Việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/8.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi: Một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới hiện nay gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vậy trách nhiệm trên thuộc về ai và biện pháp khắc phục như thế nào?
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua năm 2019. Tất cả chi tiết được in trên hộ chiếu được thực hiện theo đúng quy định của luật. Hộ chiếu mẫu mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhiều nước trên thế giới đều dùng mẫu này và không ghi nơi sinh. Hộ chiếu Việt Nam đưa ra được đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Chỉ có ba nước là Đức, Tây Ban Nha, Séc chưa chấp nhận. Gần đây, Tây Ban Nha đã chấp nhận hộ chiếu Việt Nam. Cũng có nước bị vướng về vấn đề hộ chiếu giống Việt Nam như Hàn Quốc.
Bộ trưởng lý giải, quá trình thực hiện việc này đúng quy định pháp luật. Một số nước chưa chấp nhận vì có lý do rất thực tế, vì họ muốn tìm hiểu xem nguồn gốc công dân vào nước họ, ở địa phương nào cụ thể.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: "Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật". Bộ Công an đã có giải pháp để khắc phục việc này. Trước mắt, công dân thấy cần bổ sung nơi sinh, Bộ Công an đã bàn với các cơ quan liên quan bổ sung nơi sinh vào phần bị chú trong hộ chiếu, để tạo thuận lợi cho công dân.
Về lâu dài, nếu cần bổ sung nơi sinh, Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ, thống nhất với các cơ quan, báo cáo Quốc hội đề xuất sửa Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó bổ sung những thông tin này.
"Về trách nhiệm, Bộ Công an chủ trì thực hiện việc này, chúng tôi nhận trách nhiệm", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Trước khi phiên chất vấn diễn ra, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, trong đó có việc cấp hộ chiếu mẫu mới đang được dư luận quan tâm.
Theo báo cáo của Bộ Công an, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra cuối tháng 11/2019, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua. Thực hiện quy định của Luật, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73 ngày 29/6/2021 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu có liên quan. So với hộ chiếu mẫu cũ, hộ chiếu mẫu mới được sản xuất, in ấn bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an cao hơn và chống nguy cơ làm giả, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Bộ Công an lý giải hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu phổ thông mẫu mới là những hình ảnh tiêu biểu về cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, giúp quảng bá hình ảnh đặc trưng của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, là điểm đến ấn tượng, thú vị (các hình ảnh đưa vào hộ chiếu đã được Hội đồng gồm các chuyên gia về văn hóa, họa sĩ, nhà sử học... thẩm định).
Tính đến nay, Bộ Công an đã cấp 272.000 hộ chiếu theo mẫu mới cho công dân trên toàn quốc. Đồng thời, Bộ tổ chức tuyên truyền về mẫu hộ chiếu mới và thời điểm cấp hộ chiếu cũng như tiện ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến (dịch vụ công cấp độ 4) để hạn chế công dân đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Theo Bộ Công an cho biết, theo quy định của ICAO, tiêu chuẩn hộ chiếu, các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu bao gồm: Loại hộ chiếu, họ và tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Ngoài ra, ICAO cũng quy định cụ thể về cách thiết kế, bố trí từng nội dung thông tin trên trang nhân thân của hộ chiếu để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với máy đọc hộ chiếu của các quốc gia trên thế giới.
"Mẫu hộ chiếu mới ban hành kèm theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA đã tuân thủ chặt chẽ các quy định trên và hoàn toàn đáp ứng đúng các tiêu chuẩn quốc tế", Bộ Công an khẳng định.
Giải thích cho việc hộ chiếu mới không có thông tin nơi sinh, Bộ Công an cho biết, theo quy định của ICAO, các thông tin khác như nơi sinh tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, các thông tin trên hộ chiếu không có nơi sinh. Trên cơ sở này, Bộ Công an ban hành Thông tư 73, và mẫu hộ chiếu mới ban hành theo thông tư không có thông tin nơi sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta trong quá trình nhập cảnh.
Về vấn đề một số nước châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, theo Bộ trưởng Công an, cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các nước và xác định đây là vấn đề mang tính kỹ thuật.
- Bổ sung mục 'nơi sinh' trong hộ chiếu mẫu mới
- Người Phát ngôn Bộ Công an nói về hộ chiếu mẫu mới
- Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông tin về mẫu hộ chiếu mới
Với nhận định hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại, Bộ Công an cho biết để giải quyết cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu, cơ quan này đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị.
"Về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục "nơi sinh" trang nhân thân hộ chiếu", báo cáo của Bộ Công an nêu rõ và cho biết đang lấy ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao về vấn đề này.
Xuân Tùng/TTXVN
Tags