Nhiệt độ mùa Hè nóng bức chưa từng thấy ở Anh không chỉ khiến mặt đất khô cằn, các dòng sông và hồ chứa cạn kiệt mà còn khiến cây cối trút lá sớm hơn như thể mùa Thu đã tới. Thay vì sắc xanh, nhiều vườn quốc gia, công viên và các khu rừng tại Anh đã ngả sang màu cam, vàng, đỏ hoặc nâu với những thảm lá rụng dày dưới mặt đất.
Tình trạng lá rụng sớm là dấu hiệu cây bị áp lực, buộc phải trút bớt lá đề giữ lại độ ẩm để sống sót. Các chuyên gia cho rằng trong khi những cây lâu năm đã bén rễ sâu dưới lòng đất có thể chịu được những điều kiện khô hạn hơn thì những cây trồng mới, ngắn ngày sẽ dễ bị tác động hơn.
Tình trạng trên xảy ra sau khi hồi tháng 7, lần đầu tiên Anh ghi nhận mức nhiệt lên tới hơn 40 độ C, trong đó nhiều vùng ở phía Đông và Nam của xứ England trải qua mùa Hè nóng nhất trong lịch sử. Biến đổi khí hậu được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới đợt nắng nóng khắc nghiệt buộc giới chức phải ban bố tình trạng hạn hán và cấm sử dụng vòi nước tại một số khu vực để tiết kiệm nguồn tài nguyên khan hiếm vì nắng nóng.
Không chỉ các loài cây trút lá sớm hơn thường lệ mà một số loại quả cũng chín sớm hơn, như quả mâm xôi dại hay các loại quả hạch. Theo các chuyên gia, tình trạng này còn có thể ảnh hưởng tới động vật hoang dã vì một số loài động vật có vú cỡ nhỏ và chim có thói quen tích trữ đồ ăn trong tháng 9 và tháng 10 để chuẩn bị cho những tháng mùa Đông. Steve Hussey, chuyên gia từ Devon Wildlife Trust ở Tây Nam xứ England, cho biết thời gian biểu thiên nhiên rất có ý nghĩa với cuộc sống của các loài hoang dã nhưng tình trạng biến đổi khí hậu làm xáo trộn mọi thứ khiến các loài không kịp thích ứng.
- Nắng nóng, hạn hán và những hệ lụy với châu Âu
- Châu Âu trải qua đợt nắng nóng kinh hoàng
- WMO cảnh báo đợt nắng nóng tại châu Âu có thể kéo dài sang tuần tới
*Trong khi đó, các đám cháy rừng tại Bồ Đào Nha từ đầu năm đến nay cũng đã thiêu rụi 104.000 ha đất. Đây là mức thiệt hại lớn nhất trong vòng 5 năm qua trong bối cảnh quốc gia này phải chật vật ứng phó với các đợt nắng nóng khắc nghiệt bất thường.
Theo báo cáo từ Viện bảo tồn rừng và thiên nhiên Bồ Đào Nha, các đám cháy rừng năm nay đã thiêu rụi tổng diện tích đất rừng lớn nhất kể từ năm 2017 khi hàng loạt đám cháy bùng phát khiến hàng chục người thiệt mạng. Ngay trong ngày 24/8, các lính cứu hỏa vẫn đang tìm cách khống chế đám cháy ở Vila Real, ở cực Bắc đất nước. Bồ Đào Nha cũng đã phải đưa ra cảnh báo cấp quốc gia về cháy rừng từ ngày 21/8. Cảnh báo đã hết hiệu lực vào đêm 23/8 và không phải gia hạn vì các điều kiện khí tượng đã cải thiện.
Tháng 7 vừa qua cũng là tháng nóng nhất tại Bồ Đào Nha trong gần một thế kỷ, hàng trăm lính cứu hỏa đã được huy động để ứng phó với các đám cháy nghiêm trọng ở Lisbon hồi đầu tháng này. Một đám cháy khác thiêu rụi 25.000 ha đất trong khu vực đồi núi Serra da Estrela được UNESCO công nhận ở miền Trung nước này cũng chỉ vừa mới được dập tắt hồi tuần trước.
Lê Ánh/TTXVN
Tags