(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/2, theo trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), nhiều tỉnh, thành phố thuộc miền Bắc có chỉ số chất lượng không khí (AQI) màu đỏ (ở mức xấu), màu cam (ở mức kém) và màu vàng (ở mức trung bình).
Đáng lưu ý, một vài điểm thuộc miền Bắc có chỉ số chất lượng không khí màu tím (ở mức rất xấu) cảnh báo có ảnh hưởng đến sức khỏe con người như: Phú Xuyên (Hà Nội), thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Thư viện Yên Bình (Yên Bái).
Một số ít địa điểm như: Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên (thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu), Lâm Trường 1 (Mường La, tỉnh Sơn La), Thái Đô (Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), Thư viện Hải Hậu (Hải Hậu, tỉnh Nam Định), Thư viện xã Nga An (Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), chỉ số chất lượng không khí màu xanh (ở mức tốt), không ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Khu vực Nam Bộ, phần lớn các điểm, chỉ số chất lượng không khí có màu xanh (ở mức tốt) không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ứng dụng AirVisual (là sản phẩm của Tổ chức IQAir- sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí) dự báo, trong 7 ngày tới từ 20-27/2, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội vẫn còn ở mức xấu (có hại cho sức khỏe) từ 151-200.
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong các tháng đầu năm 2021, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu. Một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động. Người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn khi không khí ô nhiễm.
Báo cáo Tình trạng Không khí Toàn cầu 2020 do Viện Ảnh hưởng Sức khoẻ (HEI) và Viện Đo lường và Đánh giá Sức khoẻ (IHME) tại Đại học Washington và Đại học British Columbia thực hiện vừa đưa ra những con số đáng báo động về thực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên toàn thế giới. Thực trạng này cho thấy ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn với nhân loại.
Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí không phải bây giờ mới bùng phát mà đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, do cộng hưởng từ tình trạng thời tiết hanh khô gây cháy rừng... Ngoài ra việc các công trình lớn được xây dựng hàng loạt, lượng khí thải từ xe cộ, khí thải công nghiệp tăng đáng kể, hay đốt rơm rạ… đã làm trầm trọng hơn tình hình ô nhiễm không khí.
- Miền Bắc vẫn ô nhiễm không khí kéo dài trong ngày
- Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí
- Số ca tử vong do ô nhiễm không khí tại Ấn Độ cao ở mức báo động
Ô nhiễm không khí có nhiều loại, như: ô nhiễm khí độc, ô nhiễm khí có hại cho sức khỏe, ô nhiễm bụi... Trong đó, bụi là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Bụi có nhiều loại. Phân chia theo chất liệu, có bụi kim loại, bụi vải, bụi gỗ, bụi nhựa, bụi cát, bụi xi măng...; phân chia theo kích thước có bụi to, bụi cỡ vừa, cỡ nhỡ, bụi mịn. Những hạt bụi mịn cực nhỏ có đường kính từ 2,5 micromet trở xuống (PM2.5) liên tục được tạo ra bởi khí thải từ động cơ xe, nhà máy, công trường, thói quen đốt rác, rơm rạ của nông dân, bắn pháo hoa trong các lễ hội tôn giáo và các nhà máy nhiệt điện, lơ lửng trong không khí có thể xâm nhập vào cơ thể người.
Để bảo vệ sức khỏe, người dân thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài để chống bụi mịn; thực hiện giãn cách ở nơi đông người. Các chuyên gia khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.
Nguyễn Hồng Điệp
Tags