Chiều 9/7, Bộ Y tế cho biết, cả nước ghi nhận 684 ca mắc COVID-19 mới, ít hơn 116 ca so với hôm qua (8/7). Trong ngày, số ca khỏi bệnh gấp gần 10 lần số mắc mới.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.754.348 ca mắc, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.521 ca mắc).
Ngày 9/7/2022, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 722 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổng sung thông tin.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 6.522 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.756.387 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 23 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ 21 ca; thở ô xy dòng cao HFNC 2 ca.
Trong ngày 9/7 không ghi nhận ca tử vong.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.089 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong/triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày 8/7 có 323.219 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 235.180.218 liều. Trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 207.416.830 liều: Mũi 1 là 71.502.498 liều; mũi 2 là 68.891.233 liều; mũi 3 (vaccine Abdala) là 1.511.813 liều; mũi bổ sung là 14.219.432 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 46.237.243 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 5.054.611 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 18.713.049 liều: Mũi 1 là 9.003.437 liều; mũi 2 là 8.657.759 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 1.051.853 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 9.050.339 liều: Mũi 1 là 6.370.259 liều; mũi 2 là 2.680.080 liều.
* Trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ họ tránh bệnh trở nặng.
- Số ca mắc mới giảm nhẹ; hướng dẫn điều trị hội chứng hậu Covid-19 cấp tính ở trẻ
- Dịch Covid-19: Cả nước có thêm hơn 900 F0 mới; nhiều tỉnh, thành phố chậm tiêm mũi 3, 4
- Biến thể BA.4, BA.5 đã xâm nhập nhưng hàng chục tỉnh vẫn tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 và 4 chậm
Bộ Y tế khẳng định, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Do đó, các địa phương đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ để duy trì miễn dịch cộng đồng.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Cùng với đó, xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023.
TTXVN
Tags