Hà Nội đón Tết Độc lập trong niềm tin mới
Khác với hai năm trước, Hà Nội đón Tết Độc lập trong tĩnh lặng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch COVID-19, thì năm 2022 vào ngày Quốc khánh 2/9, đường phố Thủ đô có nắng vàng trải khắp mỗi con đường, góc phố.
Đường phố được trang trí những đài hoa tươi, biểu ngữ, pano cỡ lớn, rực đỏ cờ Tổ quốc khiến Hà Nội vẫn trở nên tươi tắn hơn, rực rỡ hơn mang tới cảm nhận về một Thủ đô thanh bình và đang phát triển sôi động trở lại.
Nhận định trên càng có cơ sở khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu vì một Hà Nội: Văn hiến, văn minh, hiện đại.
Phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19
Trong ngày cuối tháng 8 lịch sử, ở độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển, tại đỉnh núi Vua huyện Ba Vì (nơi đặt đền thờ Bác Hồ), Đoàn đại biểu quận Long Biên (Hà Nội) đã tổ chức dâng hương, báo công với Bác. Trong niềm thành kính, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà đã báo cáo với Bác về tình hình kinh tế - xã hội của quận trong 2 năm qua.
Dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng Long Biên nhanh chóng phục hồi kinh tế, giữ được tốc độ tăng trưởng. Điểm nổi bật là quận có số thu ngân sách 8 tháng năm 2022 đạt hơn 6.000 tỷ đồng, không chỉ là quận có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế, Long Biên còn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, là quận đầu tiên của thành phố quyết định hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho các hộ nghèo, cận nghèo từ 15 tuổi trở lên.
Theo đó, từ ngày 1/8/2022 đến 31/12/2025, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn quận Long Biên có nhu cầu, đủ điều kiện tham gia thì được hỗ trợ 100% tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức chuẩn nghèo mới áp dụng từ năm 2022. Điều này đồng nghĩa, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương này có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng 0 đồng trong thời gian hơn 3 năm.
Cùng với quận Long Biên, nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố cũng thực hiện các giải pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, tính đến hết ngày 20/8, tổng thu ngân sách nhà nước là 219.126 tỷ đồng, (đạt 70,3% dự toán, bằng 109,5% so với cùng kỳ).
Cũng trong 8 tháng qua, thành phố Hà Nội có hơn 20.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước với tổng vốn đăng ký đạt 226.000 tỷ đồng, tăng 2%. Những con số trên là bằng chứng cho thấy, kinh tế của Thủ đô phục hồi nhanh. Ông Hà Minh Hải tin tưởng, trong những tháng cuối năm, thành phố Hà Nội không chỉ hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước đã được trung ương giao, mà còn phấn đấu vượt tối thiểu 5% dự toán thu ngân sách.
Ngày 2/9 năm nay, trời thu Hà Nội trong xanh hơn, có nắng vàng trải khắp phố phường; cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió thu càng nhắc nhớ người dân Thủ đô không được quên những chuỗi ngày lầm than trước Cách mạng Tháng Tám và sự kiện 2/9/1945 khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khi lịch sử hào hùng được gợi nhớ, sẽ tạo động lực để chính quyền và người dân có thêm niềm tin tưởng, quyết tâm và kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp của thành phố. Điều này được thể hiện rõ trong mục tiêu mà Nghị quyết 15-NQ/TW đã đề ra: “Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
Nhìn nhận nội dung này, theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh nào Hà Nội cũng luôn là địa phương đi đầu về kinh tế, chính trị so với cả nước. Thời điểm này, khi Hà Nội vừa kiện toàn các chức danh chủ chốt của UBND thành phố, là cơ sở quan trọng để triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW.
Cùng với đó, trên tinh thần quán triệt sâu sắc Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, trong đó Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hà Nội sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới (kinh tế đô thị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm…) gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Đáng chú ý, thành phố sẽ ưu tiên phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng của cả nước...
Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa
Cũng theo chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô thông qua nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình “Hội tụ tinh hoa và cộng hưởng sức mạnh văn hóa quốc gia” với nhiều nội dung, cách thức thể hiện phong phú.
Đối với phát triển đô thị, thành phố sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố có 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận. Trong tương lai không xa Hà Nội sẽ là một thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, là thành phố kết nối khu vực như mục tiêu của Nghị quyết 15-NQ/TW đề ra.
Cùng chung vui và tin tưởng về một tương lai tươi sáng của Thủ đô, ông Trịnh Duy Dũng, Trưởng đại diện Công ty năng lượng của Thụy Sỹ tại Hà Nội khẳng định, Hà Nội chưa bao giờ đạt được thành tựu phát triển như ngày hôm nay.
Ông chia sẻ: “Câu chuyện này không phải tự nhiên có được mà nhờ có sự sáng tạo trong chỉ đạo, quyết liệt trong điều hành của thành phố những năm qua, đã đưa đến kết quả tích cực, diện mạo Thủ đô đổi thay từng ngày. Dù đường phố Thủ đô đôi lúc còn có cảnh tắc đường nhưng đã và đang được triển khai các giải pháp tháo gỡ, xây dựng thêm nhiều tuyến đường mới, cầu vượt sông kết nối vùng. Trên đường phố, nhiều cửa hiệu, nhiều nhà cao tầng hiện đại, nhiều xe hơi đắt tiền, đó chính là sự phát triển, phồn vinh của Hà Nội", ông Dũng nhận xét.
Cùng quan điểm, em Đỗ Quỳnh Anh, sinh viện Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, may mắn được sinh ra trong hòa bình nên thế hệ trẻ chúng em xác định làm tốt việc của mình là học tập, rèn luyện về trí, thể, mỹ, cùng các kỹ năng sống để làm chủ cuộc sống, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, đóng góp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu, đẹp, văn minh.
Mạnh Khánh