Bỏ chỉ đạo 'không xây nhà nhái kiến trúc Pháp cổ' do lỗi... in ấn

Thứ Sáu, 14/06/2013 12:31 GMT+7

Google News

Bộ Xây dựng giải thích có sai sót trong khâu in ấn, vì vậy đã yêu cầu các địa phương bỏ nội dung "Không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu".

Cuối tháng 5, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các địa phương triển khai thông tư hướng dẫn về thiết kế đô thị, khẩn trương khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý về chất lượng kiến trúc các công trình xây dựng. Tuy nhiên, trong công văn phát đi cuối ngày qua, Bộ cho biết muốn bỏ nội dung “không xây dựng công trình nhại kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu”, vì in ấn có "sai sót".


Để nâng cao chất lượng về công tác quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị, cuối tháng 5, Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm soát chất lượng thiết kế công trình (đặc biệt là các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước) phải kế thừa phát huy các giá trị truyền thống, đảm bảo mỗi đô thị có ngôn ngữ kiến trúc riêng phù hợp với điều kiện cảnh quan, môi trường tự nhiên, tập quán văn hóa của các vùng miền. Bộ Xây dựng cũng lưu ý không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng, câu lưu ý của Bộ xây dựng là chưa chuẩn xác, cần làm rõ hơn thế nào là nhại cổ. Hiện nay, theo các văn kiện của Đảng, chúng ta đang nền văn hóa đậm đà bản sắc vừa kế thừa vừa phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Hiện nay Hà Nội và TP HCM, các tòa nhà kiến trúc Pháp đã trở thành một phần bản sắc của đô thị.

"Bộ Xây dựng không nên đưa ra câu lưu ý đó vì bản thân người kiến trúc sư chân chính luôn phát huy các giá trị gắn bó giữa hiện đại và truyền thống, không bao giờ sao chép lại nguyên mẫu các công trình cũ. Bộ Xây dựng có thể nhắc nhở các địa phương cần nâng cao chất lượng kiến trúc sư để sáng tạo các công trình có giá trị văn hóa hơn", ông Đào Ngọc Nghiêm nhận xét.

Theo Đoàn Loan
Vnexpress

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›