(Thethaovanhoa.vn) - Sau 10 ngày phá hoại miền Bắc, đêm 27/12/1972, chiếc máy bay B-52 đầu tiên của Mỹ đã bị Không quân Việt Nam bắn rơi. Người bắn rơi chiếc máy bay này là Anh hùng Phạm Tuân.
Chiến công này là đòn giáng đau vào “pháo đài bay” bất khả chiến bại của đế quốc Mỹ khi ấy. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, là chiến tích không thể nào quên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Âm mưu dùng sức mạnh “pháo đài bay” B-52 tấn công miền Bắc
Sau những thất bại trong Mậu Thân 1968, Đường 9-Nam Lào năm 1971; đặc biệt là sau cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân Việt Nam trên chiến trường miền Nam, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn.
Trong nỗ lực chiếm lợi thế trên bàn đàm phán hòa bình tại Paris, tháng 12/1972, giới chức Mỹ đứng đầu là Tổng thống Nixon âm mưu sử dụng sức mạnh không quân để tấn công chớp nhoáng vào miền Bắc Việt Nam trong thời gian nghỉ lễ Giáng sinh. Con bài chủ lực sẽ là máy bay ném bom chiến lược B-52. Lầu Năm góc tổ chức chiến dịch “Linebacker II”, dùng máy bay chiến lược B-52 ném bom ồ ạt vào cơ sở hạ tầng trên toàn miền Bắc, chủ yếu nhằm vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố.
Mục đích chính của đế quốc Mỹ là sử dụng phương pháp ném bom rải thảm cường độ cao, không quan tâm đến thiệt hại về dân thường, nhằm san phẳng các cơ quan, phá hủy các tổ hợp quân sự, các tuyến đường vận tải, nhà ga, cảng biển, hòng vô hiệu hóa “đầu não” và “dạ dày” của cuộc kháng chiến. Người Mỹ kỳ vọng rằng bom đạn sẽ buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải chấp nhận các điều khoản có lợi cho họ trên bàn đàm phán ở Paris.
B-52 được sử dụng rộng rãi trong các nhiệm vụ ném bom rải thảm ở Việt Nam kể từ năm 1965. Theo lời kể của nhà báo kiêm phóng viên chiến trường Neil Sheehan, một biên đội 6 chiếc B-52 khi thả bom từ độ cao 10.000 m có thể hủy diệt mọi thứ trong một ô chữ nhật có chiều rộng 3,2 km, chiều dài 9-12 km.
Để thực hiện chiến dịch “Linebacker II”, Mỹ huy động 197 chiếc B-52, tương đương với toàn bộ số lượng máy bay ném bom chiến lược đóng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chiếm một nửa trong tổng số B-52 trong biên chế không quân chiến lược Hoa Kỳ khi đó. Xét về tương quan lực lượng, không quân Hoa Kỳ hoàn toàn thống trị bầu trời Việt Nam.
Trong khi đó, đối đầu với lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới là lực lượng phòng không-không quân Việt Nam non trẻ, sử dụng vũ khí được viện trợ bởi các nước XHCN anh em. Giới chức quân sự Mỹ tin rằng tên lửa S-75 “Dvina” sẽ hoàn toàn bị “mù” nếu tìm cách bắn trả. Máy bay MiG-21 nếu cất cánh sẽ bị tiêu diệt gọn bằng đội ngũ tiêm kích hộ tống hùng hậu. Những khẩu pháo phòng không và súng máy với tầm bắn hạn chế sẽ hoàn toàn vô hiệu, nằm chờ sự hủy diệt.
Những chiếc B-52 được bảo vệ dày đặc, trở thành các “pháo đài bay” bất khả xâm phạm, được cho là sẽ “dạo chơi” trong không phận miền Bắc Việt Nam. Người Mỹ tự tin tuyên bố chỉ có thời tiết hoặc trục trặc kỹ thuật mới có thể ngăn cản chúng.
Cuộc đọ sức của vũ khí và ý chí trên bầu trời Hà Nội
Khi ấy, Không quân ta với máy bay tiêm kích hiện đại nhất MiG 21 đã nhiều lần xuất kích nhưng vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ. Trong một lần xuất kích, phi công Vũ Đình Rạng đã vượt qua được vành đai phòng thủ dày đặc của máy bay tiêm kích Mỹ, tấn công được pháo đài bay B-52 khiến máy bay này hư hỏng nặng, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất ở Thái Lan. Trước diễn biến ấy, Bộ chỉ huy Đoàn Không quân Sao Đỏ đã triệu tập những phi công đánh đêm để phân tích chiến thuật đánh máy bay ném bom Mỹ, khi có máy bay tiêm kích yểm trợ trong những điều kiện thời tiết khác nhau ban ngày và ban đêm.
Anh hùng Phạm Tuân và đồng đội sau đó đã nhiều lần cất cánh nhưng thời cơ chưa thuận lợi. Thêm nữa, nhờ có thiết bị ra-đa tối tân đặt trên các máy bay trinh sát, không quân Mỹ thường xuyên săn tìm được các địa điểm cất cánh máy bay của ta, nhiều lần máy bay địch phát hiện, tấn công sân bay của ta dù được bố trí khá xa và ngụy trang tốt.
Đến ngày 27/12, chiến dịch đã qua gần 10 ngày, lực lượng phòng không, nhất là bộ đội tên lửa đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 và nhiều loại máy bay khác của địch. Không quân ta cũng đã xuất kích nhiều lần, bắn rơi một số máy bay chiến thuật. Sự xuất hiện của không quân ta đã làm giãn đội hình và phân tán sự đối phó của địch, tạo điều kiện tốt để lực lượng phòng không ta lập công.
Tuy nhiên, không quân ta vẫn chưa bắn rơi được chiếc máy bay B-52 nào. "Là những phi công làm nhiệm vụ chiến đấu ban đêm ngày ấy, chúng tôi cảm thấy như mình có lỗi, chưa làm tròn nhiệm vụ. Từ thực tế chiến đấu, không quân ta đã thay đổi cách đánh B-52, bằng việc đưa máy bay MiG-21 ra các sân bay vòng ngoài và sân bay dã chiến để cất cánh đánh B52...", Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.
Khoảng 17 giờ ngày 27/12/1972, Phạm Tuân điều khiển máy bay tiêm kích MIG-21 hạ cánh xuống sân bay Yên Bái. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, Phạm Tuân được lệnh xuất kích từ sân bay này, khi bay qua tầng mây, ông nhìn thấy rất nhiều máy bay yểm trợ cho B-52 là F-4, nhưng không được đánh và phải bay vòng qua để tìm B-52. F-4 lúc đó cũng không phát hiện ra MIG-21.
Sau khi vọt qua đội F-4 hộ tống, ông tiếp cận hai chiếc B-52, khi còn cách B-52 khoảng 4 km, dẫn đường mặt đất ra lệnh bắn, nhưng Phạm Tuân chờ thêm mấy giây để tiếp cận gần hơn rồi mới bắn. Chiếc MiG-21 cũng tắt radar và các thiết bị liên lạc để B-52 không phát hiện ra là đang bị áp sát. Ông bắn rơi một chiếc trên vùng trời phía tây Hà Nội bằng 2 quả tên lửa không đối không NHK-8-9-1-2, rồi trở về hạ cánh xuống sân bay Yên Bái. “Đấy là trận đầu tiên không quân bắn rơi B52. Chúng tôi vui lắm vì không quân đã hoàn thành nhiệm vụ!” – Trung tướng Phạm Tuân kể.
Ngay trong đêm 27/12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã điện khen bộ đội không quân lập công xuất sắc, bắn rơi máy bay chiến lược B52 của Mỹ.
Chiến thắng của Anh hùng Phạm Tuân đã là một "cú hích" góp phần làm nên "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Ngày 27/12/1972 trở thành ngày "Điện Biên Phủ trên không" của bộ đội không quân. Chiến công ấy kỳ diệu đến mức, khi Phạm Tuân đến nhà tù Hỏa Lò, thăm các phi công Mỹ đang bị giam giữ ở đây, những phi công ấy vẫn bàng hoàng vì đến lúc ấy, chúng vẫn không thể hiểu vì sao "siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm" B-52 của chúng lại bị chiếc máy bay Mig 21 nhỏ bé bắn rơi?
Ngay sau đó, ngày 28/12, Thượng uý phi công Vũ Xuân Thiều lại “hạ” được một chiếc B-52 nữa. Tuy nhiên, anh đã anh dũng hy sinh khi lao thẳng chiếc MIG của mình vào B-52. Trước khi xuất kích Thượng uý Vũ Xuân Thiều đã nói: “Bắn mà B-52 địch không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó”. Thượng uý phi công Vũ Xuân Thiều đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một đường phố ở Hà Nội cũng đã được đặt theo tên anh: Phố Vũ Xuân Thiều.
- Sức mạnh tổng hợp của dân tộc qua chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
- Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức hào hùng của các cựu chiến binh ở Sơn La
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Đó là những chiến tích không thể nào quên trong rất nhiều chiến công của các chiến sĩ phi công Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tính đến ngày chiếc B-52 cuối cùng của đế quốc Mỹ bị bắn hạ trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, quân chủng không quân của ta mới chỉ thành lập được vỏn vẹn 8 năm. Nhưng với sự dũng cảm phi thường, sự mưu trí và quyết tâm bảo vệ bầu trời Tổ quốc, những chiến sĩ phi công của ta đã lập nên những chiến công vang danh sử sách, là nỗi khiếp sợ của không quân Hoa Kỳ - lực lượng không quân hiện đại bậc nhất thế giới.
Trong 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác, đập tan âm mưu chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chấp nhận thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Diệp Ninh/TTXVN (tổng hợp)
Tags