(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, nhiều người dân đã bị kẻ lừa đảo mạo danh là Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát điều tra, Kiểm sát viên... nhằm đe dọa, đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Đây là những thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng được thực hiện rất tinh vi, tổ chức chặt chẽ, nên gây hoang mang cho người dân và khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.
Báo vi phạm qua điện thoại, gửi lệnh bắt qua Zalo
Vừa về nước sau nhiệm kỳ 3 năm thường trú tại nước ngoài, đang thực hiện cách ly tập trung, nhưng anh T.P.H (phóng viên TTXVN, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) bỗng nhận được điện thoại thông báo nộp tiền phạt vi phạm giao thông.
Cụ thể, sáng 22/6, anh T.P.H nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại cố định, có giọng tổng đài tự động thông báo anh đang nợ tiền phạt vì vi phạm luật giao thông, bấm số 9 để biết thông tin. Sau đó, một người đàn ông nghe máy, xưng là Cảnh sát Giao thông thành phố Đà Nẵng, giải thích với anh T.P.H rằng anh đã thuê một chiếc xe ô tô rồi gây tai nạn tại Đà Nẵng và bỏ trốn. Khi anh T.P.H nói rằng mình vừa từ nước ngoài về nên không thể có mặt tại Đà Nẵng, đối tượng giải thích rằng, anh đã bị trộm thông tin cá nhân để mang đi thuê xe, sẽ chuyển vụ việc này cho Cảnh sát điều tra.
Bằng nghiệp vụ phóng viên, anh T.P.H đã nhận ra thủ đoạn của nhóm lừa đảo nhưng vẫn vờ lo lắng, làm theo hướng dẫn để tìm hiểu thêm.
Sau đó, một giọng nói khác xưng là cán bộ điều tra Công an thành phố Đà Nẵng tiếp tục gọi điện cho anh T.P.H thông báo: có tài khoản ngân hàng đứng tên anh đang thực hiện “rửa tiền” cho tổ chức tội phạm. Người này bắt đầu dọa nạt anh T.P.H bằng nhiều chiêu trò: gửi ảnh một phạm nhân (qua Zalo) hỏi anh có quen biết người này không, gửi lệnh bắt tạm giam và niêm phong tài sản (qua Zalo), dọa sẽ bắt ngay trong ngày, khuyên nhủ anh hãy nghĩ đến vợ con và làm theo hướng dẫn... Khi đối tượng yêu cầu anh T.P.H cung cấp tài khoản ngân hàng, anh đề nghị tới trụ sở Công an làm việc, đối tượng ngắt điện thoại.
Anh T.P.H nhận định: “Đây là nhóm đối tượng lừa đảo rất tinh vi, với kịch bản chi tiết nên có thể khiến nhiều người tin và bị lừa. Để tạo niềm tin, chúng sử dụng ngôn từ rất giống với lực lượng chức năng, vờ gọi điện thoại “lên Bộ”, chuyển máy cho “thủ trưởng”, thậm chí vờ bật Zalo quên tắt camera để lộ hình ảnh người mặc đồng phục cảnh sát (chỉ trong vài giây khiến bị hại không kịp chụp màn hình)... Đặc biệt, khi giả mạo lực lượng chức năng của thành phố Đà Nẵng, các đối tượng đều nói giọng Đà Nẵng và đưa ra ảnh lệnh bắt (giả mạo) của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.”
Theo anh T.P.H, sáng hôm sau (23/6), anh lại nhận được một cuộc điện thoại giả mạo nhân viên bưu điện nói anh có bưu phẩm để tiếp tục lừa đảo. Anh thấy lo lắng vì các thông tin cá nhân như tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ... đã bị rò rỉ.
Không may mắn như anh T.P.H, chị N.T.N.Y (24 tuổi, tạm trú tại Khu ký túc xá phía Tây, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà nẵng) đã bị kẻ gian lừa hơn 800 triệu đồng cũng với thủ đoạn trên.
Chị N.T.N.Y kể lại, khoảng 9 giờ ngày 8/6, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, giọng đàn ông xưng Cảnh sát Giao thông nói rằng, chị Y vi phạm Luật Giao thông đường bộ, liên quan đến một chiếc ô tô. Chị Y không hiểu chuyện gì, giải thích, người đàn ông cúp máy. Ngay sau đó, chị nhận được cuộc gọi từ số: 832363822300, xưng là cán bộ Công an thành phố Đà Nẵng trao đổi về việc đang điều tra một vụ án có liên quan đến chị Y và yêu cầu chị Y làm theo hướng dẫn nếu không muốn bị khởi tố, tạm giam. Sau khi đăng nhập vào đường link đối tượng gửi cho và soạn tin nhắn theo cú pháp, tài khoản ngân hàng của chị Y bị trừ tổng cộng 837 triệu đồng. Chị N.T.N.Y đã trình báo công an quận Liên Chiểu và lực lượng chức năng đang khẩn trương điều tra vụ việc.
Cơ quan chức năng chỉ làm việc trực tiếp
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng khẳng định, Công an thành phố không thông báo vi phạm, điều tra, phá án qua điện thoại, đồng thời khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo để tránh thiệt hại tài sản.
“Khoảng 2 năm nay, sau khi xuất hiện những trường hợp giả mạo lực lượng Công an để gọi điện thoại lừa đảo, chúng tôi đã liên tục tuyên truyền, cảnh báo cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian qua, lực lượng đã xử lý nhiều vụ việc, bắt giữ nhiều người liên quan trong các vụ lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội. Nhưng vẫn còn một số vụ lừa đảo có thủ đoạn tinh vi hoặc người bị hại không tố giác, gây khó khăn cho công tác điều tra”, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết.
Về thủ đoạn lừa đảo “phạt nguội”, theo Phòng Cảnh sát Giao thông thành phố Đà Nẵng, hệ thống camera giám sát giao thông sau khi ghi nhận hành vi vi phạm sẽ gửi về trung tâm điều khiển của Phòng Cảnh sát Giao thông thành phố, sau đó được bộ phận xử lý in và gửi tất cả thông báo vi phạm về địa chỉ của chủ phương tiện. Người vi phạm có thể tra cứu thông tin “phạt nguội” trên hệ thống của Công an thành phố Đà Nẵng (https://vpgtcatp.danang.gov.vn/) hoặc Cục Cảnh sát Giao thông – Bộ Công an. Khi nhận được thông báo, chủ phương tiện căn cứ theo thời gian ghi trên thông báo để đến Phòng Cảnh sát Giao thông thực hiện thủ tục xử phạt theo đúng quy định của pháp luật, tránh bị kẻ xấu lừa đảo qua điện thoại.
- Tái diễn cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực để lừa đảo
- Vấn nạn tin nhắn rác: Thông tin quảng cáo xen lẫn nội dung lừa đảo
- Án tù nghiêm khắc cho các đối tượng lừa đảo, giết người
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Tiến, khi cơ quan tố tụng làm việc luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tố tụng, nhưng nhiều người dân còn chưa biết về các quy trình này nên dễ bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
“Đối với các lệnh, quyết định khởi tố, tạm giam, niêm phong đều phải đọc trực tiếp cho đối tượng hoặc mời lên trụ sở làm việc, không có chuyện làm việc qua điện thoại, gửi ảnh qua mạng... Người dân cần tỉnh táo, hết sức cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi mang tính chất dọa dẫm, bắt bớ, đề nghị nộp tiền, cung cấp số tài khoản hay thông tin cá nhân khác”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Tiến nhấn mạnh.
Theo các cơ quan chức năng, để tránh mắc phải những thủ đoạn lừa đảo này, quan trọng nhất là mỗi người dân tự nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng bị cho bản thân. Hiện nay, quá trình điều tra xử lý loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và xác định đối tượng phạm tội.
Loại tội phạm này ít khi được phát hiện bằng việc bắt quả tang mà chủ yếu là qua lời khai bị hại, sau đó cơ quan điều tra lập chuyên án, truy xét, căn cứ theo các dấu vết dữ liệu điện tử để truy nguyên ra nguồn gốc tội phạm. Tuy nhiên, để tránh bị lộ, các đối tượng lừa đảo thường dùng Chứng minh nhân dân giả để lập tài khoản ngân hàng giả mạo, sim “rác”, tài khoản mạng xã hội giả... Sau khi phạm tội, các đối tượng sẽ xóa các dấu vết điện tử nên dễ dàng che dấu hành vi phạm tội của mình, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ. Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, không trực tiếp tiếp xúc với người bị hại nên việc nhận diện đối tượng cũng rất khó khăn.
Quốc Dũng/TTXVN
Tags