Chiều 6/7, Bộ Y tế cho biết, cả nước ghi nhận 913 ca mắc COVID-19 mới. Trong ngày có hơn 7.600 bệnh nhân khỏi bệnh, cao gấp hơn 8 lần số mắc mới.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.751.227 ca mắc, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.495 ca mắc).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 7.626 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.732.548 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 29 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 21 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 4 ca.
Trong ngày 6/7 không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.089 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày 6/7 có 388.093 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 234.282.400 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 206.960.017 liều: Mũi 1 là 71.500.532 liều; Mũi 2 là 68.883.973 liều; Mũi 3 (vaccine Abdala) là 1.511.776 liều; Mũi bổ sung là 14.282.001 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 46.004.475 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 4.777.260 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 18.647.940 liều: Mũi 1 là 9.002.185 liều; Mũi 2 là 8.653.110 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 992.645 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 8.674.443 liều: Mũi 1 là 6.143.870 liều; Mũi 2 là 2.530.573 liều.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục nhắc nhở các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn có nhiều địa phương đã liên tục nằm trong danh sách tiêm chậm các mũi nhắc lại: mũi 3 và mũi 4, trong khi biến thể phụ BA.4 và BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam.
- Phát động tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 và mũi 4 cho công nhân, viên chức, lao động
- Biến thể phụ BA.5 có thể tiếp tục xâm nhập; Phát động chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 và 4
- Biến thể phụ BA.5 khiến nhiều nước tăng số ca Covid-19; Việt Nam theo dõi chặt, thúc đẩy tiêm vaccine
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, việc phòng bệnh bằng các biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. "Vì vậy, vaccine tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4, vaccine COVID-19 chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể phụ BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại".
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng thông tin, theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 - 6 tháng. Do đó, nếu tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch.
"Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vaccine vẫn rất hiệu quả", Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân khẳng định.
TTXVN
Tags