi đó là một hoạt động văn hóa truyền thống mà bỏ qua ý nghĩa tâm linh của nó. Điều này có thể dẫn đến sự giảm thiểu ý thức về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức họ.
Để bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trước sự tác động của công nghệ số, cần có sự tham gia và giúp đỡ của cộng đồng. Chúng tôi cho rằng, cần phải có những giải pháp như giáo dục và tuyên truyền để truyền tải giá trị và ý nghĩa của tín ngưỡng này cho thế hệ trẻ. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng để tổ chức các hoạt động thờ cúng đúng truyền thống và hiệu quả, góp phần đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến gần hơn với người dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, công nghệ số cũng có thể được sử dụng để phát triển và giới thiệu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho nhiều người hơn, ví dụ như thông qua các ứng dụng di động hoặc trang web. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo rằng việc áp dụng công nghệ số này phải được thực hiện đúng theo truyền thống và không làm mất đi giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Ngoài ra, cần bảo tồn và phát triển tín ngưỡng này thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị nhiều mặt của loại hình tín ngưỡng này. Việc này cũng nhận được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, việc số hoá di sản văn hoá Việt Nam cũng đã được Chính phủ phê duyệt.
3. Công nghệ số và chuyển đổi số sẽ là cầu nối cho những giải pháp tối ưu để bảo tồn, phát huy và nâng tầm giá trị di sản văn hoá phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mang lại hiệu quả thiết thực. Muốn làm được việc này, cần có lộ trình xây dựng các nội dung số hoá. Tiêu chí thực hiện, phân chia theo thứ tự ưu tiên và việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu số hoá cũng cần được lượng hoá kỹ trước khi thực hiện nhằm tránh sai sót không đáng có.
Trong thời đại công nghệ số, để bảo tồn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cần có những giải pháp hiệu quả để tạo sự thu hút và kết nối người dân với truyền thống lịch sử văn hoá của đất nước. Để đạt được điều này, cần xây dựng các chương trình giáo dục, truyền thông để giới thiệu giá trị và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Việc sử dụng công nghệ số như internet, truyền hình, video clip... cũng là một cách làm hiệu quả để truyền tải thông tin đến mọi người. Đồng thời, cần tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống liên quan đến vua Hùng để giúp người dân cảm nhận và hiểu sâu sắc hơn về loại hình tín ngưỡng này.
Thêm vào đó, cần tạo ra những trải nghiệm thú vị và độc đáo cho du khách đến thăm các di tích lịch sử liên quan đến vua Hùng. Sử dụng công nghệ số để phổ biến và giới thiệu các nghi thức tín ngưỡng cũng là một giải pháp tiềm năng thu hút sự quan tâm của mọi người. Ngoài ra, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng và các địa phương để tăng cường quản lý, bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa của đất nước.
Một ứng dụng công nghệ thú vị đã được áp dụng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023, khi Ban tổ chức sử dụng mã QR để bà con khách tới tham quan phát tâm công đức mà không mang theo tiền mặt có thể chuyển khoản tiền giọt dầu/công đức.
Tags