Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: 'Điều khiến tôi hài lòng chính là sự ủng hộ của người dân Thủ đô'

(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội trải qua gần 70 ngày đêm cam go với chiến dịch phòng, chống COVID-19. Đợt dịch lần thứ 4, thành phố phải thực hiện 5 lần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời điểm này có thể nói, với sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đang bước đầu thành công trong phòng, chống dịch với số ca F0 đang được kiểm soát tốt.

Vậy, thời gian qua hệ thống chính trị của Hà Nội đã vào cuộc như thế nào và tới đây thành phố sẽ nới lỏng giãn cách ra sao là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội về những giải pháp, biên pháp trong thời gian tới.

Chú thích ảnh

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: TTXVN

*Điều gì khiến ông hài lòng nhất trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua?

- Có thể nói rằng, cá nhân tôi cũng như tập thể lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội luôn đề cao trách nhiệm vì cộng đồng, vì sức khỏe của nhân dân và không ai mong muốn việc áp dụng giãn cách xã hội kéo dài, bởi nó đã gây ra hậu quả rất nặng nề về mọi mặt của cuộc sống.

Thành ủy luôn thấu hiểu được nỗi khát khao, mong muốn có cuộc sống bình thường mới của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, với tình hình dịch diễn biến phức tạp, kéo dài, phát sinh các ca F0 ở nhiều nơi, trên diện rộng, nên không có cách nào khác mà phải dũng cảm quyết định những việc rất khó khăn này.

Chú thích ảnh

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra Khu vực dự phòng cách ly y tế tại Trường Tiểu học Phú Thượng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Điệp – TTXVN

Thời gian qua, không những chỉ là sự vào cuộc quyết liệt ngày đêm của cả hệ thống chính trị, mà nhờ vào công tác tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu chủ trương, rồi ngươi dân tin tưởng và hành động ủng hộ chính quyền là sự thành công to lớn mà Thủ đô đạt được. Tôi thực sự cảm động bởi chính quyền và nhân dân đã hòa quyện thành một sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, sự chung sức, đồng lòng, đồng thuận của nhân dân là truyền thống quý báu, rất quan trọng khiến tôi cảm thấy hài lòng và muốn nói lời cảm ơn lúc này.

*Ông có thể lý giải rõ hơn, vì sao thành phố áp dụng đợt giãn cách kéo dài hơn 2 tháng vừa qua?

- Tôi muốn tiếp tục khẳng định, nguyên tắc nhất quán trong phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội là thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cấp trên và coi bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Vì vậy, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhờ dự báo chính xác tình hình, thành phố đã áp dụng các biện pháp mạnh ngay từ đầu và làm đến đâu điều chỉnh linh hoạt đến đấy, cho phù hợp với thực tiễn.

Để dịch không lan rộng trong địa bàn thành phố, cũng như cho các tỉnh trong khu vực, thành phố phải liên tiếp áp dụng 4 đợt giãn cách xã hội theo tình thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 2 tháng.

Khi tổng kết lại, tập thể lãnh đạo thành phố vẫn đánh giá đây là những quyết định dũng cảm, kịp thời, đúng và trúng trong lúc dịch bệnh đang “nước sôi lửa bỏng”. Tuy nhiên, để tranh thủ được “giờ vàng” này, thành phố phải áp dụng rất nhiều các giải pháp, biện pháp hữu hiệu kèm theo. Với khối lượng công việc đồ số, lại có nhiều việc khó, việc khẩn cấp, cần quyết định một cách nhanh chóng, kịp thời cùng một lúc cũng là điều rất khó khăn cho chính quyền. Vì vậy, cũng có lúc không tránh khỏi những việc bất cập, hạn chế, chồng chéo, thiếu tính đồng bộ, để gợn lên những tâm tư trong nhân dân. Tuy nhiên, thành phố luôn lắng nghe, cầu thị và điều chỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời.

Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Trung ương, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine, cùng với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của 12 tỉnh, thành phố, các bệnh viện quân đội, công an, bệnh viện tư nhân, giúp Hà Nội thần tốc hoàn thành cơ bản tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Vì vậy, bước đầu thành phố đang kiểm soát tốt dịch bệnh và nới lỏng giãn cách, cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại.

* Có ý kiến cho rằng, dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng vì sao thành phố vẫn còn hạn chế trong nới lỏng giãn cách, thưa ông?

- Thực tế cho thấy, biến chủng Delta khó lường và tốc độ lây lan nhanh chóng khó kiểm soát. Thành phố phải luôn có sự đánh giá dựa trên cơ sở khoa học và đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để cho phép phạm vi và loại hình dịch vụ hoạt động. Nhưng trên tinh thần là thận trọng, từng bước, tránh sự ồ ạt, nóng vội, nếu để dịch tái phát sẽ rất khó trở tay.

Chú thích ảnh

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại quận Đống Đa. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, khi thành phố chưa phủ rộng tiêm vaccine mũi 2 cho toàn dân, nếu có tư tưởng chủ quan, cộng thêm sự thiếu ý thức, lơ là, xem nhẹ công tác phòng, chống dịch bệnh thì dễ dẫn đến hậu quả rất khó lường.

* Theo ông thì bài học lớn nhất trong phòng, chống dịch của Hà Nội là gì?

- Như tôi đã đề cập ở trên, Thành ủy Hà Nội đánh giá bài học kinh nghiệm giúp Hà Nội khống chế dịch thành công, không để bùng phát mạnh trong gần 5 tháng qua là dựa vào nhân dân, huy động được sức dân tham gia chống dịch. Người dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng, chống dịch tại Thủ đô. Bên cạnh vai trò nòng cốt là lực lượng tuyến đầu, việc thành phố có thể nới lỏng các hoạt động như hiện nay chính là thành quả, là công sức đóng góp của nhân dân. Vì vậy, Thành ủy tiếp tục kêu gọi người dân nâng cao ý thức trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Thành ủy cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục coi trọng công tác phòng, chống dịch và không được chủ quan bỏ trận địa.

* Sau khi khống chế được dịch bệnh, vấn đề người dân và doanh nghiệp đang quan tâm nhất lúc này thành phố sẽ làm gì để phát triển kinh tế, thưa ông?

- Thời gian qua thực sự là một sự thử thách rất lớn của Hà Nội, bởi không chỉ nhiệm vụ phòng, chống dịch mà thành phố luôn đảm bảo được nhịp độ sản xuất. Hà Nội phải khoanh vùng dịch, phân định rất rõ ràng địa lý để các doanh nghiệp vẫn hoạt động “3 tại chỗ”, nông dẫn vẫn lao động, sản xuất vụ mùa đạt năng suất, sản lượng cao, cung cấp hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Hà Nội và các tỉnh.

Trong những ngày giãn cách, thành phố đã chỉ đạo bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, còn bằng nhiều kênh khác của Trung ương và thành phố đã hỗ trợ cho hàng chục ngàn người vượt qua khó khăn.

Nhờ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì được chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, thành phố đã đạt Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 6,61%, cao hơn quý trước (quý I tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy chung tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%); 8 tháng đầu năm 2021 thu ngân sách đạt 69,8% dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp cũng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020...

Để khởi động cho phát triển kinh tế khi mở cửa, Thường trực Thành ủy đã giao cho Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tới đây sẽ tập trung gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để kịp thời tháo gỡ những vướng mắt, khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn. Thành phố cũng chú trọng và thông thoáng thủ tục để thu hút đầu tư; khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
 Ảnh: TTXVN

* Ông có thể cho biết, thành phố sẽ tập trung vào những giải pháp nào để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả?

- Thành phố đã dự trù cho phương án xã hội hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất vẫn là phải an toàn phòng chống dịch bệnh trong sản xuất và kiểm soát chặt chẽ người ra vào địa bàn. Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong rất nhiều giải pháp, thành phố chú trọng 3 giải pháp lớn đó là: Tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp, trong đó, người dân phải thực hiện biện pháp “5K”, tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày.

Tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện; trọng tâm là chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh.

Tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân vaccine để trong tháng 10/2021 thành phố cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Văn Cảnh